Hoang mang về bữa ăn học đường: Phụ huynh phải được quyền giám sát bữa ăn của trẻ

19/03/2019 08:22 GMT+7

Dù toàn bộ chi phí cho bữa ăn bán trú đều do phụ huynh đóng góp trên cơ sở thỏa thuận với nhà trường, nhưng không phải trường nào cũng tham khảo ý kiến của phụ huynh trước khi lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm.

Hiệu trưởng phải tạm lánh mặt…

Ngày18.3, đoàn công tác của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh cử bác sĩ, kỹ thuật viên về 2 trường mầm non Thanh Khương (xã Thanh Khương) và Trường mầm non Mão Điền (xã Mão Điền) trực tiếp lấy máu của các học sinh (HS) để làm xét nghiệm sán lợn
Bà Nguyễn Thị Mây, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Khương, cho biết trước đây nguồn thực phẩm nhập vào trường hằng ngày do một hiệu phó phụ trách và nhà bếp kiểm soát. Trong các cuộc họp với phụ huynh sau vụ thịt lợn nghi nhiễm sán và thịt gà không đảm bảo chất lượng, ban phụ huynh hằng ngày sẽ có đại diện đến trường kiểm tra nguồn thực phẩm trước khi đem chế biến. Ngoài ra, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cũng tiến hành kiểm tra, lưu mẫu thực phẩm hằng ngày để kiểm tra chất lượng.
Cùng ngày, hàng trăm phụ huynh cũng đã đến Trường mầm non Mão Điền yêu cầu lãnh đạo nhà trường giải thích về chất lượng thực phẩm khi sử dụng thực phẩm từ Công ty Hương Thành cung cấp cho Trường mầm non Thanh Khương bị phát hiện thịt lợn nghi nhiễm sán. Trước áp lực quá lớn từ phía phụ huynh, hiệu trưởng trường này phải tạm lánh khỏi trường với sự hỗ trợ của lực lượng công an, bảo vệ.
Theo chị Đào Thị Hồng, nhà ở xóm Bàng, xã Mão Điền, có 2 con học trường này, chị không thể yên tâm với nguồn thực phẩm từ bữa ăn bán trú, nhiều phụ huynh trong trường đã lên tiếng bày tỏ nguyện vọng với giáo viên chủ nhiệm các lớp học tạo điều kiện phụ huynh thay nhau kiểm tra nguồn thực phẩm đưa vào bữa ăn nhà trường.

Giả vờ đón con đột xuất để “kiểm tra” bữa ăn

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, hiện việc giám sát bữa ăn học đường của trẻ ra sao, phụ thuộc rất lớn vào việc nhà trường có “cho phép” hay không. Có trường khi phụ huynh hỏi vì sao lại chọn đơn vị cung cấp thực phẩm đó thì trả lời là do phòng GD-ĐT hoặc UBND quận chỉ định. Mấy năm trước, trên địa bàn Hà Nội, phụ huynh ở Q.Hoàng Mai đã phản ứng vì UBND quận “cấp phép” cho 3 công ty “độc quyền” cung cấp thực phẩm vào trường học khi phụ huynh chưa hề được trao đổi, bàn bạc, xin ý kiến.
Một phụ huynh có con học tiểu học tại Q.Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết về danh nghĩa thì phụ huynh được giám sát nhưng lại phải báo trước vài ngày hoặc báo trước cả tháng. Những buổi kiểm tra bữa ăn học đường có thành phần phụ huynh được tham dự, hoặc để truyền thông ghi hình, thường được nhà trường bố trí, chuẩn bị trước. Như vậy, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường hiện nay vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan. “Thậm chí, có lần tôi phải giả vờ có lý do rất đột xuất như đón con về buổi trưa thì mới có thể được mục sở thị bữa ăn của các con ở trường”, vị phụ huynh này nói.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định về nguyên tắc, ban đại diện cha mẹ học sinh nằm trong bộ phận giám sát bữa ăn học đường, giám sát việc giao nhận thực phẩm, hoặc các suất ăn chế biến sẵn. Mỗi nhà trường sẽ lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm phù hợp với quy định chung về an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu của từng trường trên cơ sở được sự nhất trí của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra vụ học sinh bị nhiễm sán lợn
Chiều 18.3, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng đã giao Bộ Công an điều tra làm rõ vụ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán lợn tại tỉnh Bắc Ninh. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế cử ngay đoàn công tác về tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh có phát hiện để chỉ đạo phòng, chống bệnh. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm. UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được yêu cầu chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh, chủ động thực hành các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Chiều 18.3, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã có cuộc họp với lãnh đạo địa phương, các cơ quan chức năng, chuyên môn. Ông Chiến cho rằng 186/1.557 trẻ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh được xét nghiệm tại Hà Nội vừa qua chiếm tỷ lệ hơn 11%, tỷ lệ này nằm trong mức dao động chung của người dân VN là từ 10 - 12% và kêu gọi tuyên truyền để người dân không hoang mang.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết trong ngày 18.3, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận thêm khoảng 300 trẻ được các gia đình đưa đến xét nghiệm sán lợn. Tính đến cuối ngày 18.3, đã có hơn 2.000 trẻ ở H.Thuận Thành (Bắc Ninh) được cha mẹ đưa đi xét nghiệm sán lợn tại bệnh viện này và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư (Hà Nội), trong đó ghi nhận hơn 200 ca dương tính.
C.Hiếu - N.Sơn - P.Hậu - T.Cường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.