Từ gian khổ đến khởi nghiệp đi lên
Nhà đông người, làm lụng vất vả vẫn không hết khó khăn, bảy tuổi, Nguyễn Thị Hoài Thu (sinh năm 1977) đã phải vừa đi học vừa bươn chải phụ giúp gia đình. Mỗi tờ mờ sáng, cô bé thức dậy ra bến xe Gia Lai bán nước uống, quạt giấy, kẹo, bánh mì…, có khi bán thêm báo. Cô bé có khuôn mặt sáng, mắt tròn to, cái răng khểnh hay cười dễ tạo sự cảm mến của người tiếp xúc nên bán khá đắt hàng. Vừa đi học vừa tranh thủ buôn bán hơn 10 năm trời. Đến năm 19 tuổi, Hoài Thu làm phụ việc cho hiệu ảnh Phạm D. Ở đây cô gặp chàng trai Vũ Hữu Đức, thợ kim hoàn. Năm 2000, họ kết hôn và khởi nghiệp bằng việc bán cà phê tại thành phố Kon Tum.
Từ một quán mở thêm hai quán nữa hình thành một chuỗi quán cà phê Vườn Thu. 3 quán của anh chị trên các đường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Huệ và Lê Hồng Phong không lúc nào thưa khách. Quán cà phê Vườn Thu nhìn ra sông Đăk Bla khá đông khách, nhất là vào các buổi tối. Vườn Thu giữ khách gần xa không chỉ bởi cà phê ngon mà còn bởi có chị chủ quán hiền hậu, dễ gần, xinh đẹp và đội ngũ nhân viên phục vụ khá chuyên nghiệp! Chưa dừng lại đó, năm 2008, anh chị khai trương Nhà hàng ẩm thực Vườn Thu trên diện tích 1,6 ha với đặc sản cơm lam, gà nướng thu hút khách bởi thức ăn lạ, ngon do chị đứng bếp...
Chuỗi nhà hàng, quán cà phê mang tên Vườn Thu cũng trở thành địa chỉ liên lạc, giao lưu của một nhóm thiện nguyện. Lần nọ có nhóm khách nữ thường xuyên làm công tác từ thiện, nhân đạo vào quán uống cà phê trò chuyện. Biết chị Nguyễn Thị Kim Cương là trưởng nhóm nên Hoài Thu góp chuyện và có ý muốn tham gia nên nhóm "kết nạp" ngay. Từ đây Hoài Thu trở thành nhân vật tích cực và năng động nhất của nhóm thiện nguyện này.
Phát tâm làm việc thiện
Hằng tháng, Hoài Thu cùng nhóm góp tiền mua bánh kẹo, nấu bún bò, mì Quảng đến thăm làng phong, các trại trẻ mồ côi, khuyết tật hoặc đến thăm những người già neo đơn trong thành phố và các xã lân cận… Có 10 gia đình rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chị và nhóm thiện nguyện chu cấp cơm áo, gạo tiền bằng nguồn kinh phí vận động và tiền các chị đóng góp.
Gần hai năm, có thời gian rảnh là chị hỗ trợ nhóm chị em đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phát cơm cho bệnh nhân nghèo. Sau này thời gian hạn hẹp nhóm dừng lại việc phát cơm, chuyển sang tổ chức thường xuyên "Bữa cơm có thịt" cho các em nhỏ ở các mái ấm tình thương, có lúc "Góp chút yêu thương cho miền Trung gió lạnh", mang tặng phẩm ra cho đồng bào Quảng Bình, Hà Tĩnh bị lũ lụt…
Nguồn tiền từ đâu? Chị cho biết nhóm đến các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan trong thành phố và tỉnh vận động ủng hộ. Nhờ uy tín của nhóm nên một số đơn vị như Công ty Cao su Kon Tum, Chi nhánh Ngân hàng Agribank, Nha khoa Sài Gòn, Công ty An Khang, Áo cưới Quỳnh Hương và đông đảo tiểu thương chợ Kon Tum… không ngại ngần ủng hộ, tài trợ. Trung thu 2017, chị và nhóm đã mang hơn 5.000 phần quà đến tặng các em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở nhiều buôn làng xa xôi. Thời gian tham gia cùng chị em đi làm từ thiện, với chị có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhớ nhất là lần nhóm đi tặng quà cho mấy gia đình neo đơn ở thôn 2, xã Đắc Cam cách thành phố Kon Tum 5 km. Nhóm đến một gia đình có hai người bệnh tâm thần, không ngờ đang lúc lên cơn họ vác dao rượt cả nhóm chạy mất hồn…
Một lần, lên Kon Tum công tác, tôi may mắn được theo đoàn của chị Hoài Thu sang Gia Lai làm từ thiện. Mỗi tháng nhóm đều tổ chức đi thăm, tặng gạo, dầu, mì gói, thịt… cho Nhà nuôi dưỡng người tâm thần ở thành phố Pleiku, Gia Lai. Cơ sở này do hai vợ chồng anh Ph. (lái xe thuê), chị H. (làm rẫy), ở thôn Ia Rok, xã Hdrong, thành phố Pleiku mở ra giúp người tâm thần lang thang có nơi ở ổn định. Hầu hết là người dân tộc thiểu số ở các vùng xa của tỉnh. Nhóm kết nối với chị em hay làm từ thiện ở thành phố Pleiku như chị Mỹ, chị Thanh… đến đây hỗ trợ quà, chia sẻ khó khăn với vợ chồng anh Ph. và chị H.
