Cuối tháng 12.2017, Chính phủ ban hành Nghị định 151 quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản công và có hiệu lực từ tháng 1.2018. Đây cũng là lúc các đơn vị sự nghiệp công lập ở TP.HCM ráo riết làm thủ tục thanh lý hợp đồng cho thuê mặt bằng với các đơn vị cũ để lập đề án kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (gọi tắt là đề án).
Trần ai lập đề án cho thuê
Trung tâm thể dục - thể thao Q.Phú Nhuận (TP.HCM) có 4 CLB: Bóng đá, Chi Lăng, Rạch Miễu, Thể thao Học đường. Trong đó, CLB Rạch Miễu tọa lạc trên khu đất 15.500 m2, tiếp giáp 2 mặt tiền đường Hoa Phượng và Trường Sa được đầu tư bài bản, thu hút nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, tập luyện của người dân trên địa bàn.
Mặt bằng bên hông nhà hát Bến Thành (trước đây là nhà hàng Phượng Gòn) thuộc Trung tâm văn hóa Q.1 bỏ trống từ năm 2018 đến nay |
Sỹ Đông |
Từ năm 2018 đến nay, đề án của đơn vị phải “làm đi, làm lại”, điều chỉnh nhiều lần vì các vướng mắc trong xác định tiền thuê đất, chi phí khấu hao, hồ sơ pháp lý. Trong khi chờ đề án được phê duyệt, trung tâm phải chấm dứt hợp đồng cho thuê với nhiều đối tác, và mặt bằng hiện đang bỏ trống.
Ở khu vực trung tâm TP.HCM, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao Q.3, nói rằng khi chuyển thành đơn vị tự chủ thì ngân sách nhà nước không “rót” về nữa. Đơn vị phải liên doanh, liên kết để bù đắp chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng và duy trì hoạt động. Dù vậy, đề án của trung tâm chưa được duyệt, nhà nước không cấp bổ sung ngân sách nên ảnh hưởng đến các hoạt động của trung tâm.
Ông Cường cho hay quá trình lập đề án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là xác định tiền thuê đất phải nộp cho nhà nước. Khoản này chỉ cơ quan thuế mới biết, nhưng việc chờ đợi cơ quan thuế phản hồi cũng “vô chừng”, bởi đây không phải là một loại thủ tục hành chính, không quy định bao lâu phải phản hồi, trong khi nếu không xác định được tiền thuê đất thì không thể lập đề án. Dù có đề án mẫu nhưng theo ông Cường, trung tâm chỉ có bộ phận kế toán, không đủ chuyên môn, nghiệp vụ để xây dựng một đề án lớn; hoặc muốn thuê đơn vị bên ngoài cũng chưa thấy tổ chức nào làm dịch vụ này.
“Trung tâm làm dự thảo từ năm 2018 thông qua Phòng Tài chính - Kế hoạch góp ý, UBND Q.3 có văn bản chấp thuận rồi và gửi lên Sở Tài chính nhưng thời gian thẩm định rất lâu. Vừa rồi có văn bản phản hồi nhưng nhiều nội dung trung tâm không nắm được”, ông Cường nói. Do đề án chưa được duyệt nên nhiều mặt bằng của trung tâm chưa thể đưa vào cho thuê, liên doanh, liên kết.
Được phê duyệt cũng khổ
Tại TP.HCM, Trung tâm văn hóa Q.1 là một trong những trung tâm văn hóa, thể thao hiếm hoi được phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết từ sớm và bước đầu phát huy hiệu quả. Cụ thể, trung tâm được phê duyệt đề án từ năm 2018 với 12 vị trí cho thuê.
Lãnh đạo trung tâm cho biết trước đây, việc quản lý, sử dụng mang tính chất tạm thời, thời hạn cho thuê cũng chỉ vài tháng đến nửa năm. Còn sau khi đề án được phê duyệt, trung tâm thuê đơn vị đấu giá, ký hợp đồng với đối tác khai thác mặt bằng từ 3 - 5 năm. Trung tâm không đưa vị trí nào vào mục đích liên doanh, liên kết vì khó xác định tỷ lệ đóng góp của 2 bên.
Cần giao quyền tự quyết mạnh mẽ cho địa phương quyết định những công việc trên địa bàn, như tiền sử dụng đất nên giao cho địa phương cân nhắc, quyết định luôn chứ không nên hỏi ý kiến nhiều nơi dẫn đến kéo dài.
