Hoàng Sa - 40 năm chưa hề đi qua

13/01/2014 14:27 GMT+7

(TNO) 1. Một sáng tháng 5.2011, tôi được tiếp một vị khách lạ. Một hình ảnh tôi không thể nào quên được. Mái tóc bạc trắng. Cái nhìn sâu thẳm. Giọng trầm đầy hoài niệm. Và cái cách ông chào tôi cũng rất lạ: “Chú đã ở Hoàng Sa”.

(TNO) 1. Một sáng tháng 5.2011, tôi được tiếp một vị khách lạ. Một hình ảnh tôi không thể nào quên được. Mái tóc bạc trắng. Cái nhìn sâu thẳm. Giọng trầm đầy hoài niệm. Và cái cách ông chào tôi cũng rất lạ: “Chú đã ở Hoàng Sa”. Đó không chỉ và không đơn giản như một lời chào. Đó là ý chí, tâm thức và cảm xúc chủ quyền được bộc lộ một cách tự nhiên như chân lý tự nó luôn đúng, trong một người Việt, trong một nhân chứng lịch sử Hoàng Sa: nhân chứng Trần Hòa.

Hoàng Sa - 40 năm chưa hề đi qua2

Nhân chứng Trần Hòa - Ảnh do UBND huyện Hoàng Sa cung cấp

Và, cũng một cách rất Quảng, lời giới thiệu của ông Trần Hòa thật mộc mạc. “Sáng nay tập thể dục, nghe đài nói huyện Hoàng Sa đang tập hợp thông tin để viết kỷ yếu Hoàng Sa cho con cháu mai sau không được quên đảo, nên chú về dắt xe máy chạy ra đây, muốn làm điều gì đó cho Hoàng Sa. Cháu nghĩ chú nên làm gì?”.

Và thú thật tôi không ngờ, ngay sáng hôm sau ông đã quay lại, với tập bản thảo đóng góp cho Kỷ yếu Hoàng Sa. Tôi nhìn tiêu đề, “Chim Quốc - Hoàng Sa”, và cầm đọc bản thảo, nét chữ trên bản thảo run lên đến những dòng cuối cùng: “Biển Đông còn dậy sóng bởi mộng bá quyền nước lớn, Hoàng Sa còn nằm trong tay kẻ mạnh hiếp yếu, thì tiếng con chim Quốc trong ta sẽ còn kêu lên dẫu cho rỏ đến giọt máu cuối cùng, hầu nhắc cho thế hệ mai sau rằng: Ta phải về Hoàng Sa”. Tôi biết đêm qua ông không ngủ, và có lẽ với ông, nhiều đêm dài đã qua như thế!

2. Một ngày tháng 6 năm 2012, tôi nhận được email từ một địa chỉ rất lạ; với nội dung rằng, thông qua Trần Đức Anh Sơn (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng), với tấm lòng người con đất Việt, muốn gửi tặng Đà Nẵng 3 atlas và 150 bản đồ của phương Tây và Trung Quốc chỉ rõ từ xa xưa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Hôm sau trên Tuổi Trẻ, thấy hình của anh - Trần Thắng - một người Việt cách nửa vòng trái đất, tôi thấy lòng ấm hơn, tự hào hơn về những người con nước Việt.

Hoàng Sa - 40 năm chưa hề đi qua
Anh Trần Thắng bên Aslat Trung Hoa bưu chính toàn đồ 1933 -
Ảnh do UBND huyện Hoàng Sa cung cấp

Câu chuyện, thật ra cũng rất đơn giản. Tháng 5.2012, khi nghe thông tin tiến sĩ Mai Hồng (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) công bố tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh (Trung Quốc) ấn hành năm 1904, với chi tiết điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, không hề có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trần Thắng tự hỏi lịch sử đã có bao nhiêu sự thật như vậy? Và từ hôm ấy, anh đã âm thầm dành toàn thời gian còn lại của một công dân trong xã hội công nghiệp Mỹ cho một cuộc tìm kiếm sự thật, từ nước Mỹ, đến Anh, Ba Lan và nhiều nơi trên trái đất. Và sự thật như tất cả những gì anh gửi về cho quê hương, Hoàng Sa - Trường Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc, tất cả đều chỉ rõ Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Anh Trần Thắng sinh năm 1970 tại Quảng Ngãi, là cháu ngoại của nhà thơ Tế Hanh. Năm 1991, gia đình anh sang Mỹ định cư. Trần Thắng tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí của Đại học Connecticut và được Công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney tuyển dụng làm việc từ năm 1999 đến nay. Anh Trần Thắng cũng là Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ.

