Hoang phí 'đất vàng': 'Chết yểu' trên đất vàng nội đô Hà Nội

16/11/2022 06:03 GMT+7

Ngay tại nội đô Hà Nội , thật khó tin khi vẫn còn những lô đất hàng nghìn mét vuông, có cả công trình xây dựng dang dở, nhưng bỏ hoang cả chục năm qua.

Bỏ hoang hơn 5.000 m2 tại quận trung tâm

Theo quy hoạch 1/500 ban hành năm 2000, lô đất có diện tích hơn 5.000 m2, ký hiệu là B2 ở P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, với chức năng là cơ quan, văn phòng, mật độ xây dựng 24%, tầng cao trung bình là 3,5 tầng. Năm 2004, UBND TP.Hà Nội có quyết định cho Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị - nay là Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị UDIC (gọi tắt UDIC) thuê toàn bộ lô đất B2 với mục đích xây dựng trụ sở văn phòng các đơn vị thành viên. Thời hạn thuê đất là 30 năm.

Lô đất B2 được giao cho UDIC nhưng bị bỏ hoang gần 20 năm

Đáng chú ý, theo quyết định cho UDIC thuê đất nêu rõ sau khi ký hợp đồng mà không thực hiện thì cơ quan chức năng sẽ lập hồ sơ trình UBND TP.Hà Nội thu hồi quyết định về việc cho thuê đất. Nhưng đến nay, sau gần 20 năm, lô đất B2 vẫn bỏ hoang, quây tôn xung quanh. Giới đầu tư bất động sản nhìn nhận, khu đất có tiềm năng lợi thế sinh lời rất lớn, nhưng thật đáng tiếc, “đất vàng” bị hoang phí đã gần 2 thập niên.

Công trình tòa nhà Apex Tower bỏ hoang trên khu “đất vàng” ở ven đường Phạm Hùng

LÊ QUÂN

Theo thông tin từ UDIC, đơn vị này đã nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy hoạch được duyệt là xây dựng công trình trụ sở tổng công ty và các đơn vị trực thuộc. TP.Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ, đang thẩm định. Sau khi được phê duyệt, UDIC sẽ triển khai theo dự án được duyệt, không bán cho đơn vị khác.

“Chết yểu” trên đất vàng

Công trình Habico Tower - tòa tháp đôi Habico tại 288 Phạm Văn Đồng, Q.Bắc Từ Liêm, được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 5.000 m2 cũng bỏ hoang hơn 10 năm khi đang xây dựng dở dang. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Hải Bình và Tập đoàn Dongriwon Development (Hàn Quốc) với tổng số vốn dự kiến gần 5.000 tỉ đồng.

Dự án có quy mô 2 tòa tháp với chiều cao gần 180 m gồm 4 tầng hầm và 36 tầng nổi là trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng, nhà ở cao cấp… Dự án từng gây sốc mạnh khi chào bán thị trường bất động sản năm 2011 với mức giá khoảng 4.000 USD/m2 sàn chung cư, đưa tổng giá trị căn hộ đắt nhất là 85 tỉ đồng/căn; căn hộ ít tiền nhất cũng lên đến 21 tỉ đồng/căn.

Thế nhưng, tháng 5.2011, khi đang thi công tầng 9 với mục tiêu 7 ngày/sàn thì công trường xảy ra sự cố phải dừng lại để giải quyết. Sau đó, giữa hai đối tác có nhiều bất đồng. Đồng thời, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng phát hiện nhiều sai phạm tại công trình xây dựng tháp Habico… Tập đoàn Dongriwon Development đã rút về nước, trong khi Công ty CP Hải Bình không đủ nguồn lực, phải dừng thi công.

Đến nay, công trình mới xây thô đến tầng 9 rồi bỏ hoang, rêu mốc. Có lợi thế về vị trí đắc địa bậc nhất thủ đô, nhưng tổng nguồn vốn ban đầu quá lớn là trở ngại khiến các nhà phát triển bất động sản không dám vào để “hồi sinh” Habico Tower.

Bất động công trình trên đất vàng hiếm có

Nếu như khu “đất vàng” bị UDIC bỏ hoang chỉ lãng phí về đất hay công trình tháp đôi Habico chỉ mới thi công dang dở rồi bỏ hoang, thì xót xa hơn là tại dự án Apex Tower trên ô đất HH3, Khu đô thị Mễ Trì Hạ, Q.Nam Từ Liêm, hoang phí cả về lợi thế vị trí đất và hàng trăm tỉ đồng chi phí xây dựng.

Tòa nhà Apex Tower nằm trên đường Phạm Hùng - cùng tuyến đường Vành đai 3, cách không xa dự án tháp đôi Habico. Đây là tuyến huyết mạch phía tây nam Hà Nội có mức độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều cơ quan, doanh nghiệp lớn đặt trụ sở, lại cách không xa các công trình lớn: Trung tâm hội nghị quốc gia, khách sạn Marriott, Bảo tàng Hà Nội, tòa nhà Keangnam… Với vị trí như vậy, Apex Tower được coi là công trình trên “đất vàng” hiếm có tại Hà Nội.

