Đó cũng là cột mốc đánh dấu sự mất tích bí ẩn của Đặng Lê Nguyên Vũ suốt 5 năm qua. Không ai biết điều gì đã xảy ra trong 5 năm đó nhưng qua lời Vũ kể thì đó là quãng thời gian anh trải qua những thử thách kinh khủng, đau đớn về cả tâm linh và thể xác để trở thành một Đặng Lê Nguyên Vũ "không còn ở trong ngũ hành của những người anh chị em. Qua đã ra khỏi cái ngũ hành đó rồi".
Cả đêm Qua ở dưới gốc đa, chuồng ngựa
Tôi từng tới M'Drăk. Đó là trang trại rộng khoảng 600 hecta nằm sâu trong những cánh rừng Tây nguyên. Thời điểm tôi đến, đoạn gần sát trang trại vẫn là đường đất. Phía trong hoang sơ, chỉ là "người đi thành lối mòn" chứ chưa làm đường lối nên gồ ghề, hùm hố toàn ổ voi, ổ chuột. Chỗ Đặng Lê Nguyên Vũ ở là một ngôi nhà gỗ nằm cheo leo trên mỏm đồi thấp. Đi lòng vòng cách đó khoảng 500 m là một nhà sàn lớn kê 2 dãy giường đơn có tới vài chục chiếc dành cho khách với đầy đủ chăn, gối, mùng, bàn chải đánh răng, khăn mặt... 6 giờ chiều ở đây đã mịt mùng, gió hú rít bên tai, thỉnh thoảng những tiếng rừng hoang vu vọng lại nghe rờn rợn.
Đêm đó, sợ rắn bò vào lán cắn tôi lấy mấy cuốn sách nặng trịch chèn chặt xung quanh mùng mà ngủ vẫn thấp thỏm. Nên tôi không thể hình dung người ta có thể rủ nhau lên cái xứ lạnh lẽo hoang vu như vậy để thiền và nhịn ăn tới 49 ngày.
Đặng Lê Nguyên Vũ giải thích, đó là nhờ nguồn năng lượng gốc. "Hồi xưa nuôi đà điểu ở trang trại, Qua không hiểu vì sao con đà điểu nó lớn như vậy. Một ngày nó ăn nửa ký, mấy đứa nhỏ cho thức ăn, nước uống đều khống chế trong nửa ký thôi. Mà sao có ngày cân lên tới một ký. Vậy nó lấy ở đâu? Nó ăn xong nó còn phải thải ra thì còn lại bao nhiêu? Chính là cái nguồn năng lượng gốc. Nên khi nói thiền 49 ngày không ăn, không uống lấy cái gì mà sống. Tất cả đều là năng lượng. Mọi cấp độ đều là năng lượng. Khi trong thử thách tâm linh của Qua, một tháng Qua không cần uống nước. Cả ngày cả đêm không ngủ, không tất cả mọi thứ, không dùng nước luôn chứ đừng nói thực phẩm. Vậy sao Qua sống được ? Nó vi diệu lắm. Sau này các người anh em sẽ hiểu", Vũ nói.
tin liên quan
Hoang mang với Đặng Lê Nguyên Vũ Tôi không hiểu Đặng Lê Nguyên Vũ nói gì. Cứ u u, minh minh. Tôi đang hình dung Vũ như một đạo sĩ ở ẩn hành xác tu luyện, không màng thế sự thì vẫn có một Đặng Lê Nguyên Vũ tỉnh táo để "soi đo" lòng người. "Khi bão tố tới, Qua không muốn nói, Qua không bao giờ muốn nói gì. Những người anh em, những người bạn ngày xưa, tìm tới đâu có khó. Nhưng Qua không đến, không bao giờ đến, tuyệt đối Qua không đến. Những người chị em này là thiện lành, đã lên núi lên đồ (chìa tay về phía chúng tôi) nhưng Qua cũng không tới. Qua tuyệt đối không tới, Qua không cần. Để xem cái bản tâm của những người anh chị em, bạn bè, vợ con, ai thật ai giả, tất cả đều lộ rõ. Khi đụng chạm đến quyền lợi là lộ hết, không giấu được. Đối với Qua bây giờ trời có sập xuống, có chết xuống đi nữa Qua cũng không coi trọng nữa. Qua không màng sinh tử luôn, đừng nói chi ba cái nghiệp này (mâu thuẫn, kiện cáo giữa 2 vợ chồng - PV), 3 cái thứ tào lao này" - Vũ nói.
