Sáng 6.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Chính phủ đánh giá tình hình KT-XH tháng 11 tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt 28,85 tỉ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn FDI đăng ký mới tăng 42,4%. Vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỉ USD, tăng 2,9% (10 tháng tăng 2,4%). Giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% so với cùng kỳ năm trước (58,33%), số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỉ đồng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dù đạt một số mục tiêu đề ra, song sức ép lạm phát vẫn cao; tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, vướng mắc; một số cơ quan, đơn vị, cá nhân còn ngại việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sự quyết tâm, quyết liệt chưa cao…
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023.
Về đầu tư, tập trung tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và hợp tác công - tư); quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.
Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt, bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề án, nhiệm vụ, công việc được giao hoàn thành trong năm 2023. Hoàn thành 3 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 70 km (cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Tuyên Quang - Phú Thọ). Hoan nghênh việc hoàn thành đúng tiến độ nâng cấp sân bay Điện Biên, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia…
ÁP DỤNG BIỂU GIÁ ĐIỆN 5 BẬC, 98% SỐ HỘ PHẢI TRẢ TIỀN ÍT HƠN
Chiều 6.12, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin rõ hơn việc xây dựng biểu giá bán lẻ điện, trong đó giá điện sinh hoạt bậc thang được rút ngắn còn 5 bậc. Nhiều ý kiến lo ngại giá điện sẽ tăng lên khi sửa biểu giá điện, đặc biệt là người dùng nhiều điện.
Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện, giá điện sinh hoạt vẫn thiết kế theo bậc thang nhưng được rút ngắn từ 6 bậc còn 5 bậc. Giá ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) là hơn 3.612 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng). Thứ trưởng Hải cho rằng phương án 5 bậc thang sẽ phản ánh chi phí, tức phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng. Điều này giúp hạn chế một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.
Chênh lệch giữa bậc 1 và 5 là hai lần, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, các nước đã áp dụng và khoảng cách của các bậc, như tại nam California (Mỹ) là 2,2 lần; Hàn Quốc là 3 lần; Lào là 2,88 lần; Thái Lan là 1,65 lần. Ưu điểm của phương án khi áp dụng là các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh/tháng trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ dùng điện toàn quốc) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi. Tuy nhiên, nhược điểm là các hộ dùng điện nhiều, trên 711 kWh/tháng (khoảng 2% số hộ dùng điện toàn quốc) sẽ phải trả tăng tiền điện.
Về đề xuất VN cần tính tới áp dụng biểu giá bán lẻ điện gồm giá công suất và điện năng tiêu thụ, Thứ trưởng Hải cho hay đây là cơ chế mới, cần nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng để tránh tác động tới các nhóm khách hàng dùng điện. Một số nước đang áp dụng giá điện hai thành phần nhưng chỉ dành cho nhóm sản xuất. "Nếu không áp dụng giá cao điểm vào những giờ cao điểm của hệ thống, nhu cầu công suất của hệ thống sẽ còn tăng cao hơn nữa, dẫn tới khó khăn trong cung cấp điện giờ cao điểm", ông Hải nêu.
Vụ nhóm học sinh ép cô giáo vào tường rồi văng tục: Bộ GD-ĐT chỉ đạo khẩn
VỤ HỌC SINH ÉP CÔ GIÁO RỒI VĂNG TỤC: KHÔNG CHẤP NHẬN ĐƯỢC !
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận vụ việc học sinh ép cô giáo vào tường rồi văng tục tại Tuyên Quang "rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được". UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã chỉ đạo Sở GD-ĐT và nhà trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan.
"Sự việc xảy ra, chúng ta rất bức xúc nhưng phải tìm hiểu nguyên nhân khách quan, thấu đáo vụ việc, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm; trách nhiệm liên quan giáo viên, nhà trường, hay liên quan học sinh, tập thể để có các giải pháp xử lý trước mắt, rút kinh nghiệm sâu sắc", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nêu.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng biện pháp xử lý kỷ luật học sinh chỉ là với vụ việc cụ thể. Căn cơ lâu dài phải giáo dục các em cũng như xem lại đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, sẽ rà soát đánh giá hiệu quả việc dạy và học, tăng cường giáo dục đạo đức. Với nhà trường, thường xuyên theo dõi đánh giá, để một việc xảy ra như thế dẫn đến rất nhiều hậu quả nên phải phát hiện sớm nguyên nhân sâu xa, ngăn chặn sớm.
Liên quan đến đề xuất dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất sửa đổi luật Đầu tư và thông tư về quản lý dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó quy định thời gian dạy thêm, khi nào được dạy thêm.
Bình luận (0)