Có lẽ nhạc sĩ Trần Hoàn đã cân nhắc đối với ông Tường khi đặt chữ Tâm lên hàng đầu. Chữ Tâm ấy sẽ sinh ra chữ Tình và những chữ "T" khác. Nhạc sĩ Trần Hoàn chỉ nói vắn tắt như thế, ai hiểu sao thì hiểu. Tôi tuy là em ruột của ông Tường nhưng chưa chắc đã hiểu được hết… Và tôi xin bổ sung vài chữ "T" theo chỗ hiểu biết của tôi.
Chữ Thức
Gia đình tôi vốn theo đạo Phật. Hai anh em tôi đều đã quy y với Hòa thượng Thích Đôn Hậu - trụ trì chùa Linh Mụ ở Huế và là Tăng Thống đời thứ 3 của Giáo hội Phật giáo. Thầy Thích Đôn Hậu đặt cho ông Tường pháp danh là Tâm Thức. Thức là sự hiểu biết qua nhiều tầng suy nghĩ trên cả hai trục không gian và thời gian nhằm khám phá hoặc tiến gần đến sự thật.
Xin dẫn một chuyện như sau: Có lần trên tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vỹ ở Sài Gòn trước năm 1975 có bài viết chê vua Duy Tân làm việc lớn mà thất bại (tức kế hoạch khởi nghĩa bất thành năm 1916 ở Kinh đô Huế) vì nghe lời một anh chàng câu ếch. Người mà tác giả bài báo gọi là anh chàng câu ếch ấy là Trần Cao Vân. Nguyên Trần Cao Vân thường giả dạng người đi câu cá trong hồ Tịnh Tâm ở Thành nội Huế để tiện gặp vua Duy Tân mà không bị bọn mật thám của Pháp nghi ngờ. Dưới cái nhìn của phổ thông thì Trần Cao Vân chỉ là một anh chàng câu ếch.
Nhưng trong bài bút ký Thành kính tưởng niệm Trần Cao Vân của Hoàng Phủ Ngọc Tường chúng ta sẽ nhận ra một Trần Cao Vân "với tư tưởng Trung Thiên Dịch, với khẩu hiệu đòi quyền đuổi giặc thương dân, vì dân khởi nghĩa, dầu một mình cũng bày trận, thua trận này bày trận khác, cúc cung tận tụy đến chết mới thôi". Với chữ Thức của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Cao Vân không hề bị nhìn lầm là anh chàng câu ếch mà đã hiển thị tầm vóc lớn lao của một người con dân xứ Quảng Nam địa linh nhân kiệt. Và chữ Thức này không chỉ bắt gặp một lần trong bài viết về Trần Cao Vân mà đã quán xuyến trong hầu hết tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời, hưởng thọ 87 tuổi
Chữ Thơ
Người ta quen gọi Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn nên hầu như quên mất một điều: ông còn là nhà thơ. Ông Tường làm thơ sớm hơn viết văn rất nhiều. Hồi còn là học sinh trung học, ông Tường đã được bạn bè gọi là Dòng sông Thơ. Đó là dòng sông dài nhất âm thầm chảy qua đời ông.
Có người nghĩ rằng đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường, thơ chỉ là nghề chơi tay trái; văn xuôi mới là nghề tay phải. Nhưng không phải như vậy.
Nếu đọc đầy đủ thì sẽ thấy văn ấy, thơ ấy đều là "thứ thiệt" trong đời sống văn học nghệ thuật. Có điều thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường ít xuất hiện ồn ào vì nó cần một chỗ thật tịch mịch trong không gian và trong tâm hồn. Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi chỗ đó là căn nhà ở đời của thơ.
"Mỗi người chỉ thực là chính mình trong căn nhà của nó. Thơ cũng vậy. Thơ cần phải trở về căn-nhà-ở-đời của nó là nỗi buồn. Một quyền của thi sĩ là quyền được buồn".
Và trong căn nhà ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường thực thi quyền được buồn của mình: ông làm thơ không chỉ với những chất liệu quý hiếm cần có trong văn mà còn hơn thế - với những nỗi buồn của tâm sự và thế sự chan hòa vào nhau trong tâm hồn.
Trong tập thơ Người hái phù dung của Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất bản năm 1992 có bài thơ nhan đề là Sinh nhật:
Mai kia tôi về ngủ trên đồi
Nắng rải hoa vàng quanh chỗ tôi
Con chim sơn ca ngày thơ bé
Nó bay về khóc mãi không thôi
Ông nói về Sinh nhật của mình mà sao nghe như một văn ảnh xinh đẹp về cái chết, nên cũng có thể coi đây là bài thơ cuối đời của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Chữ Tài liền với chữ Tai
Là nhà văn, nhà thơ tức là chữ Tài đã được công nhận. Còn chữ Tai ở đây nghĩa đen là Tai biến mạch máu não. Ông bị đột quỵ từ năm 1998 khi đang làm công tác giảng dạy tại Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Từ đó đến nay, chập chờn cơn tỉnh cơn mê thấm thoắt đã 25 năm.
Năm 2021, vào dịp sinh nhật lần thứ 84 của ông Tường, tôi đã tặng ông bài thơ cảm đề:
"Thức suốt đời người viết chữ Tâm
Chữ ấy dường như đã viết xong
Gửi lại dòng Hương lời giã biệt
Một vầng trăng trong vắt lòng sông"
Ngoài ra tôi còn bắt chước người xưa, viết tặng thêm câu đối:
"Cõi Khuê văn vạch đất tầm trời, rót chén rượu đào, giao kết bạn hiền nâng bút ngọc.
Đường kháng chiến đeo sao đội nguyệt, nếm mùi gian khổ, theo chân đồng chí vững lòng son".
Bình sinh ông Tường không đánh giá cao sự viết lách của tôi. Nhưng lúc này vấn đề không phải là văn chương chữ nghĩa mà là những lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ. Thôi nhé! Vĩnh biệt anh.
Bình luận (0)