Hoàn thuế GTGT vẫn chờ xác minh

22/07/2023 07:07 GMT+7

Chính phủ mới yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát các quy định pháp luật để sửa đổi, hướng dẫn trong trường hợp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh, gọn cho doanh nghiệp, bảo đảm thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất.

Trước đó, rất nhiều chỉ đạo gỡ vướng hoàn thuế nhưng thực tế, các doanh nghiệp (DN) vẫn mòn mỏi đợi chờ.

Doanh nghiệp tiếp tục chờ

Bà Đinh Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH TM Hòa Thuận, cho biết tại buổi làm việc với Cục Thuế TP.HCM mới đây, DN đề nghị cơ quan thuế ra quyết định đối với những hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) 20 tỉ đồng vào tháng 8. Số tiền còn lại khoảng 35 tỉ đồng, bà Tâm mong được giải quyết trong năm để có thể khôi phục lại hoạt động kinh doanh nhưng không biết có được hay không.

Hoàn thuế GTGT vẫn chờ xác minh - Ảnh 1.

Các hồ sơ hoàn thuế GTGT vẫn còn chậm

Ngọc Thắng

Theo bà Đinh Thị Thanh Tâm, vào tháng 12.2021, cơ quan thuế đã thực hiện kiểm tra các hồ sơ hoàn tiền thuế GTGT trị giá 20 tỉ đồng của công ty bà nhưng chưa ban hành quyết định hoàn. Đến nay cũng đã hơn 2 năm trôi qua, DN vẫn chưa nhận được số tiền hoàn thuế trên.

"Đầu chưa xuôi thì đuôi chưa lọt, số thuế đề nghị hoàn ngày càng lớn, nay khoảng 55 tỉ đồng. Đến tháng 7.2022, do khó khăn về dòng vốn nên DN đành tạm ngừng kinh doanh bởi nếu vẫn hoạt động thì số thuế đề nghị hoàn càng lớn mà không hoàn được trong khi DN cạn vốn. Dù đã gặp cơ quan thuế làm việc nhưng DN cũng không mấy kỳ vọng mọi việc được giải quyết nhanh, vì hiện nay công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế về việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ, cho đến người mua hàng là đối tác nước ngoài vẫn còn tồn tại", bà Tâm trình bày.

Nhắc đến việc hoàn thuế GTGT, ông N.V (Giám đốc Công ty H.D) ngao ngán vì quá mệt mỏi. Số tiền xin hoàn thuế đã tăng từ hơn 20 tỉ đồng lên gần 40 tỉ đồng. Hồ sơ hoàn thuế trước chưa được giải quyết thì hồ sơ sau phải xếp hàng chờ đó, nên vốn chôn cứ tăng lên.

"Sau phản ánh của các DN về hồ sơ xin hoàn thuế bị găm chưa được giải quyết, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế liên tục có công văn hướng dẫn các cục thuế địa phương giải quyết. Cách đây hơn 1 tháng, cơ quan thuế hẹn tôi lên làm việc nhưng đến nay, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Công ty vẫn chưa nhận được tiền hoàn thuế nào", ông N.V thông tin và nói thêm: "Các hồ sơ ách tắc thì vẫn sẽ tắc thôi vì những điểm mấu chốt khiến hồ sơ chưa được giải quyết vẫn không sửa đổi. DN, hiệp hội có công văn phản ánh khó khăn lên Tổng cục Thuế thì công văn này lại được "đá" về phía cục thuế, cũng không giải quyết được vấn đề gì".