Dù coi là thử thách mà mình phải vượt qua, nhưng chuyện phải đi giám định tâm thần vẫn là nỗi đau, thậm chí có cảm giác là nỗi sỉ nhục lớn nhất đối với Đặng Lê Nguyên Vũ. "Qua là ai thì các người anh em phải hiểu. Cô (vợ - PV) bảo Qua bị bệnh. Thôi được rồi Qua sẽ chứng minh. Qua lên Chợ Rẫy, Qua qua Việt - Pháp. Ngày trước Qua có học bác sĩ mà Qua phải ra bệnh viện tâm thần Biên Hòa, ngồi cho một hội đồng hỏi như hỏi cung. Nhưng chưa xong, vẫn chưa đồng ý. Qua phải ra Hội đồng giám định pháp y Trung ương. Họ ngồi hỏi Qua. Thực sự Qua chưa bao giờ tưởng tượng được cái cảnh như vậy. Hỏi bằng nghiệp vụ của người ta thôi, trắc nghiệm tâm lý. Một ngày cả hội đồng "quần" Qua suốt. Đủ loại, đủ kiểu... để xung động, kích động Qua. Cứ tưởng tượng Qua như thế này, cái gì Qua cũng biết hết mà phải ngồi như vậy. Nhìn xuống phía dưới những thằng ngẩn ngơ bị nhốt. Qua nhìn cái cảnh đó, trong lòng tê tái. Không bao giờ Qua tưởng tượng nổi cái cảnh đó. Nhưng kết quả đưa về thì không bệnh gì. Qua mà bệnh gì?".
|
Cuộc đời của Qua là được mặc định
Với nhiều người, 49 ngày thiền nhịn ăn 5 năm trước là cột mốc đánh dấu sự thay đổi có thể nói là không thể tưởng tượng của Đặng Lê Nguyên Vũ.
tin liên quan
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ yêu cầu xử lý người tung clip về mình lên mạngLần xuất hiện công khai đầu tiên của anh là vào tháng 6 khi ra mắt cà phê Trung Nguyên Legend tại TP.HCM. Lần xuất hiện đó thực sự gây sốc cho mọi người. Lần đó tôi có được mời nhưng không đến. Lần đó, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng chỉ xuất hiện và phát biểu 5 phút, nhưng cách xưng hô và trang phục của anh khiến tất cả kinh ngạc. Một Đặng Lê Nguyên Vũ doanh nhân đã biến mất, nhường chỗ cho một Đặng Lê Nguyên Vũ "kỳ dị, bí ẩn" không thể giải thích nổi.
Tôi nhìn những hình ảnh đó trên mạng và nhớ về một Đặng Lê Nguyên Vũ những ngày đầu mới quen. Đó là năm 2006 khi Trung Nguyên bắt đầu triển khai "siêu" dự án bán lẻ mang tên G7 Mart. Với tôi ý tưởng và cách thức xây dựng một mạng lưới phân phối trong nước đủ sức làm đối trọng với các "ông lớn" trong ngành bán lẻ thế giới đang lăm le xâm nhập thị trường nội địa của Đặng Lê Nguyên Vũ cho tới bây giờ vẫn là ý tưởng hay nhất, khả thi nhất.
12 năm trước tại văn phòng của Trung Nguyên tại TP.HCM, Đặng Lê Nguyên Vũ đã say sưa nói với tôi về dự án nâng cấp các tiệm chạp phô (tạp hóa) trải dài khắp 64 tỉnh, thành trên cả nước thành một hệ thống 10.000 cửa hàng tiện lợi mang tên G7 Mart. Với tiềm lực tài chính yếu, kinh nghiệm ít, chỉ có cách đó, doanh nghiệp Việt mới có thể tạo ra một mạng lưới phân phối phủ rộng nhất, nhanh nhất, mạnh nhất trước khi các đại gia bán lẻ nước ngoài kịp thôn tính thị trường Việt. Để thực hiện dự án đồ sộ này, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã làm một cuộc "săn đầu người" nổi tiếng trên thị trường lao động thời điểm ấy với hàng chục CEO người Việt đang làm cho các tập đoàn đa quốc gia về Trung Nguyên.
Vũ là vậy, luôn trân trọng và muốn có trong tay những người giỏi nhất. Tiếc rằng dự án không đi đến đích dù Vũ đã nỗ lực kết hợp với Ministop của Nhật để vực dậy khi hệ thống đứng trước nguy cơ tan vỡ. Nỗi lo của Vũ về thị trường bán lẻ hiện đại rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài giờ đã thành hiện thực... Tôi tiếc nhớ con người đó của Đặng Lê Nguyên Vũ tới mức còn cất cái thư mời cuộc họp báo ra mắt Trung Nguyên Legend từ hồi tháng 6 đến tận bây giờ. Như một kỷ niệm về một doanh nhân nhiều ý tưởng, một người bạn mà tôi thực sự trân quý.
|
"Ngay từ khi còn nhỏ Qua đã ám ảnh bởi cái chết. Ở làng Qua có cái bãi tha ma. Mỗi khi có đám tang đi qua, trong lòng Qua cứ nghĩ này nọ. Có câu thơ của Lưu Trọng Lư Qua đọc một lần mà cứ nhớ hoài không quên Ai người trước đã qua. Ai người sau chưa tới. Nghĩ trời đất vô cùng. Một mình tuôn giọt lệ..." (Vũ nhầm tác giả, bài thơ này của Trần Tử Ngang, Nhất Hạnh dịch - PV). Nó cứ suốt như vậy, cứ ám ảnh suốt như vậy" - Vũ kể.
