Hoang tàn Châu Hương Viên

28/03/2019 06:31 GMT+7

Châu Hương Viên là địa chỉ văn hóa gắn liền với cuộc đời của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, người có công lớn trong sự hình thành và phát triển ca Huế thính phòng. Nhưng hiện tại, ngôi nhà đang chịu cảnh hoang tàn, đổ nát đến đau lòng.

[VIDEO] Đau xót cảnh Châu Hương Viên hoang tàn, đổ nát
Ngày 24.3 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày mất của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (4.4.1961), Câu lạc bộ ca Huế thính phòng đã làm lễ dâng hương tại ngôi nhà chính của Châu Hương Viên, khu nhà vườn mà cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị từng ở. Châu Hương Viên trước đây gồm ngôi nhà cổ và khu vườn rộng, tọa lạc bên sông Hương, tại địa chỉ 355 đường Nguyễn Sinh Cung (thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế). Một chiếc bàn thờ và di ảnh được dựng tạm giữa ngôi nhà đổ nát để dâng hương. Các nghệ sĩ đã trải chiếu ngồi bệt giữa nền để ca lại những bài ca mà cụ Ưng Bình từng sáng tác. Nhiều người đã ngậm ngùi rơi lệ trước cảnh hoang tàn của một địa chỉ thi ca gắn liền với tên tuổi một nhà thơ, danh nhân xứ Huế.
Từ một không gian thơ mộng bên bờ sông Hương, nơi hội tụ của văn nhân, mặc khách, thi đàn của “Hương Bình thi xã” vang bóng một thời, trải qua thời gian không được chăm sóc, gìn giữ, Châu Hương Viên đã rơi vào cảnh hoang phế. Không gian khu vườn bị lấn chiếm chỉ còn lại duy nhất ngôi nhà rường ba gian, hai chái cùng với khu nhà bếp liền kề nhưng đã mối mọt, xuống cấp. Tại ngôi nhà chính, một phần cột kèo ở mái sau đã đổ sập, mái ngói rơi vãi, cỏ cây mọc um tùm…
Nhà thơ Võ Quê dâng hương trước bàn thờ dựng tạm của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị

Mong sớm cứu ngôi nhà

Ưng Bình Thúc Giạ Thị tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877 - 1961), là một vương tôn, con cụ Hiệp Tú Tiểu Thảo Hường Thiết, cháu nội ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh. Ông đỗ cử nhân Hán học (1909), được bổ làm tri huyện, rồi tri phủ, bố chánh Hà Tĩnh, khi về hưu được phong hàm Thượng thư, Hiệp tá Đại học sĩ, từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ (1940 - 1945). Ông là một nhà thơ lớn thời cận đại, đã để lại gần 2.000 bài thơ chữ Việt, Hán và vở tuồng nổi tiếng Lộ Địch (dựa theo Le Cid của nhà văn Pháp P.Corneille). Riêng vở tuồng Tào lao được vận dụng đưa vào 21 làn điệu dân ca Huế đã góp phần lưu giữ hồn Huế. Ông được xem là người có công lớn trong sự hình thành và phát triển ca Huế thính phòng.
Theo nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, con gái út của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, hiện sống tại TP.HCM, Châu Hương Viên trước đây gồm ngôi nhà cổ và khu vườn rộng tọa lạc ở thôn Tây Thượng, ranh giới bên ngoài sát bờ sông Hương. Đây là nơi mà thân sinh của bà dành trọn những tháng ngày sống với thi ca, nghệ thuật sau khi rời quan trường. Năm 1961, sau khi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị mất, Châu Hương Viên do gia đình người anh cả quản lý. Đến năm 1968, người anh cũng vào Sài Gòn nên ngôi nhà hoang phế từ đó. Do không có điều kiện bảo quản nên gia đình đã nhiều lần muốn giao lại cho chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế làm nơi lưu niệm, địa chỉ văn hóa nhưng đến nay mong ước đó vẫn chưa thành hiện thực.
Nhà thơ Võ Quê, người dành nhiều tâm huyết cho ca Huế, cho biết đầu năm 2019, ông đã có dịp ghé thăm vợ chồng nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tại TP.HCM. Trong buổi trò chuyện này, gia đình nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương cho biết họ sẵn sàng giao toàn bộ khu nhà cho tỉnh Thừa Thiên-Huế để làm nơi lưu niệm, xây dựng thành địa chỉ văn hóa cho Huế. Tuy nhiên, do không có điều kiện và cũng chưa có ai đứng ra đặt vấn đề, làm việc một cách nghiêm túc với gia đình.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên-Huế, cũng là người có mặt trong buổi dâng hương tưởng niệm 48 năm ngày mất của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, chia sẻ: “Tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát của ngôi nhà, bản thân tôi cũng thật sự đau lòng. Ngôi nhà còn liên quan đến chủ quyền nên công việc bảo quản, trùng tu không dễ dàng. Sắp tới, Sở Văn hóa - Thể thao sẽ tiến hành khảo sát, làm việc với chính quyền địa phương để xem hồ sơ về hiện trạng của khu nhà đất như thế nào, làm việc với đại diện gia đình để tìm ra phương án thích hợp, khôi phục lại ngôi nhà, sớm xây dựng nơi đây thành địa chỉ văn hóa, nơi sinh hoạt thi ca, diễn xướng ca Huế thính phòng để bảo tồn giá trị văn hóa Huế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.