Hoài niệm phố qua tờ vé số xưa

28/01/2022 11:33 GMT+7

Hình ảnh phong cảnh, địa danh lịch sử in trên những tấm vé số được phát hành trước năm 1975 khiến người xem rưng rưng nhớ về mảnh đất, con người của một thời xưa cũ.

Thổn thức với "Huế xưa"

Tấm vé số phát hành vào năm 1972 in bức ảnh chụp một cây cầu với dòng chú thích “cầu Sông Hương - Huế” kích thích trí tò mò của tôi. Tìm hiểu mới biết, Sông Hương chính là tên cũ của cầu Phú Xuân ngày nay (được hoàn thành vào năm 1971). Ngoài tên Phú Xuân, nhiều người biết đến cây cầu này qua tên gọi cầu Mới. Hẳn với những người yêu Huế, đi trên cầu Phú Xuân sẽ có rất nhiều hoài niệm.

Những tờ vé số xưa in hình cố đô Huế gợi cảm xúc hoài niệm cho nhiều người

Tiếp tục lần giở bộ sưu tập vé số “Huế xưa” của nhà sưu tập trẻ Trần Văn Nam (28 tuổi, trú trên đường Duy Tân, TP.Đà Nẵng), tôi lại bắt gặp những hình ảnh cố đô ở những “mốc” lịch sử khác nhau. “Gần 10 năm qua, tôi cất công tìm kiếm những tờ vé số cũ về Huế cũng để thỏa mãn những cảm xúc mãnh liệt với mảnh đất và con người nơi đây. Với khoảng 100 tờ phát hành trong giai đoạn từ năm 1951 - 1975, bộ sưu tập quy tụ những tờ vé số xưa in các hình ảnh khác nhau về cố đô trầm mặc”, anh Nam kể và cho hay: “Tôi chủ yếu sưu tầm vé số trong khoảng giai đoạn 1951 - 1975, bởi trong thời điểm này, đời sống vé số có nhiều điều thú vị. Mỗi lần ngắm các bộ sưu tập về phong cảnh, con người xưa cũ, lòng tôi lại có chút gì đó bồi hồi lạ lắm…”.

Cầm trên tay tờ vé số được phát hành vào tháng 5.1959 in hình cầu Trường Tiền, Nam say sưa nói như một người nghiên cứu lịch sử: “Cây cầu 6 vài 12 nhịp trước cuộc giật sập lần 2 (vào Xuân Mậu Thân 1968) trông rất đẹp. Nhìn hình ảnh này gợi nhớ về một ký ức đau thương do chiến tranh. Nhưng cũng nhờ tấm vé số xưa, nhiều người có thể chiêm ngưỡng được một tuyệt tác kiến trúc mà không dễ gì được xem tận mắt ở thời điểm đó”. Bộ sưu tập vé số của Nam còn đưa người xem đến những kiến trúc cổ kính, như: chùa Thiên Mụ (in năm 1959 và 1962), Phu Văn lâu (in năm 1961), hồ Tịnh Tâm (in năm 1971), cửa Ngọ Môn (in năm 1964), lăng Minh Mạng (in năm 1959), Thế miếu (in năm 1964)… Mỗi bức ảnh lướt qua, hình ảnh xưa cũ lại hiện về thổn thức những trái tim.

Một tờ vé số xưa do Pháp phát hành vào năm 1944

HOÀNG SƠN

Cảm xúc hoài niệm cũng dẫn dắt người xem qua những tờ vé số in hình phong cảnh, địa danh xưa của TP.Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam) trước ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Đó là cảnh thiếu nữ đi bộ trong phố cổ Hội An

gây nhiều thương nhớ (in vào năm 1965), đó là cảnh chùa Cầu cổ kính (in năm 1958), là hình ảnh chiếc xe đò vượt đèo Hải Vân (in năm 1959), hình ảnh những chiếc thuyền buồm của ngư dân đang mưu sinh trên sông Hàn (in năm 1964) cùng nhiều hình ảnh về Ngũ Hành Sơn nay là di tích quốc gia đặc biệt (in vào năm 1958 và 1964)...

