Năm Tân Sửu, lần đầu tiên sau hàng trăm năm, lễ hội chợ đình Bích La ở Quảng Trị hoãn. Nhiều người thoáng buồn, nhưng khi ngẫm kỹ, lại thấy đây là việc nên làm.
Phiên chợ đình Bích La là phiên chợ cực kỳ độc đáo ở làng Bích La (xã Triệu Đông, H.Triệu Phong, Quảng Trị), mỗi năm chỉ họp phiên duy nhất vào đêm mùng 2 rạng sáng mùng 3 tết. Ở đây, người dân mang đến những sản vật địa phương để bán, nhưng việc mua bán không quá nặng nề, chỉ là “mua may bán rủi” cho vui. Người mua cũng đến chợ trong tâm thế vừa tham quan vừa mua lấy lộc. Cùng với các hoạt động tâm linh đi kèm, phiên chợ lạ lùng này mỗi năm đón hàng ngàn người tham dự.
Thế nhưng năm nay, cũng giống như các sự kiện đông người khác, phiên chợ truyền thống này hoãn để phòng chống dịch Covid-19. Theo thông báo của ban tổ chức, năm nay đại diện một số chức sắc trong làng sẽ thực hiện phần lễ theo nghi thức truyền thống, không tập trung đông người và đảm bảo các biện pháp phòng chống Covid-19.
Quảng Trị là địa phương chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong đợt bùng phát mới này, tuy nhiên việc hoãn lễ hội chợ đình Bích La là một sự lựa chọn đúng đắn của ngành văn hóa và chính quyền địa phương. Bởi dẫu mỗi năm chỉ có một lần, dẫu biết ở phiên chợ có trầm tích văn hóa bao đời của cư dân lúa nước, dẫu biết bao người đợi mong đi chợ... nhưng năm nay không khai hội chợ đình thì hãy còn năm khác. Chứ để dịch lây lan thì chẳng có bậc tiên tổ nào muốn nhìn thấy những hệ lụy mà con cháu sẽ hứng chịu...
Văn hóa người Việt vào tháng giêng hằng năm sẽ có rất nhiều lễ hội lớn, đặc biệt là ở một số tỉnh phía bắc. Tại các lễ hội này, thường có rất nhiều người dân đổ về tham dự, bất chấp tình hình dịch bệnh đang phức tạp. Nếu không hoãn được như ở lễ hội chợ đình Bích La, ban tổ chức và các địa phương cũng nên “cập nhật” cách khai hội, khai lễ phù hợp hơn trong mùa dịch, để tránh công sức của các lực lượng tuyến đầu chống dịch suốt trước, trong và sau tết đổ sông đổ bể...
Bình luận (0)