Theo tổng hợp từ Hiệp hội Cao su VN từ tháng 11.2022 đến nay, 10 DN cao su có số thuế đề nghị hoàn lên 171 tỉ đồng chưa được giải quyết, có DN hồ sơ đề nghị hoàn thuế thực hiện từ tháng 1.2021. Cụ thể Công ty TNHH Hoàng Dũng gần 23 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Huy và Anh em hơn 2,5 tỉ đồng; Công ty CP Khang Ngọc Hưng gần 2 tỉ đồng; Công ty TNHH TM Hòa Thuận hơn 49,7 tỉ đồng; Công ty TNHH Hóa nhựa Đông Dương 15,7 tỉ đồng…

Còn thống kê sơ bộ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN (Viforest), số tiền thuế GTGT của DN chế biến - xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả tính đến tháng 6.2023 là 6.100 tỉ đồng. Trong đó, các DN xuất khẩu dăm thuộc Chi hội Dăm gỗ khoảng 4.000 tỉ đồng (riêng với 11 DN xuất khẩu dăm lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, số thuế chưa được hoàn đến hết tháng 5.2023 là 1.105 tỉ đồng); các DN hội viên Chi hội Gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỉ đồng; số còn lại khoảng 1.600 tỉ đồng thuộc về DN viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác.

Ngành xuất khẩu sắn kêu cứu vì chậm hoàn thuế

Hồ sơ hoàn thuế còn chậm

Các DN sắn hiện có số thuế đề nghị hoàn lên hơn 1.000 tỉ đồng, ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Sắn VN, cho hay Chính phủ liên tục có những chỉ đạo từ tháng 5 đến nay nhưng chuyển biến giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT cho DN sắn không cao. Ách tắc lớn nhất hiện nay là các văn bản dưới luật có tác động đến quyền và nghĩa vụ, làm tắc nghẽn toàn bộ dòng chảy của pháp luật.

Ông Tiến phân tích các quy định luật hoàn thuế không yêu cầu về xác minh đối tác nước ngoài nhưng các công văn hướng dẫn lại đưa ra quy định này. Luật quy định hồ sơ hoàn thuế chỉ cần đáp ứng 3 nội dung gồm hợp đồng, hải quan và dòng tiền chuyển về. Nhưng nay công văn lại yêu cầu thêm "xác minh nước sở tại" thì rõ ràng "luật một đằng mà làm một nẻo", văn bản dưới luật còn cao hơn luật. "Trên quyết liệt mà dưới có quyết đâu. Những văn bản dưới luật hiện nay như một cục máu đông làm nghẽn toàn bộ hệ thống mạch, nếu gỡ nó ra thì mới đảm bảo được dòng chảy. Hiệp hội cũng vừa có công văn gửi Chính phủ về vấn đề này", ông Tiến cho hay.

Trước đó, Viforest cũng khẩn thiết đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế rà soát lại các vướng mắc tại các văn bản quy định hiện hành để gỡ khó cho DN, đảm bảo dòng tài chính để DN ký kết các hợp đồng mới, tránh trường hợp hiện có nhiều DN có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện. Đối với DN xuất khẩu có hợp đồng với DN thương mại thì cho phép hoàn thuế GTGT vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện hoàn thuế. Nếu phát hiện DN vi phạm pháp luật thì đề nghị thanh, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu tình trạng hoàn thuế GTGT còn kéo dài và chưa có hướng xử lý, Viforest đề nghị bỏ thuế 10% đối với mặt hàng này, để tránh tình trạng lợi dụng việc hoàn thuế GTGT để gian lận ngân sách nhà nước, tác động xấu tới các DN tuân thủ pháp luật và làm ăn chân chính. Hoặc có cơ chế, chính sách để DN đóng thuế hộ khâu chế biến gỗ trung gian với mức 1,5% và DN được phép hạch toán vào chi phí.

Luật rất rõ ràng, trong trường hợp hồ sơ hoàn thuế thực hiện kiểm tra trước hoàn sau thì thời gian cũng không thể quá 40 ngày. Thực tế hiện nay có những hồ sơ kéo qua năm thứ 3, nếu xét về thời gian thì cơ quan thuế không làm đúng. Đặc biệt, sau nhiều chỉ đạo của Chính phủ mọi việc vẫn không có nhiều tiến triển. Các vấn đề xác minh vẫn được các cơ quan thuế áp dụng thì không thể nào làm nhanh được, đặc biệt là xác minh đối tác ở nước ngoài. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nên tiến hành phiên điều trần, giải trình về hoàn thuế GTGT cho DN trong thời gian tới sẽ gỡ được các nút thắt hiện nay.

Ông Trần Xoa (Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.