Apex Tower được khởi công ngày 27.1.2008 trên diện tích đất 2.780 m2; tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 13 triệu USD (khoảng 500 tỉ đồng) do Công ty CP Cavico Việt Nam và Công ty CP tu tạo và phát triển nhà làm chủ đầu tư. Dự kiến, công trình hoàn thành vào năm 2012 với 44.000 m2 sàn xây dựng gồm 27 tầng và 3 hầm, chiều cao tòa nhà khoảng 100 m. Khi đi vào hoạt động, Apex Tower kỳ vọng sẽ cung cấp khoảng hơn 24.000 m2 văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại tiện nghi, hiện đại.

Nhưng đáng tiếc, đến nay công trình Apex Tower vẫn bỏ hoang sau khi xây xong phần thô, lắp kính xung quanh nhưng bên dưới vẫn là gạch, bê tông chưa được hoàn thiện; xung quanh khu đất vẫn quây tôn, chưa có dấu hiệu thi công trở lại.

Ông Lê Văn Bách, 55 tuổi, người dân tại Khu đô thị Mễ Trì Hạ, bày tỏ rất đáng tiếc vì sự hoang phí “đất vàng” và cả công trình hàng chục tầng đã được đầu tư xây dựng trên khu đất có lợi thế thương mại đáng mơ ước. “Dọc đường Phạm Hùng và xung quanh khu vực này có nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng cùng thời điểm, đã đưa vào sử dụng hàng chục năm nay góp phần tạo bộ mặt khang trang đô thị, phát huy giá trị tiềm năng kinh tế mà khu đất mang lại. Nhưng công trình Apex Tower dù đã được xây xong thô, lắp kính phần thân, chỉ còn đầu tư hoàn thiện khối đế, nội thất là đưa vào kinh doanh, mang lại lợi nhuận kinh tế thì dừng lại, bỏ hoang cả một công trình lớn như vậy rất lãng phí”, ông Bách bày tỏ.

Đều từng là những dự án lớn, đình đám

TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN (VNREA), cho biết hai công trình xây dựng dang dở kể trên (Habico Tower và Apex Tower) đều là những dự án lớn, đình đám thời điểm thị trường bất động sản chưa đóng băng ở chu kỳ những năm 2010.

“Đấy là lúc thị trường phát triển rất nóng, bong bóng bất động sản có dấu hiệu nứt vỡ, gây đứt gãy dòng tiền đầu tư nên công trình thiếu nguồn lực để về đích đúng tiến độ. Tôi cho rằng yếu tố chính khiến các công trình xây dựng trên “đất vàng” phải dừng lại, hoang phí cả trăm tỉ đồng đổ vào xây dựng là dòng vốn bất ổn, dẫn đến bất đồng giữa các đối tác hợp tác triển khai dự án. Sau đó là động thái không bơm vốn, rút vốn khiến công trình tê liệt đến bây giờ”, ông Đính nói và cho rằng đây là những bài học kinh nghiệm đau xót khi chủ trương phát triển thiếu tính toán kỹ càng và trong việc chọn chủ đầu tư các dự án của một thời kỳ mà đến hàng chục năm sau chưa khắc phục được.

Theo ông Đính, để hồi sinh các dự án lớn này là điều không dễ do các quan hệ kinh tế rất phức tạp giữa các đối tác. Nhưng về lâu dài, không thể để tồn tại mãi những khối “bê tông rác” sừng sững giữa nội đô Hà Nội. “Cơ quan chức năng cần phát huy vai trò điều phối, đưa ra phương án để các đối tác tại mỗi dự án đàm phán, tìm giải pháp tháo gỡ, đưa công trình vào sử dụng. Trường hợp cố tình bất hợp tác, cần có chủ trương, biện pháp kinh tế kết hợp hành chính để thu hồi dự án, đấu thầu, giao đơn vị khác thực hiện, không thể hoang phí “đất vàng” mãi”, ông Đính đề nghị.

Hoang phí 'đất vàng'

Hoang phí 'đất vàng'

'Bánh vẽ' ở nhiều khu đất vàng ven biển

Nản lòng với 3 dự án siêu 'treo'

Ôm hơn 4 ha 'đất vàng' rồi bỏ hoang

Dự án bị bỏ hoang 17 năm

7 năm địa phương nhận lấy bãi cỏ dại

3,2 ha 'đất vàng' ở Ninh Bình bỏ hoang 2 thập niên

Dự án bị chia nhỏ, bỏ dở sau 12 năm được giao đất

Đất đẹp 'độc nhất vô nhị' bỏ hoang giữa thủ đô

Mặt bằng tiền tỉ bỏ trống vì cơ chế

Để hoang hàng trăm ngàn mét vuông 'đất vàng' vì kiện cáo

Bỏ không hàng nghìn căn hộ tái định cư

Lấy 'đất vàng' xây ký túc xá nghìn tỉ rồi bỏ không

Đất vàng 'treo' giữa thủ phủ phố núi

Dự án 33 triệu USD thành điểm tiêm chích ma túy

Dự án chung cư nghìn tỉ 'ôm đất vàng' rồi bỏ hoang

Hàng trăm héc ta đất mặt biển hoang phí từng ngày

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.