Hoảng hốt sau cú xe đụng máy bay

12/09/2015 07:18 GMT+7

Một xe thang đã va quệt vào đuôi cánh máy bay của Jetstar Pacific khi máy bay này đang chuẩn bị di chuyển đến đường băng để cất cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là vụ thứ 2 trong vòng 15 ngày qua, xảy ra sự cố xe va chạm vào máy bay ở sân bay này.

Sáng qua 11.9, một xe thang đã va quệt vào đuôi cánh máy bay của Jetstar Pacific khi máy bay này đang chuẩn bị di chuyển đến đường băng để cất cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là vụ thứ 2 trong vòng 15 ngày qua, xảy ra sự cố xe va chạm vào máy bay ở sân bay này.

Loại máy bay Airbus A320 của Jetstar Pacific và phần đuôi chóp cánh của máy bay bị móp sau sự cố (ảnh nhỏ)
Loại máy bay Airbus A320 của Jetstar Pacific và phần đuôi chóp cánh của máy bay bị móp sau sự cố (ảnh nhỏ) - Ảnh: Bạch Dương
Có mặt trên chiếc máy bay Airbus A320 số hiệu BL570 dự kiến bay lúc 6 giờ 50 ngày 11.9, chị Bùi Thị Mai, phụ trách truyền thông của một ngân hàng ở TP.HCM, cho biết lúc đó tất cả hành khách đã ngồi vào ghế, máy bay khởi động và sắp di chuyển ra đường băng để cất cánh thì nghe “rầm" một cái, khiến mọi người hoảng hốt. Cơ trưởng ngay lập tức thông báo nguyên nhân vụ va quệt và đưa 170 hành khách xuống lại xe buýt trở vào nhà ga.
Sự cố đã làm cho phần đuôi chóp của cánh máy bay bị móp. “Ngay sau khi sự việc xảy ra, các chuyên gia và kỹ sư của Jetstar Pacific đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và xử lý theo quy định, tiêu chuẩn an toàn hàng không”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jestar Pacific cho hay.
Vụ việc khiến chậm chuyến dây chuyền đến một số chuyến bay khác trong ngày. Đến trưa cùng ngày, công việc thay thế đuôi chóp cánh máy bay hoàn tất, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn hàng không và đưa máy bay trở lại khai thác. Gần 170 hành khách của chuyến bay BL570 đã được Jetstar Pacific bố trí khởi hành từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột lúc 13 giờ 30.
Theo ông Hà, xe thang va quệt trên thuộc quyền quản lý của Jetstar Pacific, hiện hãng đang thực hiện các thủ tục để làm việc với đơn vị bảo hiểm máy bay liên quan đến chi phí thiệt hại. Lãnh đạo Jetstar Pacific cũng cho biết, nhân viên vận hành xe thang đã được cho tạm ngừng công tác.
Xem lại quy trình đào tạo, quản lý
Theo một cán bộ ngành hàng không, các loại xe vận hành trong sân bay như xe thang, xe nhiên liệu, xe vận chuyển hành lý… đều có quy trình vận hành chặt chẽ, với các hãng khác nhau đều có quy trình vận hành trang thiết bị riêng. Nhân viên lái xe sau khi được tuyển chọn, được đào tạo lại và phải đạt chứng chỉ năng định mới được cấp giấy phép hành nghề và hằng năm đều được định kỳ kiểm tra. Với xe thang, xe tiếp nhiên liệu, ngoài nhân viên lái xe còn có nhân viên hỗ trợ vận hành cầm cờ chỉ dẫn dưới mặt đất.
“Trên thực tế khi vận hành có rất nhiều tình huống không thể kiểm soát hết được, ví dụ như vụ tài xế đạp nhầm chân phanh thành chân ga, chỉ cần một chút sơ sẩy là xảy ra tình huống đe dọa đến an toàn hàng không”, vị cán bộ này cho biết.
Phi công Nguyễn Thành Trung, người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không cũng cho biết, quy trình cho lái xe trong sân đỗ máy bay rất chặt chẽ về hướng đi, tốc độ, điểm đỗ, nhưng vẫn xảy ra những sự cố do sơ suất của con người.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, sau các sự cố xảy ra, Cục đã xem xét các yếu tố như quy trình, kiểm tra việc thực hiện quy trình, cấp giấy phép năng định, kết quả cho thấy không có vấn đề gì ở các khâu này. Lỗi chủ yếu do kỹ năng của nhân viên vận hành.
“Rõ ràng ý thức tuân thủ quy trình, tính cẩn trọng của nhân viên yếu kém, còn vấn đề. Cục sẽ làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất, yêu cầu nâng cao trình độ, kỹ năng, tính cẩn trọng đối với nhân viên”, ông Thanh cho hay.
Với những sự vụ liên tiếp xảy ra gần đây, theo một quản lý cấp cao của một hãng hàng không nước ngoài đang khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất, không chỉ khiến uy tín của hàng không VN bị ảnh hưởng mà còn gây lo lắng cho các hãng. Bởi, chỉ cần một vụ va chạm, hãng chịu thiệt hại rất lớn về tiền bạc.
“Đa số các nguyên nhân được điều tra là do con người gây ra, vì vận hành trang thiết bị không đúng. Nhưng chưa ai đề cập đến, liệu các thiết bị đó có được bảo hành, bảo trì đúng hay chưa?”, ông này đặt dấu hỏi. 
Các sự cố xe va chạm máy bay
Ngày 27.8.2015, tại sân bay Tân Sơn Nhất, một xe băng chuyền đã đâm vào bụng máy bay Airbus 330-300 của Hãng China Airlines đang chuẩn bị cất cánh đi Đài Bắc. Sự cố khiến 300 hành khách bị hủy chuyến. Tài xế được xác định không sử dụng rượu bia, nhưng đạp nhầm chân phanh với chân ga. Hiện tài xế này đã bị tước giấy phép hành nghề 24 tháng.
Ngày 7.8.2015, một xe đầu kéo chở hàng hóa đã đâm rách cánh trái một máy bay cá nhân tại sân bay Đà Nẵng.
Tháng 5.2010, tại sân bay Tân Sơn Nhất, máy bay Boeing 777 của Vietnam Airlines bị xe chở nhiên liệu đâm vào cánh trái, khiến động cơ phía sau của máy bay hư hỏng nặng, dầu tràn ra đường băng.
Tháng 1.2009, tại sân bay Nội Bài, máy bay Boeing 737 của Jestar Pacific cũng bị xe đầu kéo va quệt vào thân máy bay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.