90 năm thăng trầm

“Lịch sử vé số” Việt Nam hiện đại sẽ ghi nhớ những biến động trong phát hành do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Năm 2020, Chính phủ đã quyết định dừng phát hành vé số trong vòng 15 ngày (kể từ ngày 1.4.2020). Do diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp hơn, năm 2021, ngành vé số khu vực phía nam có đến 3 tháng dừng phát hành (kể từ ngày 9.7), lâu hơn dự kiến đến 2 tháng rưỡi. “Trong suốt gần 90 năm kể từ ngày tờ vé số đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam (do người Pháp phát hành vào năm 1935), đây không phải là lần đầu tiên vé số phải ngưng phát hành...”, Nam nói.

Vé số Tombola đặc biệt, được in để quyên tiền làm việc thiện của các tổ chức xã hội ngày xưa

Tuy còn trẻ tuổi nhưng anh Nam nghiên cứu khá sâu và bài bản về lịch sử của tờ vé số. Anh cho biết tờ vé số đầu tiên có mặt tại 3 nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam vào năm 1935 được gọi là Loterie Indochinoise, in các ngôn ngữ: Pháp, Quốc ngữ và 2 nước Lào, Campuchia. Thời điểm đó, tờ vé số có giá 1 đồng bạc Đông Dương và phát hành chỉ 1 - 2 lần/năm. Giải độc đắc có trị giá lên đến 1 vạn đồng bạc Đông Dương. Do biến động về chính trị, Nhật đảo chính Pháp, vé số phải tạm dừng từ năm 1946 - 1951. Kể từ tháng 12.1951 - 1954, vé số quay trở lại với 2 loại chữ Nho và Quốc ngữ do chính quyền Quốc trưởng Bảo Đại phát hành.

Nhà sưu tập trẻ Trần Văn Nam với bộ sưu tập vé số "Huế xưa"

"Trong giai đoạn này, vé số được xổ 1 quý/lần. Năm 1955, sau khi lật đổ Bảo Đại, chính quyền của Ngô Đình Diệm đã cho phát hành vé số lên 1 tuần/lần", Nam nói. Đây có thể nói là thời điểm cực thịnh của vé số tại miền Nam trong chế độ cũ.

"Qua nhiều tài liệu, tôi được biết thời kỳ đó thậm chí nhà chức trách buộc nhiều người dân vi phạm giao thông mua vé số thay vì đóng phạt. Chính quyền miền Nam còn sáng tác cả bài hát để khích lệ phong trào vé số", Nam kể.

Vé số "tư nhân" để làm từ thiện

Nhà sưu tập Trần Văn Nam hiện đang sở hữu nhiều tờ vé số Tombola rất đặc biệt, được in trước năm 1975 tại Sài Gòn. Đây là loại vé số do "tư nhân", mà cụ thể là do các trường học, các tổ chức tôn giáo, tổ chức từ thiện… thuê nhà in in ấn và phát hành. Cơ cấu giải thưởng chủ yếu là hiện vật chứ không phải bằng tiền. Tiền thu được sau bán vé sẽ được dành cho mục đích từ thiện. Chẳng hạn, tờ Tombola do Hội Phước thiện Việt Nam phát hành vào năm 1954 với lời chào mua rất nhã nhặn: ủng hộ vé số "ấy là giúp học sanh mồ côi và trẻ cô nhi Cô nhi viện Trung ương Sài Gòn".

Đặc biệt, lịch sử tờ vé số cũng gắn liền với biến động của đất nước qua tờ vé số do chính quyền Việt Nam Cộng hòa phát hành vào ngày 26.4.1975. Tờ vé số này có in hình một con nghé đứng cạnh trâu mẹ với dòng chú thích “Tình mẫu tử”; giá 10 đồng với giải lô cao nhất là 5 triệu đồng, dự kiến xổ vào ngày 3.5.1975. Tuy nhiên, ngày 30.4.1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, tờ vé số này không bao giờ được xổ…

Những ai đã mua tờ vé số này cũng không bao giờ được lĩnh thưởng, nhưng họ vẫn giữ lại để làm kỷ niệm. Tờ vé số không xổ như một chứng nhân của cơn biến động trong ký ức nhiều người dân Sài thành. Sau ngày đất nước thống nhất, từ 1975 - 1979, vé số ngừng phát hành. Và khi trở lại, vé số đã được giao cho các cụm tỉnh cũ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.