Điều không đơn giản ở chỗ, anh là người Việt Nam, dù ở phương nào, điều kiện nào, anh cũng luôn hướng về đất Mẹ, dù một việc nhỏ nhất, huống gì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, với người một người con xa xứ. Thế nên, dù mắt có thâm sâu vì thiếu ngủ, anh đã trọn tình, trọn nghĩa với đất mẹ Việt Nam.

3. Một buổi chiều tình cờ, tôi rời phòng làm việc để tìm mua một ly cà phê. Anh chủ quán cạnh cơ quan to nhỏ rằng, em ơi, dạo này anh thấy bọn thanh niên choai choai hay đến trước cổng cơ quan em chụp ảnh, hỏi ra mới biết, bọn nó đến để chụp cái biển tên “Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa”. Vâng, thì các em chụp, rồi các em “up” lên facebook, các em “share”, và các bạn em “like”. Rất trẻ, rất thanh niên tính và rất thời đại. Nhưng điều gì khiến các em làm vậy, trong một thế giới mở, vốn vô vàn thông tin, vô vàn mối bận tâm? Những tưởng giới trẻ thời nay chỉ quan tâm những cái “hot”, “khoe”, “chém gió”… nhưng không, họ vẫn tìm về Hoàng Sa ngay cả khi online, và đó là gì nếu không yêu nước, nếu không bận tâm đến chủ quyền Tổ quốc?

4. Một ngày giáp Tết Quý Tỵ 2013, người người hối hả trên những nẻo đường chuẩn bị cho một cái tết đoạn thời khốn khó. Khi đó chúng tôi làm triển lãm các tư liệu của anh Trần Thắng. Cũng chỉ dự tính 500 ghế ngồi cho các anh bộ đội và các em thanh niên, học sinh, sinh viên. Thế mà, từ sáng sớm, hàng ngàn người từ đâu kéo về, ngập cả tiền sảnh Bảo tàng Đà Nẵng, lớp lớp nối dài đến tận cổng ngoài của Thành Điện Hải, mong chờ giờ phút khai mạc, và say sưa tìm hiểu, bàn luận về những bản đồ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Đứng từ xa, tôi cảm nhận được tình cảm thiêng liêng trong lòng người Đà Nẵng khi nhìn những hình ảnh nhóm bạn trẻ rủ nhau “đi off” ở triển lãm này, hay những bậc cha mẹ dẫn dắt con trẻ đến đây, cả gia đình xúm xít, vây quanh những hiện vật, miệng nói, tay chỉ, tìm đến hình hài đất nước trên những chiếc bản đồ… 

Hoàng Sa - 40 năm chưa hề đi qua4
Hàng ngàn người đến Thành Điện Hải chờ xem triển lãm tư liệu về chủ quyền của Việt Nam
trên quần đảo Hoàng Sa - Ảnh do UBND huyện Hoàng Sa cung cấp

Nếu không phải Hoàng Sa thì liệu mấy người tìm đến những nơi này khi năm hết tết đến? Đó là điều gì nếu không phải lòng yêu nước, không phải ý thức chủ quyền, ý chí chủ quyền biển đảo. Thế mới thấy, chủ quyền trong lòng dân, sức mạnh chủ quyền trong nhân dân.

Ngày 19.1.1974, Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bốn mươi năm đã qua - nó có thể dài về thời gian vật chất nhưng, với Hoàng Sa, 40 năm ấy chưa hề đi qua, nó chỉ tố cáo sự phi nghĩa và đốt lên chính nghĩa. Bốn mươi năm hay bốn ngàn năm đi nữa, dân tộc này đã, đang và sẽ không bao giờ khuất phục, nên hồn thiêng Hoàng Sa không ai có thể tước đoạt, vì đó là máu thịt của Tổ quốc ta, Dân tộc ta, Đồng bào Việt Nam ta. Bởi, chủ quyền Tổ quốc Việt Nam là bất biến, là bất khả xâm phạm.

Những mẩu chuyện tôi chia sẻ trên đây, chỉ là một phần của cuộc sống, và là một phần của Hoàng Sa. Việt Nam có hàng chục nhân chứng như thế. Có hàng trăm Trần Thắng như thế. Có hàng triệu thanh thiếu niên như thế - “như cỏ nước Nam”!

                             Đà Nẵng, tháng 1 năm 2014

Lê Phú Nguyện
(Trưởng phòng Công tác thanh niên Sở Nội vụ Đà Nẵng, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa, Ủy viên BCH Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.