‘Hoàng hôn cuối’ và những câu chuyện về địa ngục có mười tám tầng

24/06/2021 18:35 GMT+7

Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Hoàng hôn cuối mới vào những trang đầu đã khiến người đọc lo sợ, chuẩn bị tâm thế để bước vào một câu chuyện dài, mà địa ngục có mười tám tầng, và nàng nhẹ nhàng bước xuống tầng thứ nhất.

Hoàng hôn cuối do công ty Sbooks và NXB Văn học vừa ra mắt độc giả. Tác phẩm đầu tay của cây bút trẻ Trần Hoài Sơn dùng thể loại ngôn tình ngược luyến (tình tiết khiến người đọc rơi lệ, vì nhân vật chịu khổ vì tình, hoặc bị người khác chèn ép ngược đãi không ngóc nổi đầu, mang tâm bệnh…), dẫn người đọc đi trên lối đi hẹp, nhưng đầy hỗn mang cõi sống.

Cuộc đời, phải chăng chỉ như một hơi thở rất nhẹ và mong manh

Đây là câu chuyện của thực tế diễn ra trong đời sống. Khi những người phụ nữ bị bán qua biên giới, bị ép làm gái mại dâm, bị ngược đãi, với bao số phận éo le, do cuộc đời xô đẩy vào những vùng khuất tối; không tự vượt thoát, hay không muốn vượt thoát, cũng có thể là do thói quen, hay do sự trì níu của thói quen?
Có thể thấy tính cách thụ động của nhân vật qua những miêu tả của tác giả: “Không cầu xin. Không dông dài. Hỏi gì đáp nấy. Dù tâm có đau đớn cách mấy nàng cũng ý thức được hoàn cảnh của mình. Nàng đã bị lừa bán vào động quỷ rồi…”.
Tác giả đặt nhân vật nàng giữa những luồng vô năng vô định cõi hỗn mang, đẹp mà u tối, bền gan nhưng thụ động, hiểu biết nhưng đưa chân… để rồi với khả năng nhận thức giáo lý nhà Phật, đã lý giải nhân sinh theo cách của mình: “Nàng - cũng như bao kiếp người, như một câu hỏi muôn thuở mãi vẫn chưa có câu trả lời trong Phật giáo: Nếu tự tại tạo tác ra chúng sinh, thì ai tạo tác ra tự tại? Nếu tự tại tự tạo tác lấy mình, thì không phải, cũng như vạn vật không thể tự tạo tác lấy mình được. Nếu có kẻ khác tạo tác ra mình thì không gọi được là tự tại nữa. Nếu là tự tại tạo tác ra vạn vật, thì tạo tác vạn vật ở chỗ nào? Đứng trước số phận, kỳ thực, ai cũng phải cúi mình, bất lực trước vô thường…”.

Tác giả trẻ Trần Hoài Sơn làm việc ở lĩnh vực dầu khí nhưng rất đam mê văn chương

Ảnh: NVCC
Nhân vật nàng bị bán qua biên giới để làm gái bán hoa. Với những cảnh luống xảy ra trên đất người. Với những nhân vật cùng lúc trình diện bản chất hình hài, mỗi người mỗi số phận. Nhưng đều thuộc hạng bần cùng dưới đáy xã hội. Dù vẻ ngoài của họ được đeo bọc vàng bạc, xa hoa. Hay những trăn trở, hy vọng, đau khổ, mơ hồ, chấp nhận… của những cô gái bán hoa rẻ tiền, bị trói chặt bằng những thủ đoạn của chủ chứa.
Nhưng nàng cũng có được hạnh phúc đích thực. Khi một người đàn ông của định mệnh đã nói câu: "Anh muốn dẫn em về ra mắt gia đình anh, để rồi hạnh phúc là điều luôn sáng rỡ, có thật. Chỉ có nàng là không thể đón nhận hạnh phúc đời thường".
Câu chuyện dài của tiểu thuyết Hoàng hôn cuối được kết thúc rất có hậu bằng hình ảnh nhân vật được giác ngộ, được dẫn dắt hướng tới cõi Niết Bàn. Độc giả cảm thấy lòng lắng lại khi đọc những trang cuối của cuốn tiểu thuyết:  “Trong ánh le lói cuối cùng của buổi hoàng hôn, nàng nghe tiếng chuông chùa ngân nga, văng vẳng rồi rơi rớt xuống ánh chiều hôm ấy, sau đó tan loãng vào cõi tĩnh tịch hư không. Vạn vật dường như cũng cộng hưởng cùng từng hồi chuông chùa mà lắng đọng một dáng vẻ an nhiên và trầm mặc. Trong cái bao la của đất trời, trước sự vĩnh hằng của vũ trụ, cuộc đời, phải chăng chỉ như một hơi thở rất nhẹ và mong manh, chỉ một thoáng qua là biến mất, tịch không vết tích..”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.