'Hỏa tốc' mời họp, yêu cầu 2 bộ giải trình về thị trường xăng dầu

23/02/2023 15:24 GMT+7

Ngày 22.2, Ủy ban kinh tế - Quốc hội khóa 15 gửi thư "hỏa tốc" đến các doanh nghiệp xăng dầu mời tham dự phiên giải trình về tình hình xăng dầu của Bộ Công thương và Bộ Tài chính.

Cụ thể, giấy mời do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ký, nội dung "tham dự phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu".

Quốc hội 'hỏa tốc' mời họp, yêu cầu 2 bộ giải trình về thị trường xăng dầu - Ảnh 1.

Xăng dầu vẫn chưa hết "nóng" ngay cả khi thị trường ít biến động

NHẬT THỊNH

Căn cứ chức năng giám sát được quy định tại luật Tổ chức Quốc hội, luật Hoạt động giám sát Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 ngày 28.3.2022 và theo chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Kinh tế tổ chức buổi họp giải trình này.

Đáng lưu ý, trong thư mời, Ủy ban Kinh tế ghi rõ: Cơ quan giải trình là Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo Ủy ban Kinh tế sẽ chủ trì cuộc họp này vào ngày 28.2.

Trước đó, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối xăng dầu đồng loạt gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công thương, VCCI... xung quanh các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu hiện nay và góp ý tại nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu sắp tới.

Trong đó, các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị phải có mức chiết khấu cho bán lẻ, cụ thể từ 5 - 6% tính trong giá cơ sở. Ngoài ra, doanh nghiệp bán lẻ được quyền mua hàng từ 2 - 3 đầu mối, không nên bắt buộc chỉ mua hàng từ một đầu mối/thương nhân phân phối như quy định hiện nay. Các doanh nghiệp phân phối kiến nghị được mua hàng từ đầu mối, từ thương nhân phân phối đồng cấp, không nên sửa lại là thương nhân phân phối chỉ được phép mua hàng từ 3 đầu mối theo dự thảo nghị định sửa đổi.

Trong khi đó, góp ý dự thảo sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng nên quy định mức thù lao tối thiểu đại lý bán lẻ để doanh nghiệp hoạt động ổn định. Tuy nhiên, mới đây, Bộ KH-ĐT trong bản góp ý dự thảo lại cho rằng, không nên quy định mức chiết khấu tối thiểu nhằm đảm bảo quyền tự quyết của doanh nghiệp, giảm can thiệp Nhà nước vào hoạt động kinh doanh.

Hiện dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công thương trình lên Chính phủ để xem xét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.