Chiều 10.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Xây dựng bộ tiêu chí đi kèm giải pháp
Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất, cần ưu tiên cao nhất hiện nay là dồn tổng lực để dập dịch Covid-19. Cả hệ thống chính trị, các cơ quan, nhất là các địa phương cần tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, không trông chờ, ỷ lại từ cấp trên.
Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Thủ tướng cho rằng cần báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức việc tiếp xúc cử tri một cách đúng quy định nhưng phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng các tiêu chí xác định các mức nguy cơ, cảnh báo dịch, đi kèm các giải pháp, yêu cầu về trang thiết bị, vật tư… cho mỗi mức độ. Đây là điều các địa phương đang rất trông chờ được hướng dẫn để chuẩn bị. “Tinh thần là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” để các địa phương hoang mang, dao động, mất bản lĩnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Khoanh vùng dập dịch “gọn nhất có thể”
Cùng ngày 10.5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp để thảo luận về tình hình dịch bệnh, việc chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, bảo đảm tài chính… phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết phải dự trù, lường trước các kịch bản xấu hơn có thể xảy ra là tình huống cả nước có tới 30.000 ca nhiễm, trên cơ sở đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó, tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu ngay trong tuần này Bộ Y tế phải hoàn thiện phương án chuẩn bị ứng phó tình huống 30.000 người nhiễm Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó phải giao chỉ tiêu cụ thể (giường bệnh, sinh phẩm, máy xét nghiệm, thuốc điều trị, ô xy...) để các địa phương chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” (theo kịch bản trước đây, Bộ Y tế mới chuẩn bị phương án 10.000 người nhiễm).
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế có ngay phương án hỗ trợ, tăng cường năng lực xét nghiệm cho các địa phương, đặc biệt là đánh giá ngay hiệu quả các công nghệ xét nghiệm mới, để đưa ra phương án, chiến lược xét nghiệm phù hợp với từng tình huống.
Về khoanh vùng, dập dịch, Phó thủ tướng nhắc lại tinh thần từ trước đến nay, khi có ca nghi ngờ thì triển khai khoanh vùng và “vì mục tiêu kép” thì phải khoanh gọn nhất có thể. Nếu chưa đủ điều kiện để xác định chỉ khoanh một thôn, một xã thì ngay lập tức có thể khoanh rộng hơn nhưng phải làm ngay các biện pháp sàng lọc, điều tra dịch tễ cần thiết để xác định đúng điểm cần khoanh vùng.
TP.HCM tái lập các chốt kiểm soát
Ngày 10.5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh bày tỏ lo ngại trước tình huống mất kiểm soát ở hơn 60 cảng biển và cầu phao đón tàu nước ngoài, bởi các đội tàu thuyền lưu trú 5 - 7 ngày đi qua các quốc gia có dịch.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương tổ chức vận động chủ cơ sở kinh doanh cùng hợp tác với chính quyền bởi “nếu có ca lây nhiễm ở hàng quán nào thì buộc lòng phải đóng cửa”.
Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, Ban Quản lý (BQL) Khu công nghệ cao và BQL các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM xây dựng phương án ứng phó với tình huống xuất hiện 1 hoặc nhiều ca nhiễm, nếu doanh nghiệp không đảm bảo phương án phòng dịch thì ngừng hoạt động.
Đối với các tuyến đường kết nối TP.HCM với các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM tái lập các trạm kiểm soát để kiểm tra dịch tễ và khai báo y tế đối với người dân vào thành phố. Chiều 10.5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 và khu cách ly tập trung tại H.Nhà Bè.
Tại cuộc làm việc với 2 bệnh viện này, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM trong tư thế sẵn sàng các phương án để đảm bảo năng lực ứng phó các tình huống dịch lan rộng. TP.HCM chuẩn bị sẵn sàng triển khai thêm 4 khu cách ly, nâng tổng công suất toàn thành phố lên 10.000 giường. Sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50 - 100 giường bệnh theo kế hoạch có sẵn của ngành y tế. Dự trù kế hoạch bảo đảm điều trị cho từ 100 - 200 người bệnh, thậm chí 500 thì càng tốt. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM còn chỉ đạo ngành y tế xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường. Chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ.
Huy động người dân vào cuộcCũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân vào cuộc, chung sức, đồng lòng ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. “Nguyễn Trãi nói “đẩy thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhân dân không vào cuộc thì chúng ta không thể làm được, không thể chiến thắng trong cuộc chiến này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Bình luận (0)