Tại lễ tiếp nhận bản thảo sáng nay, 12.11, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Công Tạc cho biết, trong lịch sử Việt Nam, đã có nhiều bộ Quốc sử được biên soạn và khắc in, nhưng hiện chỉ còn 3 bộ là: Đại Việt sử ký toàn thư; Đại Việt sử ký tiền biên; và Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều bộ thông sử về lịch sử Việt Nam được biên soạn và xuất bản, nhưng chỉ có bộ Lịch sử Việt Nam gồm 2 tập do Uỷ ban KH-XH Việt Nam chủ trì là bộ sử mang tính quốc gia đầu tiên (tập 1 xuất bản năm 1971, tập 2 xuất bản năm 1985).
Sau 35 năm kể từ khi phát hành tập 2 bộ Lịch sử Việt Nam, Việt Nam và toàn thế giới đã trải qua nhiều sự kiện trọng đại, yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải sớm có một bộ quốc sử mới được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tư tưởng chính trị - xã hội thời đại.
Mặt khác, bộ Lịch sử Việt Nam với sứ mệnh là Bộ Quốc sử là cơ sở khoa học để các nhà lãnh đạo, quản lý tham khảo trong công việc hoạch định chính sách, xử lý các vấn đề liên quan đến lịch sử và giới thiệu lịch sử Việt Nam ra nước ngoài.
“Trên cơ sở đề xuất của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, được sự ủng hộ của lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư, lãnh đạo Chính phủ và các nhà khoa học, sử học, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã có văn bản giao Bộ KH-CN chủ trì phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam. Ban Bí thư đã xác định bộ sách Lịch sử Việt Nam là bộ Quốc sử mang tính quốc gia chính thống””, ông Tạc nói.
Sau 5 năm (2015-2020) nghiên cứu, biên soạn, đề án KH-CN cấp Quốc gia “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” với sự tham gia đông đảo gần 300 nhà khoa học đã hoàn thành đảm bảo chất lượng và tính thống nhất của bộ Quốc sử.
Bộ Lịch sử Việt Nam được biên soạn gồm 25 tập thông sử (trong đó, 13 tập Lịch sử Việt nam thời kỳ cổ-trung đại, 12 tập thời kỳ cận-hiện đại) và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử (trong đó, 3 tập thời kỳ cổ-trung đại, 2 tập thời kỳ cận-hiện đại).
Bộ Lịch sử Việt Nam được hoàn thành, nghiệm thu đưa vào phục vụ nhân dân sẽ là cột mốc quan trọng đánh dấu một chặng đường phát triển của Sử học Việt Nam.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc nghiên cứu để ra sản phẩm bộ Quốc sử... mới hoàn thành nhiệm vụ cấp cơ sở, nhưng kết quả ngày hôm nay là sự đóng góp không mệt mỏi của các nhà khoa học lịch sử, trong đó có cố GS-Phan Huy Lê.
|
Đến nay, việc nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử đã hoàn thành một bước rất quan trọng, cơ bản. Phó thủ tướng đề nghị Bộ KH-CN khẩn trương, nghiêm túc và cẩn trọng nghiệm thu đề án ở cấp nhà nước. Các cơ quan hữu quan cùng nhau chuẩn bị các công việc cần thiết để có thể xuất bản bộ Quốc sử trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo Phó thủ tướng, các đề án, đề tài khác như bộ Quốc chí, bộ Bách khoa thư, dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông cần đẩy nhanh tiến độ nhằm hình thành những công trình đồng bộ, cùng nhau hợp thành những bộ phận quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn.
"Đây là trách nhiệm của chúng ta đối với quá khứ, lịch sử, tổ tiên; là trách nhiệm với tương lai và ngay cả hiện tại", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Bình luận (0)