Hoàng Nhuận Cầm và những bài thơ tiên tri viết về sự ra đi của mình

21/04/2021 00:30 GMT+7

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa đột ngột qua đời vào chiều tối 20.4, thọ 70 tuổi. Ít ai biết cách đây gần 30 năm, Hoàng Nhuận Cầm từng có những bài thơ tiên tri viết về sự ra đi của mình.

Tôi và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từ cách đây hơn 40 năm đã chơi khá thân với nhau. Thời gian ấy, chúng tôi thường trao đổi và đọc cho nhau nghe những bài thơ mới viết.
Tôi nhớ lại cách đây 29 năm khi Hoàng Nhuận Cầm in tập thơ Xúc xắc mùa thu. Lúc ấy, gia cảnh “Bác sĩ Hoa súng” khá khó khăn nên Hoàng Nhuận Cầm phải thức trắng đêm viết kịch bản và viết thêm cả báo để kiếm chút nhuận bút mua sữa cho con. Căn buồng nhỏ của gia đình Cầm nằm tận phía trong cùng một khu nhà ở phố Hàng Bún (Hà Nội), chưa được chục mét vuông. Bạn bè đến chơi, ngồi bệt xuống nền nhà nhơm nhớp nước, căn buồng luôn mù mịt khói thuốc lào. Hình như Cầm phải lấy khói thuốc lào xua đi mùi ô nhiễm của căn buồng chật chội vốn nằm cạnh nhà vệ sinh tập thể của khu dân cư. Những tháng năm ấy, sống khổ như vậy nên tôi thấy thơ Cầm bớt “véo von vần điệu” như trước đó và bắt đầu hướng sâu vào những dằn vặt của kiếp người.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (phải) và tác giả

Ảnh: V.C

Có điều, thi ca đối với Hoàng Nhuận Cầm vẫn là một thế giới “mắt trong leo lẻo nỗi buồn ngàn xưa” nên nó cứ phải ngân nga, thánh thót nhạc điệu như ru, như vỗ về để đánh thức người nghe, người đọc. Thứ thơ ấy, khó ai viết giỏi hơn Cầm. Tôi đồ rằng, thơ đương đại nước ta có hai thi nhân tạm gọi là “vua”: “vua thơ trẻ em” Trần Đăng Khoa và “vua thơ học trò, sinh viên” Hoàng Nhuận Cầm. Đố ai viết thơ trẻ con giỏi như Khoa lúc còn là thần đồng chục tuổi. Và cũng đố ai viết thơ tuổi học sinh, sinh viên hay hơn Cầm cách đây 40 năm.
Chợt có hôm, tôi đến nhà Cầm chơi, thấy anh rất trịnh trọng đặt lên sàn nhà một chai rượu trong vắt nút lá chuối , rồi thắp mấy nén nhang thơm (thay vì đốt trầm) để cùng bạn bè thưởng ngoạn những bài thơ mới viết. Khi đó, Cầm tuyên bố một câu xanh rờn: “Tiêu chí của thơ hiện đại hôm nay là những câu thơ hay phải biết cách “tự sát” để cho phần hồn của câu chữ cháy lên và đóng đinh vào cảm xúc người đọc. Các bạn hãy lắng nghe tôi đọc những bài thơ viết về cái chết đã tập hợp thành một luận đề “Thơ muốn hay phải tự sát”. Rồi Cầm ngồi xếp chân lại rất thành kính, tay cầm nhang vái, chậm rãi đọc bài thơ Một mai:
Một mai chết thật âm thầm
Mấy nhành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru
Một mai chết hết hận thù
Mắt chầm chậm khép, tay từ từ xuôi
Một mai chết thật buồn cười
Tóc tôi buông xuống như người ngủ mơ
Một mai chết thật tình cờ
Thuốc trên tay khói vẫn dờ dật bay...
Một mai chết thật hao gầy
Xanh xao quần áo tháng ngày thủy tinh
Một mai chết hết tội tình
Một mình mình hát, một mình mình nghe
Một mai đi chẳng trở về
Rượu buồn đổ đắng vỉa hè buồn thiu
Một mai chết thật đìu hiu
Má lằng lặng tái, môi dìu dịu say
Một mai ngủ lá phủ đầy
Miền tâm tư vỡ tháng ngày thật xa
Một mai nằm xuống bao la
Buồn ơi, chào nhé! Khóc òa vầng trăng
Một mai chết thật ăn năn
Tôi nằm xuống đất không cần thở than!

Cách đây gần 30 năm, tác giả từng được nghe nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc những bài thơ tiên tri viết về sự ra đi của mình

Ảnh: V.C

Lúc ấy, Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ như lên đồng. Đọc xong bài thứ nhất, Cầm lấy chai rượu nút lá chuối rót ra mấy cái chén con, làm luôn mấy tợp và vớ chiếc điếu cày, bắn luôn mấy bi liền. Sau đó, Cầm lại đọc ken két:
Nếu tôi chết - gia tài để lại
Thơ mấy bài nào có gì đâu
Bạn đến viếng mua hoa thật rẻ
Cắm trên mồ cho được bền lâu
Kẻo bạn về, tôi buồn phát khóc
Chỉ có hoa thủ thỉ đôi lời
Đừng đốt nhé nến hồng, nến trắng
Tôi chết rồi nào thích dạo chơi
Nếu tôi chết – rượu buồn hãy cạn
Thôi lạy người! Uống hộ một ly
Sống tôi đã như loài cây cỏ
Chết đừng làm say bắt tôi đi…
Thấy Cầm định đọc tiếp “trường ca” viết về cái chết, tôi vội vã xua tay can: “Bài thơ ông vừa đọc là bài thơ hay nhất viết về cái chết trong thơ Việt Nam nửa thế kỷ qua. Thôi tạm dừng ở đây, để hôm nào đọc tiếp”. Cầm gật đầu, rồi anh cười, nụ cười thật đầm ấm.
Những bài thơ tiên tri viết về sự ra đi của mình, Hoàng Nhuận Cầm viết cách đây gần 30 năm và tôi cũng không hiểu vì sao anh lại viết những bài có tứ thơ lạ lùng và độc đáo đến vậy. Những bài thơ ấy được in trong tập thơ Xúc xắc mùa thu của anh năm 1992 và được trao tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993. Giờ thì anh đã “Một mai nằm xuống bao la/Buồn ơi, chào nhé! Khóc òa vầng trăng”.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7.2.1952, quê Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội; là con trai nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Giác. Năm 1969, Hoàng Nhuận Cầm học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; đến năm 1971 nhập ngũ vào binh chủng Phòng không –Không quân. Ông từng chiến đấu tại các mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; đến năm 1976 giải ngũ về, tiếp tục học đại học. Năm 1981, ông về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam và từng là Phó giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam.
Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng và đoạt nhiều giải thưởng văn học với các tập thơ: Thơ tuổi 20 (1974); Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983); Xúc xắc mùa thu (1992); Thơ với tuổi thơ (2004); Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (2007); 36 bài thơ tuyển chọn (2008). Ông đã viết một số kịch bản phim: Lầm lỗi; Đằng sau cánh cửa; Đêm hội Long Trì; Hà Nội- mùa đông năm 1946; Pháp trường trắng; Ai lên xứ hoa đào; Đoạn trường chiêm bao; Nhà tiên tri; Mùi cỏ cháy.
Ông được trao giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1972-1973; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993 cho tâp thơ Xúc xắc mùa thu; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2012. Ông hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội.
Hoàng Nhuận Cầm còn nổi tiếng với nhân vật "Bác sĩ Hoa súng" trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và vai nhà thơ trong phim Số đỏ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.