Đáng nói hơn, ngân sách nhà nước phải chi tiền tỉ để giữ số “đất vàng” này.
“Đất kim cương” thành “ao nuôi muỗi”
Nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất của TP.Nha Trang, đối diện Quảng trường 2 Tháng 4, một mặt giáp đường biển Trần Phú và một mặt hướng ra đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu đất 48 - 48A Trần Phú được ví là đất “kim cương” ở thành phố biển Nha Trang. Thế nhưng, hàng chục năm nay, khu đất này bị bỏ hoang, trở nên nhếch nhác, cỏ dại mọc um tùm. Phần móng công trình sau nhiều năm tích tụ nước mưa đã xanh màu rêu, hóa “ao tù”. Bên ngoài khu đất được quây tôn cao khoảng 3 m, xung quanh được gắn chi chít biển quảng cáo, rất phản cảm.
Khu đất 48 - 48A Trần Phú bỏ hoang nhiều năm khiến cây cỏ mọc um tùm, thành ao nước đọng |
THẾ QUANG |
Theo hồ sơ, khu đất 48 - 48A rộng hơn 3.642 m2, năm 2003, UBND tỉnh Khánh Hòa giao khu đất này cho doanh nghiệp làm dự án khách sạn, sau đó dự án bị thu hồi. 5 năm sau, Công ty in - thương mại - dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (Công ty in) trúng đấu giá với số tiền gần 222 tỉ đồng. Đơn vị này lập dự án để xây dựng khách sạn 5 sao mang tên Nha Trang Grand Hotel & Residence, nhưng sau đó nhà đầu tư này bị Bộ Công an điều tra, kê biên khu đất vì có sai phạm. Tháng 11.2015, chính quyền thu hồi khu đất này để có kế hoạch cho nhà đầu tư khác, nhưng lô đất bị bỏ hoang cho đến nay.
Do nằm ngay gần quảng trường trung tâm và trung tâm hội nghị của tỉnh, nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Khánh Hòa nên mỗi dịp tổ chức, chính quyền lại cho dán pa nô, treo cờ để che đi vẻ nhếch nhác của khu đất. Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa (đơn vị quản lý khu đất 48 - 48A Trần Phú) cho rằng khu đất này có thể gọi là “vô giá”, bởi vì quỹ đất dọc đường ven biển Trần Phú hiện rất khan hiếm, nhiều khi có tiền cũng không mua được. Nhưng nghịch lý là khu đất đã bỏ hoang nhiều năm, cỏ cây mọc um tùm, nước đọng khiến ruồi muỗi khắp nơi “tụ hội”.
Có khu đất chúng tôi quây tôn để bảo vệ nhưng được vài hôm là kẻ xấu dỡ sạch đem bán. Rồi nghiện hút, kim tiêm la liệt, đặc biệt là tình trạng đổ trộm xà bần, rác thải diễn ra hằng ngày.
Ông Đoàn Quý Dương
Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ (Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa)
Cũng nằm ở đường ven biển đẹp nhất Nha Trang, khu đất 28E Trần Phú là dự án khu phức hợp Golden Gate, do Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang (Công ty Đỉnh Vàng) làm chủ đầu tư. Khu đất rộng hơn 20.000 m2, thuộc phân xưởng cơ điện do Điện lực Khánh Hòa quản lý trước khi giao cho doanh nghiệp. Thế nhưng, sau khi giao cho doanh nghiệp làm dự án và khởi công từ năm 2014, khu đất gần như bỏ hoang đến nay.
Theo hồ sơ, tháng 2.2014, UBND tỉnh Khánh Hòa giao khu đất này cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang để thực hiện dự án Golden Gate. Tuy nhiên, dự án có nhiều sai phạm nên bị Sở Xây dựng Khánh Hòa xử phạt vi phạm hành chính và ngưng thi công. Tám tháng sau, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho Công ty Đỉnh Vàng làm dự án khu phức hợp Golden Gate trên diện tích 14.220 m2.