Đại biểu HĐND TP.HCM Trần Quang Thắng
Trong số 12 vị trí được phê duyệt, hiện chỉ 7 vị trí đang cho thuê, số còn lại bỏ trống vì một số vị trí không còn phù hợp hoặc có giá thuê sau thẩm định quá cao. Lãnh đạo Trung tâm văn hóa Q.1 cho biết, tiền thuê đất thường chiếm hơn 50% trong cơ cấu giá thuê mặt bằng khiến giá thuê cao, nhà đầu tư không mặn mà. Đơn cử như mặt bằng nhà hàng Phượng Gòn (rộng gần 300 m2) có giá khởi điểm lên tới gần 120 triệu đồng/tháng, không có doanh nghiệp nào tham gia nên bỏ trống từ năm 2018 đến nay. Còn phòng gym ở lầu 2 rộng khoảng 300 m2 được cho thuê 3 năm, giá thuê 90 triệu đồng/tháng nhưng đối tác cũng chỉ cầm cự được 1,5 năm, và đã thanh lý hợp đồng trước dịch Covid-19. “Các mặt bằng rộng mấy trăm mét vuông, mỗi tháng có thể cho thuê cả trăm triệu đồng, mà hiện bỏ trống, quá uổng”, lãnh đạo trung tâm tiếc nuối.
Một bất cập khác sau khi lập đề án là đơn vị không thể chủ động giảm giá thuê mặt bằng cho phù hợp với giá thị trường, bởi quy định giá cho thuê không được thấp hơn giá thẩm định. Trong khi đó, các đơn vị tư nhân đều giảm 30 - 50% giá thuê mặt bằng để tăng hiệu suất sử dụng trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch Covid-19. Nhìn mặt bằng bỏ trống, lãnh đạo Trung tâm văn hóa Q.1 cũng xót xa bởi kinh phí từ cho thuê mặt bằng là một trong các nguồn thu chính để đơn vị hoạt động. Từ sau dịch Covid-19, viên chức và người lao động của trung tâm giảm nhiều vì chỉ hưởng lương cơ bản, nhiều người nghỉ việc.
Vừa qua, một đối tác đến liên hệ thuê mặt bằng Trung tâm văn hóa Q.1 làm hoạt động khác đề án đã được duyệt, nhưng trung tâm chưa trả lời vì không biết hoạt động này có phù hợp với đề án không, hoặc muốn điều chỉnh sang lĩnh vực khác phù hợp với nhu cầu thị trường liệu có được phép. Do đó, lãnh đạo trung tâm này đề xuất cần có đầu mối hướng dẫn các đơn vị điều chỉnh phương án sử dụng mặt bằng, giao quyền chủ động cho đơn vị để khai thác hiệu quả hơn.
Cần linh hoạt hình thức cho thuê
Đồng tình với việc lập đề án và đấu thầu quyền khai thác mặt bằng ở đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo minh bạch, nhưng đại biểu HĐND TP.HCM Trần Quang Thắng cho rằng nếu nhiều năm liền không thể cho thuê thì cũng cần xem lại quy định, bởi mặt bằng bỏ trống cũng là một hình thức quá lãng phí.
Theo ông Thắng, cần giao quyền tự quyết mạnh mẽ cho địa phương quyết định những công việc trên địa bàn, như tiền sử dụng đất nên giao cho địa phương cân nhắc, quyết định luôn chứ không nên hỏi ý kiến nhiều nơi dẫn đến kéo dài. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng nên xem xét đến yếu tố hài hòa, nếu thu tiền sử dụng đất cao dẫn đến giá thuê cao, mặt bằng bỏ trống thì nhà nước cũng không thu được đồng nào. Việc xem xét giá thuê đất có thể tham khảo thêm ý kiến người dân, chuyên gia, nếu đủ cơ sở thì quyết định.
Lối ra vẫn “tắc”
Hiện toàn TP.HCM có 1.888 đơn vị sự nghiệp công lập với nhiều mô hình, lĩnh vực hoạt động khác nhau. Tại thời điểm ngày 31.12.2017, TP.HCM có 537 đơn vị sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Theo UBND TP.HCM, phần lớn các đơn vị lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao đều có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê để phục vụ hoạt động của đơn vị như: căn tin, bãi giữ xe và các dịch vụ khác phục vụ nhu cầu của người dân, khách đến liên hệ, giao dịch. Dù vậy, việc xem xét, thẩm định, có ý kiến và phê duyệt từng đề án mất rất nhiều thời gian và không kịp thời, tạo áp lực rất lớn cho Sở Tài chính và UBND TP.HCM.
Đối với từng đề án, Sở Tài chính phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị nêu ý kiến về sự cần thiết, sự phù hợp của đề án với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cũng như các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trong khi đó, đa số đề án của các đơn vị đều chỉ đề nghị cho thuê một phần diện tích. Khối lượng công việc lớn nhưng các đơn vị sự nghiệp công lập đều không có chuyên môn sâu, nên các đề án không thể hiện đầy đủ yêu cầu, phải làm lại nhiều lần, nhiều đơn vị chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý, phương án tài chính chưa xác định đầy đủ chi phí như tiền thuê đất, khấu hao tài sản, thuế…
Trước bất cập trên, UBND TP.HCM gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn về việc phân cấp hoặc ủy quyền thẩm định, phê duyệt đề án sử dụng tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, trong phản hồi vào tháng 4.2021, Bộ Tài chính cho rằng luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017 không có quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh phân cấp hoặc ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt đề án nên đề nghị TP.HCM thực hiện theo quy định hiện hành.
Hoang phí 'đất vàng'
Bình luận (0)