Bước chuyển thứ 2 theo cách gọi của Đặng Lê Nguyên Vũ là năm 2012, khi anh bị tai nạn. Khi đó, Vũ đang trên đường ra sân bay thì bị một chiếc xe máy tông vào người khiến trán toác, vỡ sọ, mặt khuyết mất một mảng nhưng vẫn tỉnh. Tưởng không qua khỏi, Vũ đã "trăn trối" với 2 người bạn đi cùng một số việc. "Đến khi Qua bị tai nạn thì Qua biết mọi thứ được sắp đặt. Một năm Qua ở trên núi, trong cái nhà mà không bước ra đến cổng, chuồng ngựa Qua cũng không ra. Vừa dưỡng thương, vừa tĩnh lặng. Cái nguyên lý tĩnh lặng là tuyệt vời lắm. Sau này cái đời sống minh triết là đời sống giãn biên chứ không tụ vào bên trong. Đó là lúc Qua được thông linh" - Vũ kể lại.
Cuộc thiền nhịn ăn 49 ngày năm 2013 là bước chuyển cuối cùng của một Đặng Lê Nguyên Vũ doanh nhân sang một người hoàn toàn mới lạ. "Qua có thiếu gì ở thế gian đâu. Nhưng nó cứ thúc giục, trong tâm mình này, nó cứ đẩy lên. Tới cái ngày 43 tuổi, Muhamad cũng tới cái tuổi đó vào sa mạc sa đồ, sau này về khải thị. Tự dưng đâu có chữ nghĩa gì mà kinh Koran hiện ra. Luôn luôn nó như vậy. Đối với tạo hóa, như cái trò chơi. Người điều khiển hết. Hãy chú ý lời Qua".
Đặng Lê Nguyên Vũ bảo, 5 năm trước, Vũ không biết thiền, thở là gì. "Đi trên núi lúc đó 12 người nhưng chỉ có 2 người ở cùng qua. Phải có căn cơ chứ không phải là kỹ thuật. Cuộc đời của Qua là được mặc định. Nó thúc giục từ khi còn nhỏ giữa cái sống và chết. Mình cứ đi kiếm đi tìm mà không biết kiếm tìm cái gì. Phải có cái căn duyên, căn cơ. Có những người anh em đi trong đợt đó đã từng đi thiền ở Ấn Độ nhưng không phải. Cuộc đời phải có căn duyên. Còn đâu có ai dạy, trời không có dạy" - Vũ nói.
Qua vẫn là Qua thôi
Tôi nói với Đặng Lê Nguyên Vũ, tôi "thích" anh của 5 năm trước. Một doanh nhân nhiệt huyết, luôn đau đáu một giấc mơ xây dựng thương hiệu Việt. Một người bạn thỉnh thoảng đọc bài báo tâm đắc lại gọi điện chia sẻ... Tôi cũng nói, nhiều người cũng tiếc nuối một Đặng Lê Nguyên Vũ doanh nhân hơn.
tin liên quan
Trung Nguyên kiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo, đòi bồi thường hơn 1.700 tỉ"Qua vẫn là Qua, Qua vẫn bao trùm cái Trung Nguyên này. Ở cái Trung Nguyên này có ngõ ngách nào mà Qua không biết. Từng con người, từng công việc ở đây phát triển làm sao, trên con đường đó, tất cả Qua đều chuẩn bị cho tụi nó. Có gì đâu mà mất. Nãy giờ Qua nói Qua là Qua chứ là ai. Nhưng sau này người anh em muốn nói chuyện thì thiền sư, đạo sư Qua sẽ nói chuyện theo ngôn ngữ của họ; mai mốt gặp Ngô Bảo Châu hay nhà bác học nào đó Qua sẽ nói ngôn ngữ của họ. Thậm chí, âm thanh, âm nhạc, mọi ngôn ngữ Qua đều nói được. Qua đều là bậc thầy hết. Qua dám nói như vậy để người anh em hiểu thêm. Qua đã đạt được đến cảnh giới nên Qua nói như vậy".
|
Tôi lại không thể cưỡng lại sự hoang mang của mình. Trong cả cuộc nói chuyện, hơn 3 lần tôi phải lên tiếng thú nhận là tôi hoang mang quá. Đặng Lê Nguyên Vũ giải thích: "Đó là cái tiến trình, trong tâm thức và trong hiện thực. Đến ngày hôm nay, cái tai Qua nghe được thiên giới, có ai tin không? Không ai tin hết. Nhưng sau này người anh em có căn cơ, có cái thiện lành, Qua sẽ giúp cho nghe một lần. Nên vừa nãy Qua nói cái huyền âm không ai hiểu, siêu âm không ai hiểu. 1/8 âm là người anh em nghe không được rồi. Nó phải tới cái cảnh giới nào, cái linh hồn, thể phách, thể vía phải ở mức độ nào mới hiểu nổi. 1/8 nghe khó rồi. Xuống dưới 1/8 là huyền âm thì không ai nghe được. Nhưng một tai của Qua nghe được, xuyên thấu hết. Mắt cũng vậy. Nên thiên nhãn, thiên nhĩ là có thực" - Đặng Lê Nguyên Vũ nói.
"Qua vẫn là Qua thôi" - tôi nghe không rõ hay chưa chính xác, tôi cũng không biết nữa.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)