Khu đất 48 - 48A Trần Phú bỏ hoang nhiều năm khiến cây cỏ mọc um tùm, thành ao nước đọng |
Đến tháng 2.2016, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định giao đất, thuê đất cho Công ty Đỉnh Vàng với tổng diện tích dự án lên tới hơn 20.000 m2. Ngoài ra, tỉnh giao dự án trên cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá, đấu thầu. Để sở hữu mảnh đất nằm ở mặt tiền đường Trần Phú này, Công ty Đỉnh Vàng chỉ phải trả hơn 75 tỉ đồng.
Năm 2014, khi chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư đã triển khai dự án nên bị Sở Xây dựng yêu cầu dừng thi công. Tháng 5.2017, Công ty Đỉnh Vàng bị Thanh tra Sở Xây dựng Khánh Hòa ra quyết định xử phạt 35 triệu đồng do vi phạm trật tự xây dựng. Đến tháng 5.2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí ở dự án trên để điều tra. Liên quan vụ án này, 3 bị can: Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh; Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa bị đề nghị truy tố tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
“Đến bây giờ đã đấu được lô nào đâu”
Ngoài các lô đất “kim cương” dọc đường biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng, hiện TP.Nha Trang còn hàng loạt khu đất có diện tích lớn và vị trí đắc địa do nhà nước quản lý. Ví như trụ sở Kho bạc Nhà nước cũ ở số 26 Hoàng Hoa Thám rộng gần 4.000 m2. Mặc dù trụ sở mới Kho bạc Nhà nước xây dựng hoành tráng trên khu “đất vàng” tại sân bay Nha Trang đã đưa vào hoạt động nhưng vị trí đất trụ sở cũ thì vẫn đang bỏ hoang, lãng phí.
Theo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa, hiện đơn vị đang quản lý 35 khu đất trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất tại TP.Nha Trang với 31 khu đất. Ông Đoàn Quý Dương, Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ (Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa), cho biết các khu đất này đều đã bỏ hoang từ nhiều năm qua, trong đó có nhiều khu nằm ở các vị trí rất đắc địa, được xem như “đất vàng”.
Tuy nhiên, do bỏ hoang đã lâu nên hiện trạng các khu đất đều trong tình trạng hoang phế, cỏ dại mọc um tùm, đặc biệt các khu đất này trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội, hút chích ma túy và là nơi đổ trộm xà bần, rác thải. “Có khu đất chúng tôi quây tôn để bảo vệ nhưng được vài hôm là kẻ xấu dỡ sạch đem bán. Rồi nghiện hút, kim tiêm la liệt, đặc biệt là tình trạng đổ trộm xà bần, rác thải diễn ra hằng ngày. Mặc dù có bảo vệ nhưng cũng không thể trông coi hết được các khu đất rộng lớn”, ông Dương cho hay.
Ông Dương cũng cho biết thêm hiện nay tất cả các khu đất phải đấu giá, tuy nhiên việc đấu giá mất rất nhiều thời gian, phức tạp, phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của nhà nước. Rồi tiếp đến phải báo cáo, làm phương án đấu giá. “Đến bây giờ đã đấu được lô nào đâu. Vừa rồi Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh mới cho thí điểm đấu giá 3 lô nhỏ, mới đang làm hồ sơ, chứ đâu có dễ. Bên trung tâm chỉ quản lý, còn thẩm quyền đấu giá là của UBND tỉnh”, ông Dương nói.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đa số các khu đất này đều có diện tích lớn, tiềm năng nhưng chưa được đầu tư. Không chỉ có đất bỏ hoang gây lãng phí, mà các khu đất này còn có nguy cơ ngốn ngân sách hàng tỉ đồng mỗi năm để thuê bảo vệ. Theo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2017 trở về trước, trung tâm đã khai thác cho thuê một số khu đất nói trên. Số tiền cho thuê được mỗi tháng đủ để cho trung tâm hoạt động bảo vệ các khu đất được an toàn, giảm bớt gánh nặng ngân sách cho tỉnh.
“Cách đây 2 năm, việc thanh tra, kiểm toán yêu cầu trung tâm phải xây dựng kế hoạch khai thác được UBND tỉnh duyệt, nên đã dừng việc cho thuê. Dự kiến trong năm 2022, trung tâm phải chi khoảng 1,5 tỉ đồng để thuê người bảo vệ các khu đất này”, ông Dương cho biết thêm.
Hoang phí 'đất vàng'
Bình luận (0)