Ngày 11.1, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một số người dân đốt pháo hoa có tiếng nổ tại ban công một chung cư trên địa bàn P.Mai Động gây xôn xao.
Hoảng hồn cảnh người dân đốt pháo hoa nổ tại chung cư ở Hà Nội
Theo nội dung video, một nhóm gồm khoảng 2 - 3 người nhân lúc trời tối đã mang pháo ra đốt từ ban công tầng 3 tại chung cư. Giàn pháo hoa được sắp xếp ở phần nhô ra khỏi ban công. Các quả pháo được bắn lên với độ cao từ 15 - 20 m kèm theo tiếng nổ to và hiệu ứng bắt mắt.
Đáng chú ý, một số quả pháo lại rơi thẳng vào ban công các căn hộ phía trên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ và nguy hiểm cho người dân.
Theo người dân địa phương, sự việc xảy ra vào khoảng 23 giờ ngày 10.1. Ngay sau khi nhận ra sự nguy hiểm, cư dân tại chung cư này đã báo cáo ban quản lý tòa nhà, yêu cầu xác định nhóm người đốt pháo và có biện pháp xử lý.
Hoảng hồn cảnh người dân đốt pháo hoa ở ban công chung cư
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Thanh Niên sáng 12.1, một lãnh đạo Công an Q.Hoàng Mai cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin và đang trong quá trình xác minh.
Trước đó, khoảng 20 giờ 15 ngày 10.1, tại khu vực nhà dân trong ngõ 814 đường Láng (P.Láng Thượng, Q.Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra sự cố cháy.
Điều đáng nói là đám cháy gần nơi để nhiều pháo hoa mà gia chủ mua về để chơi tết. Ngay lập tức, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Q.Đống Đa đã nhanh chóng có mặt giải quyết sự cố. Đám cháy được dập tắt ngay sau đó. Số pháo hoa gia chủ tập kết trong nhà để đón tết được di chuyển tới nơi an toàn.
Mọi người dân tự ý thực hiện các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ đều là trái phép. Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo trái phép là từ 5 - 10 triệu đồng.
Căn cứ Điều 318 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào sử dụng pháo gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Đối với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt cao nhất đến 7 năm tù.
Theo quy định tại Điều 305 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm, cao nhất có thể bị phạt tù từ 15 - 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 - 5 năm.
Bình luận (0)