'Hoàng thân đỏ' Souphanouvong với Việt Nam: Trở thành người chiến sĩ cách mạng

03/09/2022 07:08 GMT+7

Từ căn cứ tại Tuyên Quang , rồi sau này chuyển về H.Lang Chánh, Thanh Hóa (để gần với căn cứ Viêng Say, tỉnh Hủa Phăn, Lào), Chính phủ của Hoàng thân Souphanouvong tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng tham gia vào các đoàn thể yêu nước.

Vượt dãy Trường Sơn sang Việt Nam học tập từ năm 11 tuổi, cậu thiếu niên mang trong mình dòng máu Hoàng gia Lào đã gắn bó và trở thành người bạn thủy chung của Việt Nam. Ông đã cộng tác với lãnh tụ và nhân dân Việt Nam để giải phóng đất nước mình, đặt nền móng xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào. Ông là “Hoàng thân đỏ” Souphanouvong (1909 - 1995).

Bén duyên cùng người đẹp Trung kỳ

Hoàng thân Souphanouvong sinh ngày 13.7.1909 tại Luang Prabang (Lào), ông là con của Phó vương Bun Khong và thứ phi Kham Ouane. Thời niên thiếu, Hoàng thân Souphanouvong theo học tiểu học ở quê nhà. Năm 1920, hơn 10 thiếu niên, chủ yếu là con cháu nhà vua và quan lại quý tộc của Lào, bao gồm Hoàng thân Souphanouvong khi đó mới 11 tuổi đã rời Luang Prabang sang Hà Nội theo học tại trường Albert Sarraut. Năm 1930, ông hoàn thành chương trình tú tài toàn phần và thi đỗ tú tài hạng ưu ở cả hai chuyên khoa Khoa học và Ngữ văn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Hoàng thân Souphanouvong bàn về việc liên minh kháng chiến giữa Việt Nam và Lào tại Hà Nội vào ngày 4.9.1945

Năm 1931, ông lên đường sang Pháp theo học tại Trường trung học Saint Louis, sau đó thi vào Trường đại học quốc gia Cầu đường, Khoa Xây dựng các công trình dân sự tại Paris năm 1934. Sau khi tốt nghiệp đại học và trở về Đông Dương vào năm 1937, Hoàng thân được bổ nhiệm làm việc tại Sở Công chính Nha Trang và tại đây, ông đã gặp người đẹp Trung kỳ Nguyễn Thị Kỳ Nam (được đặt tên Lào là Viengkham Souphanouvong), con gái nhà tư sản Nguyễn Văn Sung, vốn sở hữu tòa khách sạn nơi ông lưu trú khi đến Nha Trang.

Ngày 19.1.1938, Hoàng thân Souphanouvong đã thành hôn với người đẹp Trung kỳ tại Hội trường lớn của thành phố Nha Trang. Không những sinh cho Hoàng thân tới 10 người con (8 trai, 2 gái) mà bà Kỳ Nam còn tiếp tục theo học xong giáo trình thông tấn báo chí qua thư viện và nhận bằng biên tập viên; đầu thập niên 1960, bà còn theo học tại Khoa Kinh tế của Đại học Lomonosov ở Liên Xô và sau được phong hàm giáo sư kinh tế, trở thành người đồng chí, người phụ tá hết sức đắc lực của Hoàng thân trong sự nghiệp giải phóng, giành độc lập cho đất nước Lào.

Cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tháng 8.1945, khi đang ở Vinh (Nghệ An) để phụ trách thi công các công trình cầu cống, đập thủy lợi ở vùng Thanh-Nghệ, Hoàng thân Souphanouvong trực tiếp chứng kiến khí thế cách mạng giành độc lập của người dân VN. Trước tình hình bán đảo Đông Dương có những biến động lớn, trong một lần trả lời phỏng vấn với báo chí về vấn đề: “Khi đất nước Lào được giải phóng, ngài sẽ theo chế độ chính trị nào?”, thì Hoàng thân đã khẳng định: “Tôi sẽ đi theo chế độ chính trị mà nhân dân Lào tự mình lựa chọn”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Souphanouvong (thứ 4 từ trái qua) cùng cán bộ Quân đội Việt - Lào bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào năm 1953

TL

Đầu tháng 9.1945, Hoàng thân Souphanouvong nhận được điện tín của anh trai là Phó vương Phetsarath mời về nước để bàn quốc sự. Chính thời điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Lê Văn Hiến vào Vinh mời Hoàng thân ra Hà Nội để thảo luận về việc liên minh Việt - Lào trong tương lai nhằm chống thực dân Pháp đang âm mưu trở lại. Những ngày ở Hà Nội, Hoàng thân được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón thân thiết như người nhà và cùng nhau bàn bạc công tác chuẩn bị kháng chiến chống thực dân.

