Hoàng hôn trên vịnh Manila 'nhạt màu' vì các dự án lấn biển

21/11/2024 15:30 GMT+7

Các dự án lấn biển tại vịnh Manila của Philippines vấp phải nhiều phản đối về việc làm hỏng cảnh quan, gây ngập lụt và nguy cơ an ninh.

Hoàng hôn trên vịnh Manila 'nhạt màu' vì các dự án lấn biển- Ảnh 1.

Một dự án lấn biển tại vịnh Manila chắn tầm nhìn từ một khách sạn

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH NIKKI ASIA

Một loạt dự án lấn biển tại vịnh Manila của Philippines đang ngày càng vấp phải nhiều sự phản đối về những tác hại, khiến chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đau đầu tìm hướng giải quyết, theo phân tích mới đây của tờ Nikkei Asia.

Là một trong những nơi có cảnh hoàng hôn đẹp nhất thế giới, vịnh Manila được nhắc đến trong nhiều sách hướng dẫn, trang web du lịch. Tuy nhiên, những đống đất và đội tàu xây dựng đã làm hỏng tầm nhìn của nơi này trong thời gian gần đây.

Trong một khách sạn sang trọng hướng ra vịnh, một số khách hàng thất vọng về tầm nhìn, một nhân viên tại cơ sở này cho biết.

Lấn biển 100 km2

Công trình cải tạo ở vịnh Manila có từ thập niên 1970. Tập đoàn SM Group của Philippines đã mở Trung tâm mua sắm Mall of Asia, trung tâm mua sắm lớn nhất của nước này, trên đất lấn biển ở đó vào năm 2006. Các khu nghỉ dưỡng, sòng bạc và các dự án khác cũng đã xuất hiện trong khu vực.

Thành công của các dự án truyền cảm hứng cho nhiều dự án tiếp nối. Chính phủ đã hỗ trợ những nỗ lực này với hy vọng tăng doanh thu thuế và xây dựng thêm nhà ở cho người thu nhập thấp, nhằm giảm bớt tình trạng quá tải ở vùng đô thị Manila.

Hàng chục dự án đặt mục tiêu lấn biển trên tổng diện tích khoảng 10.000 ha (100 km2) tại vịnh Manila, theo Hãng thông tấn Philippines.

Hoàng hôn trên vịnh Manila 'nhạt màu' vì các dự án lấn biển- Ảnh 2.

Vịnh Manila từng được xem là một trong những nơi có cảnh hoàng hôn rất đẹp

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Tuy nhiên, những nhà bảo vệ môi trường, các nhóm đánh bắt cá và một số nhà lập pháp phản đối việc cải tạo. Sự phản kháng gia tăng sau trận lũ lụt quy mô lớn năm ngoái tại đảo chính Luzon, nơi có Manila.

Những lo ngại về an ninh cũng đã xuất hiện. Một công ty con của Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) vào năm ngoái bị phát hiện có liên quan một dự án cải tạo gần Đại sứ quán Mỹ tại Manila.

Giữa những trở ngại ngày càng tăng, vào tháng 8.2023, Tổng Marcos Jr. quyết định đóng băng hơn 20 dự án cải tạo được phê duyệt dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte và đánh giá lại tác động. Kết quả đánh giá đến nay vẫn chưa được công bố.

Lo ngại tác động

Vào cuối tháng 7, lũ lụt trên diện rộng do mưa lớn quanh vùng đô thị Manila đã khiến gần 50 người thiệt mạng. Một số thượng nghị sĩ cho rằng nguyên nhân một phần do tác động của việc lấn biển gây ra đối với hệ thống thoát nước.

"Nhìn chung, các dự án lấn biển sẽ làm chậm dòng chảy của nước", Bộ trưởng Môi trường Maria Antonia Yulo-Loyzaga thừa nhận trong phiên điều trần vào tháng 8. Bà cho biết trong tháng này rằng các nhà nghiên cứu tham gia vào quá trình đánh giá đã đề nghị gia hạn và dự kiến quá trình này sẽ hoàn tất vào cuối năm.

Tác động của các dự án đến chất lượng nước là một mối quan tâm khác. Một lượng lớn chai nhựa và túi nhựa đã trôi dạt vào bờ tại một cảng gần đó, trong khi mùi nước thải bốc lên từ vịnh.

Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Philippines đã nỗ lực làm sạch vịnh Manila kể từ năm 2019. Nhưng một nghiên cứu được thực hiện vào năm ngoái cho thấy mức độ vi khuẩn E.Coli vẫn còn cao nên không thể bơi an toàn tại đây. Nhiều du khách thường không đến khu vực này mà đến các bãi biển như Boracay và Cebu.

Doanh nghiệp hối thúc

Theo Nikkei Asia, các doanh nghiệp đang thúc đẩy việc khởi động lại công tác lấn biển ở vịnh Manila. Ông Ramon Ang, chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn San Miguel, vào tháng 8 cho biết việc mở một sân bay quốc tế mới ở Bulacan, phía bắc Manila, sẽ bị hoãn lại vì sự chậm trễ ở vịnh Manila dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung cấp sỏi. Thành phố Pasay, nơi có Trung tâm thương mại Mall of Asia, cũng đã nêu mối quan ngại về sự chậm trễ các dự án lấn biển. Thành phố này lập luận rằng sau khi hoàn thành, các dự án sẽ bổ sung nguồn tiền lớn vào doanh thu thuế của chính phủ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.