Hoài niệm bánh cốm Hà Nội

15/10/2014 05:00 GMT+7

Gói chiếc bánh lại, như gói cả một mùa thu trong vắt.

Tôi thường ăn nhón nhén, vòng quanh phần vỏ ngoài chiếc bánh cốm rồi chừa phần nhân đậu xanh thơm phưng phức lại ăn sau cùng. 

Tôi nhớ lần đầu tiên mình ăn bánh cốm là vào kỳ nghỉ hè năm học lớp 3, mà đúng là bánh cốm mua ở Hàng Than, Hà Nội chứ không phải thứ bánh deo dẻo bột nếp màu xanh lá mạ ghi một chữ nhòe nhoẹt là “bánh cốm” thường thấy ở mấy sạp tạp hóa trong xóm toàn con em lao động.

Hoài niệm bánh cốm Hà Nội 1
Bóc lớp nilon này ra, chiếc bánh tỏa hương thơm rất dễ chịu - Ảnh: Thúy Hằng

Ngày đó xí nghiệp mẹ tôi thưởng cho các cán bộ công nhân viên xuất sắc đi nghỉ 3 ngày ở Hà Nội, ở khách sạn đẹp và có xe đưa đón riêng để thăm thú Thủ đô. Tôi bám càng mẹ. Và ngày cuối cùng, hai mẹ con tíu tít lên Phố Cổ sắm sanh quà bánh.

Những chiếc bánh cốm để trong một chiếc hộp giấy vuông màu xanh, giống hệt như chiếc hộp gói bằng lá chuối và thắt dây lạt nhuộm phẩm đỏ xếp từng chồng đẹp mắt trên phố Hàng Than ngày ấy với tôi là cả một sự tò mò, ao ước. Tôi giật giật tay áo mẹ.

Chiếc hộp giấy thơm tho được bóc ra, bên trong là một chiếc bánh mỏng hơn nhiều so với chiều cao của chiếc hộp. Chiếc bánh màu xanh lá mạ, bọc trong một lớp nilon trong suốt. Bóc lớp nilon này ra, chiếc bánh tỏa hương thơm rất dễ chịu. Tôi cắn từng miếng nhỏ nhẹ lớp cốm dẻo mượt bên ngoài, dành phần nhân đậu xanh, mứt dừa, mứt bí ăn sau cùng để tận hưởng hương vị thơm ngon, ngọt ngào đọng lại.

Quà bánh với trẻ con xóm lao động nghèo ngày đó là một thứ hiếm và quý. Mà bánh cốm Hà Nội lại là một điều quý giá hơn. Thế nên mấy đứa trẻ trong nhà được mẹ tôi chia phần mỗi đứa một cái bánh cốm thì hít hà, để dành mãi mới dám bóc ra. Đặc biệt là đứa nào cũng ăn dè xẻn như để chờ mình là đứa còn nhiều bánh nhất sau cùng, nhem nhem đứa đã lỡ mồm lỡ miệng mà ăn hết.

Rõ ràng so với những chiếc kẹo bột nhuộm phẩm đỏ, ăn xong thì đỏ lòe lưỡi hay những chiếc bánh nướng cứng như đá vì toàn bột mì, bên trong lác đác vài sợi lá chanh thì bánh cốm Hàng Than là một gia tài quý.

Sau này đi học rồi đi làm ở Hà Nội, tôi mới có dịp lân la đến những hàng bánh cốm Hàng Than, xem người ta làm bánh cốm như thế nào, mới hiểu cốm là nét thu riêng của Hà Nội và bánh cốm Hàng Than đã trứ danh, thành lễ vật nên duyên chồng vợ của người Hà Nội.

Bánh cốm là phải làm từ hạt cốm tươi hoặc cốm khô truyền thống, sên trong nước đường đến khi thành lớp bột dẻo mề mệt, nhấm trên đầu lưỡi có cảm giác như tan ra được. Nhân bánh là đậu xanh, mứt dừa, mứt bí đã ngào đường, viên tròn lại. Gói chiếc bánh lại, như gói cả một mùa thu trong vắt.

Thi thoảng tôi mua bánh cốm về làm quà cho các cháu, tuy nhiên, không bắt gặp lại đôi mắt sáng rực và cái nhìn thòm thèm của những đứa trẻ khi đón nhận chiếc hộp màu xanh lá mạ như chúng tôi, mười mấy năm về trước.

Riêng tôi vẫn đôi khi mua bánh cốm về, pha trà và ngồi nhẩn nha, ăn một mình hệt như một người đã lẩm cẩm. Bánh cốm vẫn dẻo mượt và thơm, lớp nhân đậu xanh, mứt bí vẫn thơm phức và đầy quyến rũ.

Bên trong chiếc hộp màu xanh kia, với một con bé 9 tuổi ngày xưa và 23 tuổi hôm nay vẫn là một bí mật Hà Nội.

Hoài niệm bánh cốm Hà Nội 2
Bánh cốm được làm trên phố Hàng Than, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: Thúy Hằng

Hoài niệm bánh cốm Hà Nội 3


Cốm tươi được làm ở làng Mễ Trì Hạ, Hà Nội - Ảnh: Thúy Hằng

Hoài niệm bánh cốm Hà Nội 5
Những thúng cốm được bán cùng chuối chín ở chợ làng Mễ Trì Hạ
những ngày mùa thu này - Ảnh: Thúy Hằng

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.