Nhóm thiện nguyện của chị Kim Cương, Hoài Thu ở thành phố Kon Tum cứ thế được nhân rộng ra. Tháng 3.2019, nhóm mở móng xây dựng 2 ngôi nhà cho 2 hộ gia đình nghèo khó ở làng Kroong là anh A Jơng và anh A Khuyên. Được đi và đến chứng kiến nơi ăn ở của người đồng bào (là dân tộc thiểu số) còn quá khó, chị nghĩ cần giúp họ có nơi an cư lâu dài, thiết thực. Lượng sức mình có hạn, chị mở rộng vòng tay kết nối với nhiều cá nhân, tập thể hoạt động thiện nguyện trong và ngoài nước…
Kết nối với nhiều nhà hảo tâm
Trang Facebook Hoài Thu lúc nào cũng được bạn bè "tiếp sức" làm việc thiện. Nhiều bạn cùng đóng góp tiền, quà với chị, tổ chức các cuộc đi thăm, tặng quà cho các cụ già cao tuổi, cho những bệnh nhân phong; tặng sách vở, áo quần, học bổng cho các cháu nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, những buôn làng người dân tộc thiểu số sát biên giới có hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn.
Dân làng Tea Dro, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô sống trong cảnh thiếu nước sạch. Phần do hạn hán phần do nguồn nước ô nhiễm nên cuộc sống rất khó khăn. Qua anh Mạnh Dân, chị kết nối với gia đình chị Noel. Tháng 2.2023, một cái giếng nước được chị Noel khoan tặng đã hoàn thành. Bà con Xơ Đăng trong làng còn được tặng bình nhựa để lấy nước từ vòi mang về dùng. Chị kết nối các bạn trẻ ở TP.HCM tài trợ kinh phí làm cầu treo Kon Riêng, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (dài 81 m, rộng 1 m). Và nhiều ngôi nhà mơ ước được dựng lên giúp cho những gia đình gặp hoạn nạn hoặc khó khăn có nơi ở mới khang trang. Vợ chồng anh chị A Chắc, Y Nit và 3 đứa con, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 2 tháng tuổi ở làng Plei Rơ Văk, xã Đăk Năng, huyện Iachim vui mừng đón nhận ngôi nhà mới. Chị Y Nit bộc bạch: "Mừng lắm, cả nhà không lo nắng, sợ mưa chi nữa! Cảm ơn chị Hoài Thu và bạn bè chị đã giúp đỡ gia đình em".
Ngày 4.5.2023, chị kết nối với nhà hảo tâm Phương Trọng Minh trao 10 triệu đồng cho gia đình cháu Lê Quốc Vương ở số 16, Phùng Hưng, phường Duy tân , TP. Kon Tum (bị bệnh lao gan và vàng túi mật) để đóng viện phí… Hai bạn Facebook Mai Ly Nguyên và Luu Ly Ngoc tặng kinh phí xây nhà giúp gia đình anh A Toàn ở làng Pleisa có hoàn cảnh đáng thương hay bạn Thái Cẩm Đào nhờ chị Hoài Thu xây dựng và trao tặng nhà cho gia đình anh A Ngưi và chị Y Ngưng ở làng Plei Jơ Đrâp (ngày 7.5.2023)... Và còn rất nhiều chuyến đi của chị mang niềm vui đến cho nhiều người khó khăn trong tỉnh.
Hỏi ông xã ở nhà có ý kiến ý cò gì không, chị Hoài Thu cười tươi: "Ông xã nhà em còn động viên em tới tấp là đằng khác. Giao việc cho nhân viên coi quán xong là em… hoạt động. Làm việc thiện mới bấy nhiêu thì có thấm vào đâu so với sự thiệt thòi của nhiều số phận, nhiều hoàn cảnh hả anh?". Chị chia sẻ thêm: "Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó nên em rất hiểu và cảm thông trước những nỗi đau và mất mát của những trẻ em mồ côi, những hoàn cảnh thương tâm đang cần sự giúp đỡ. Đem lại niềm vui cho những mảnh đời cơ cực, thiếu thốn là niềm hạnh phúc của em".
Bình luận (0)