Theo cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong (NXB Thông tấn 2007), Hoàng thân từng kể cuộc gặp gỡ đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp ông “học được nhiều điều rất bổ ích”. Đó là một trong những ngày hệ trọng nhất trong cuộc đời của Hoàng thân và ông nhớ nhất lần gặp đó bởi sự kiện này đã biến đổi ông từ một thành viên cấp cao của Hoàng gia Lào trở thành người chiến sĩ cách mạng.

Cảm nhận được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh khát vọng tìm đường cứu dân, cứu nước, Hoàng thân đã trở về nước để lãnh đạo đấu tranh giải phóng nhân dân Lào. Trở về tổ quốc, Hoàng thân đã tham gia Chính phủ Lào Itxala và được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Tổng chỉ huy quân đội. Hoàng thân lấy địa bàn Thà Khẹt để xây dựng chính quyền cách mạng. Và chính tại đây, ông đã chỉ huy lực lượng cách mạng chiến đấu chống lại thực dân Pháp nhưng cuối cùng đã không thành công.

Sau khi thất bại tại Thà Khẹt, đặc biệt là việc Chính phủ Lào Itxala lưu vong tại Thái Lan tuyên bố giải tán, đầu hàng thực dân Pháp, tháng 11.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phái ông Nguyễn Tử Quỳ mang một đội quân bí mật sang đưa Hoàng thân đang điều trị vết thương từ Thái Lan vượt sông Mê Kông trở về Lào, rồi từ Lào sang chiến khu Việt Bắc của Việt Nam, để thảo luận công cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của hai dân tộc.

Ảnh cưới của Hoàng thân Souphanouvong với người đẹp Nguyễn Thị Kỳ Nam năm 1938

Thành lập Chính phủ kháng chiến trên đất Việt

Với sự giúp đỡ của Việt Nam, từ ngày 13 - 15.8.1950, tại thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, H.Yên Sơn, Tuyên Quang, Hoàng thân Souphanouvong tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Lào Itxala với hơn 100 đại biểu thay mặt cho nhân dân các bộ tộc Lào. Đại hội đã đề ra được đường lối, chính sách và cương lĩnh kháng chiến nhằm mở rộng khối đại đoàn kết các bộ tộc, các tầng lớp trong Mặt trận thống nhất trên cơ sở liên minh công - nông. Đại hội đã bầu Hoàng thân làm Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Lào đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào tự do.

Trong Tuyên ngôn Đại hội nêu rõ cuộc kháng chiến chống Pháp nhằm mục đích đấu tranh giành độc lập, thống nhất, xây dựng nước Lào phú cường, thực hiện các quyền tự do dân chủ. Tuyên ngôn kêu gọi các bộ tộc Lào, các lực lượng kháng chiến và các đảng phái chính trị có xu hướng tiến bộ ở Lào đoàn kết đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, đề ra các chủ trương, chính sách về xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị, xây dựng chính quyền và căn cứ địa cách mạng, đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến đấu lâu dài nhằm giải phóng đất nước...

Từ căn cứ tại Tuyên Quang, rồi sau này chuyển về H.Lang Chánh, Thanh Hóa (để gần với căn cứ Viêng Say, tỉnh Hủa Phăn, Lào), Chính phủ của Hoàng thân Souphanouvong tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng tham gia vào các đoàn thể yêu nước. Chỉ trong vòng một năm, mặt trận đã phát triển thêm hàng vạn hội viên, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường thêm vững chắc, mạnh mẽ, làm hậu thuẫn cho Chính phủ kháng chiến Lào.

Cùng với sự hỗ trợ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, Hoàng thân đã trở về tổ quốc trực tiếp lãnh đạo nhân dân Lào chiến đấu chống Pháp, rồi chống Mỹ cho đến ngày giành lại được độc lập tự do hoàn toàn cho đất nước Lào. Đầu tháng 12.1975, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào tuyên bố xóa bỏ vĩnh viễn chế độ phong kiến, tiếp nhận đơn xin thoái vị của vua Lào để thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đại hội đã bầu Hoàng thân Souphanouvong làm Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.