Vào hậu bán thế kỷ 19, trước làn sóng Tây xâm ở châu Á, Đại Nam thất bại trước liệt cường, Nam kỳ trở thành xứ thuộc địa của thực dân Pháp, Bắc kỳ và Trung kỳ thành xứ bảo hộ. Năm 1912, tại Nam kỳ, chính quyền thuộc địa ban bố bộ Hình luật Canh cải; năm 1921, chính quyền bảo hộ ban bố bộ Luật hình An Nam ở Bắc kỳ; năm 1933, chính quyền bảo hộ ban bố bộ Hoàng Việt hình luật ở Trung kỳ.
|
Theo GS. Đinh Khắc Thuân nhận xét: “Hoàng Việt luật lệ là một trong hai bộ luật lớn nhất của Việt Nam, cũng là bộ luật hoàn chỉnh nhất xét trên phương diện lập pháp. Hoàng Việt luật lệ gồm 22 quyển 398 điều, tập hợp các điều luật, rất rõ ràng và phong phú. Trong khi bộ Quốc triều hình luật thời Lê Sơ phân chia các chương mục chưa hoàn toàn thống nhất, thì bộ Hoàng Việt luật lệ được phân chia khá nhất quán lấy cơ sở công việc của Lục bộ ban hành điều luật và xét xử. Bộ luật này được thực thi trong các đời vua nhà Nguyễn đến những năm đầu thế kỷ 20 thì bị thay thế bởi bộ Hoàng Việt hình luật do chính quyền bảo hộ Pháp tại Việt Nam ban hành. Hoàng Việt hình luật có tên gọi bằng tiếng Pháp là Code pénal de l’Annam được in vào năm Bảo Đại thứ 8 (1933), do Trung Kỳ Thừa Thiên Đắc Lập ấn quán xuất bản, Huế 1933”.
Công cụ bảo vệ thực dân Pháp và hoàng triều
Hoàng Việt hình luật (Hán tự: 皇越刑律, Pháp tự: Code pénal de l’Annam) là bộ luật hình sự thi hành ở Trung kỳ năm Bảo Đại thứ 8 (1933), được in ở nhà Đắc-Lập (Huế) bằng ba thứ chữ theo thứ tự trước-sau là Pháp tự, Quốc ngữ và Hán tự. Sách dày 496 trang, gồm 424 điều, chia thành 29 chương, có chỉ Dụ ban bố của Hoàng đế Bảo Đại ngày 3-7-1933 và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương Pasquier ngày 4.7.1933 về việc thi hành. Điều cuối của bộ luật ghi rõ: “Những điều lệ trong luật cũ Nam triều mà có trái với điều lệ trong bản luật này, thời đều nhất thiết đình dụng.” “Nếu trong luật này, mà bản Pháp tự, Quốc ngữ hay Hán tự có sự để ngộ khác nhau, thời chỉ lấy bản Pháp tự là chuẩn đích.”
|
Chương 11 là những quy định về tội xâm phạm đến đức Hoàng đế, Hoàng thân và cuộc trị an của nhà nước. Ví dụ: “Sử dụng binh khí chống nước Đại Pháp […] tội ấy sẽ bị tử hình.” (điều 99) “Người nào dùng những phương lược để làm sự bạo hành mà mục đích cốt để đánh đổ chánh phủ, hoặc thay đổi Hoàng thống bản quốc, hoặc xui dân nổi dậy chống với Đế quyền và người nào xâm phạm đến Thánh thể Hoàng đế đều phải xử tử hình.” “Xâm phạm đến tánh mạng hoặc tôn thể của Hoàng hậu hoặc Hoàng tử, Hoàng nữ cũng xử tội ấy” (điều 100). Nhiều hình phạt nặng nề khác cho nhiều tội danh làm loạn trong nước: chém giết, cướp bóc, phiến động, bãi khóa, đình công, mạ lỵ, hủy báng hoặc hành hung công chức, truyền bá những tin tức giả và tà thuật…
Nói chung, chống lại chính quyền bảo hộ, công cụ thực dân, tay sai và triều đình Huế thì tội nặng là bị xử tử, nhẹ sẽ bị ngục giam hoặc phạt tiền. Sâu xa hơn, Hoàng Việt hình luật là công cụ đàn áp sự phản kháng và các phong trào cách mạng của nhân dân thuộc địa, nhằm bảo vệ quyền lợi của thực dân Pháp. (Còn tiếp)
Bình luận (0)