Trước đó, dù đã phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại 140 điểm thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhưng trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 30.5, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng như Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất tạm hoãn kỳ thi vào lớp 10 bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong những ngày qua.
KHẨN: TP.HCM chính thức hoãn kỳ thi lớp 10 vì Covid-19
|
An toàn là trên hết
Trước đó, dù đã phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại 140 điểm thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhưng trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo
phòng chống dịch Covid-19 ngày 30.5, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng như Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất tạm hoãn kỳ thi này bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong những ngày qua.
Tại cuộc họp, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết đến thời điểm hiện tại mọi phương án tổ chức thi đã chuẩn bị rất chi tiết, kỹ lưỡng. Để tổ chức kỳ thi cho gần 84.000 thí sinh, Sở đã huy động hơn 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia. Việc biên soạn và sao in đề thi đã đi vào giai đoạn cuối, dự kiến ngày 1.6 chuyển đến tất cả quận huyện và TP.Thủ Đức. “Tuy nhiên, trước diễn biến dịch Covid-19, để an toàn cho thí sinh thì Sở đề xuất dời kỳ
tuyển sinh lớp 10 sang thời điểm phù hợp. Và khi hoãn thi, lực lượng làm đề và in sao đang thực hiện cách ly sẽ ra khỏi khu vực này vì thời gian hoãn khá dài. Toàn bộ quá trình làm đề phải bị hủy, khi có quyết định về thời gian thi chính thức, Sở sẽ thực hiện lại quy trình này”, ông Sơn nói.
Từ những đề xuất nói trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chính thức quyết định hoãn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cho đến khi có thông báo mới.
Hoãn thi vì sự an toàn của các con, do vậy không nên buồn. Các con càng có thêm thời gian ôn bài. Hãy lên thời gian biểu vừa ôn tập vừa nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý, giữ gìn sức khỏe
Nguyễn Thị Hiền (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Q.1)
|
Có thêm thời gian để nghỉ ngơi, ôn tập
Ngay khi nhận thông tin hoãn kỳ thi, Phạm Phương Minh, học sinh Trường THCS Hoa Lư (TP.Thủ Đức), chia sẻ: “Em hơi lo lắng vì dịch bệnh và cũng lo nếu hoãn thi thì kiến thức bị “rơi rụng”. Vì vậy em sẽ lên kế hoạch và thiết lập cho mình thời khóa biểu ôn tập tại nhà. Hằng ngày sẽ phân chia thời gian học cho 3 môn thi bắt buộc và dành thời gian buổi tối làm bài tập nâng cao để thi môn chuyên”.
Học sinh tận dụng thời gian này để lên kế hoạch ôn tập
|
Còn ông Phạm Phương Bình, phụ huynh học sinh tại TP.Thủ Đức, cho hay: “Giờ phải động viên con tiếp tục ôn bài, giữ nền nếp sinh hoạt và tự ôn tập, duy trì chế độ tự học và luyện tập các đề thi thử. Phụ huynh phải thường xuyên bên cạnh để hỗ trợ cho con. Với tình hình này cũng khó xác định khi nào sẽ tổ chức thi, nếu cứ để các con tự học cũng không yên tâm nên tôi liên hệ với
giáo viên xin tiếp tục lớp ôn trực tuyến”.
Thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5), đưa ra lời khuyên cho thí sinh: “Học sinh cần tâm lý thật ổn định, không nên quá lo lắng vì chính sự lo lắng sẽ ảnh hưởng 50% chất lượng bài thi của các em. Luôn trong tư thế chủ động, ôn luyện để giữ “lửa” trong thời gian này. Vì nếu mất “lửa” thì chắc chắn kết quả bài thi sẽ khó như mong muốn. Lạc quan nhưng không được chủ quan lơ là, chủ quan với dịch và chủ quan với chính mình trong việc ôn tập”.
Thầy Huy nói tiếp trong thời gian này nhiều em sẽ có tâm lý “còn lâu mới tới ngày thi” nên dễ lơ là việc học, dẫn tới “nước tới chân mới nhảy”. Như vậy kiến thức ôn luyện sẽ vơi dần, nhất là những kỹ năng thi sẽ mai một. Đây là điều cần tránh trong suy nghĩ. Việc dời lại kỳ thi cũng mang tính tích cực, giúp các em có nhiều thời gian ôn tập chuyên sâu hơn.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), nói với học sinh: “Hoãn thi vì sự an toàn của các con, do vậy không nên buồn. Các con càng có thêm thời gian ôn bài. Hãy lên thời gian biểu vừa ôn tập vừa nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý, giữ gìn sức khỏe”. Riêng với môn ngữ văn, cô Hiền lưu ý: “Đây là thời gian tự học quý giá, các con hãy tự viết lại một số đề văn để rèn kỹ năng diễn đạt mà trước đó chưa có thời gian viết. Hệ thống lại kiến thức theo sơ đồ tư duy cho khỏi quên. Liên hệ với giáo viên nhờ giải đáp nếu có thắc mắc”.
Trước những áp lực mà học sinh cuối cấp đang phải trải qua, thầy Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), đưa ra lời khuyên: “Phải chủ động thúc đẩy năng lực tự học. Đi học ở lớp thì học sinh có thể dành khoảng 2 tiếng để tự học bổ sung thêm, còn trong những ngày nghỉ ở nhà thì việc tự học các em nên tăng lên 4 tiếng (tùy theo tình hình sức khỏe) và nên duy trì tiến độ ôn tập đều đặn, không cố nhồi nhét nhưng cũng không lơ là ngắt quãng. Phần nào còn chưa rõ thì các em liên hệ ngay với giáo viên của mình thông qua tin nhắn bằng các ứng dụng trên mạng, điện thoại trực tiếp... để được giải đáp”.
Theo thầy Trí, vai trò của phụ huynh học sinh trong những ngày này cũng rất quan trọng. Phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và theo sát việc tự học của các con để bảo đảm con không xao nhãng, chơi nhiều hơn học.
Bình luận (0)