Rủ nhau... làm liều
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 21.2, Công an huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Dương Hoàng Kiên (28 tuổi, trú xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, Trần Văn Tường (22 tuổi, trú huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) và Phạm Văn Tuân (38 tuổi, trú huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Điều đáng nói, cả 3 đối tượng này vì nợ nần và tình cờ "gặp" nhau ở "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" trên Facebook nên lên Đắk Lắk và cùng nhau tham gia cướp tài sản.
Vụ việc này không cá biệt. Thời gian qua đã có những vụ việc tương tự. Từ việc tham gia những hội, nhóm tào lao trên mạng xã hội, không ít người trẻ đã rủ nhau làm bậy.
Đầu năm 2022, Nguyễn Tùng Lâm (35 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên), Tô Văn Tình (29 tuổi, ở tỉnh Quảng Ninh) và Lê Duy Dự (28 tuổi, ở tỉnh Thanh Hóa) quen nhau khi cùng tham gia "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" trên Facebook.
Cả 3 đã giả vờ làm khách đến chung cư của một thanh niên rao bán điện thoại trên mạng ở P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội rồi dùng bình xịt hơi cay tấn công, đánh, trói chủ nhà, cướp tài sản. Cả 3 đối tượng đã bị bắt sau 5 ngày gây án.
Vào tháng 1.2022, Trần Văn Hào (35 tuổi, ở tỉnh Hà Tĩnh) và Phan Ngọc Trăm (23 tuổi, ở tỉnh Lạng Sơn) quen biết nhau thông qua "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" và rủ nhau đi cướp tài sản. Hai thanh niên này đã chuẩn bị súng và các công cụ gây án rồi đột nhập vào phòng ngủ của một cặp vợ chồng ở huyện Thạch Thất (TP.Hà Nội) nổ súng, dùng dao đe dọa, yêu cầu đưa 100 tỉ đồng.
Sau khi lấy được 200 triệu đồng, Hào và Trăm tiếp tục trói gia chủ vào ghế và yêu cầu chuyển thêm 5 tỉ đồng nếu không sẽ giết cả nhà. Cái kết sau đó là cả hai bị bắt sau một ngày gây án.
Ngoài ra, còn nhiều vụ việc khác, mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ chính những hội, nhóm "trời ơi đất hỡi" trên Facebook. Những thành viên ở các tỉnh thành vô tình thấy nhau trên những hội, nhóm quái đản này. Sau đó họ rủ rê, xúi giục nhau thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, khiến dư luận bất an...
Ngăn chặn bằng cách nào?
Đáng chú ý, "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" khá đông trên Facebook khi thu hút hàng chục ngàn thành viên. Nào là "hội những người vỡ nợ muốn làm liều", "hội những người vỡ nợ thích làm liều" cho đến "hội những người vỡ nợ muốn làm liều toàn quốc", "hội những người túng quẫn làm liều"... Hội nào cũng đông đúc và đăng bài liên tục.
Tại những hội vớ vẩn này, các thành viên thường xuyên hỏi nhau: "Có kế hoạch gì không?", "Ai ở TP.HCM, nếu muốn làm liều thì liên hệ nhé"...
Cũng từ những hội kể trên, có thể thấy đa số thành viên đều rơi vào tình cảnh túng quẫn khi "nợ ngập đầu", "nợ như chúa chổm". Có những người cho biết nợ đến 3,4 tỉ đồng, thậm chí cả chục tỉ đồng. Với họ, "làm liều" là cách duy nhất để có tiền giải quyết nợ nần. Và theo dõi những hội này, không khỏi giật mình khi bắt gặp những bài đăng, những bình luận với những kế hoạch "làm liều" khá manh động được "vạch" ra, "vẽ" ra chi tiết.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), việc nở rộ những hội, nhóm tào lao kích động, xúi giục nhau làm bậy là vấn nạn đáng lo ngại.
"Tôi đã rất sốc khi thử tìm kiếm và đọc được những bài viết với những kế hoạch đi cướp giật, trộm cắp của những người muốn làm liều. Tôi cho rằng những lời rủ rê kia không phải nói cho vui hay để câu view. Mà những ý định phạm tội đã được toan tính sẵn trong đầu của những người mê cờ bạc đỏ đen, túng quẫn vì nợ nần tiền bạc. Họ đã không lo sợ việc bị cơ quan chức năng sờ gáy mà sẵn sàng rủ nhau thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Thiết nghĩ, cần phải ngăn chặn ngay vấn nạn này trước khi những thành viên của những nhóm ấy gieo rắc nỗi kinh hoàng cho xã hội", ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho rằng để ngăn chặn thực trạng đáng báo động này các cơ quan chức năng, đặc biệt là Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của công an các tỉnh, thành nên để ý những hội, nhóm có nội dung xấu trên Facebook nói riêng cũng như các nền tảng mạng xã hội khác nói chung. Khi phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ, cần vào cuộc làm rõ để chặn đứng những hành vi phạm tội của những kẻ liều mạng.
Theo luật sư Trần Anh Vũ, đoàn luật sư TP.HCM, dựa theo điểm d, khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 14/2022/NĐ-CP, thì những người lập ra và quản lý (admin) các hội, nhóm này có khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Nếu các admin có hành vi kích động, giúp sức, tư vấn cho các thành viên thực hiện những hành vi trộm cắp, cướp giật... thì có thể xem là đồng phạm.
Nếu admin biết các thành viên đang bàn bạc để đi thực hiện hành vi phạm tội mà không phản đối, ngăn chặn thì có khả năng bị xem xét về hành vi không tố giác hoặc che giấu tội phạm. Dựa vào điều 390 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, trường hợp này có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Với các thành viên trong những hội, nhóm "tào lao", nếu đăng tải và chia sẻ những thông tin kích động bạo lực, cổ xúy tệ nạn xã hội… sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Đồng thời bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cơ quan chức năng xét thấy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Ngoài ra, những thành viên trong cộng đồng "hội những người thích làm liều" còn có nguy cơ bị xử lý theo Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, nghiêm cấm các hành vi vi phạm trên môi trường số...
Nhan nhản trên Facebook
Ngoài "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" thì trên Facebook còn có những hội có những cái tên rất tào lao và đăng những nội dung độc hại. Chẳng hạn như "hội những người đã từng đi tù", "hội những người muốn tự tử", "hội những người từng đi cai nghiện ma túy"... Lạ lùng là những nhóm này đều có rất đông thành viên.
Anh Thịnh khuyên người trẻ: "Khi thấy những hội, nhóm như vậy, hãy "né" xa. Bên cạnh nói không với việc tham gia, thì nên bấm báo cáo để Facebook xóa sổ".
Bình luận (0)