Dù bị Liên Hiệp Quốc (LHQ) cấm vận, CHDCND Triều Tiên vẫn xây nhà máy đạn dược, bán vũ khí, huấn luyện an ninh cho nhiều nước châu Phi.
Thứ trưởng An ninh nhân dân Triều Tiên Ri Song-chol (phải) trong chuyến thăm Uganda năm 2013 - Ảnh: Nknews.org |
Những hoạt động trên vừa được Ban Chuyên gia (PoE) của LHQ tiết lộ trong một báo cáo công bố hồi đầu tuần. Theo đó, Triều Tiên được cho là hiện có 54 nhà máy sản xuất vũ khí và đã bắt đầu bán công nghệ chế tạo vũ khí từ năm 1996.
Theo trang tin IOL (Nam Phi), Triều Tiên có cả một danh mục để chào mời khách hàng châu Phi, từ hệ thống vũ khí hoàn chỉnh, phụ kiện cho các hệ thống và cơ sở hạ tầng, công nghệ vũ khí, dây chuyền chế tạo vũ khí cho đến dịch vụ bảo trì, sửa chữa, nâng cấp...
Dự án quân sự
Trong báo cáo mới, PoE cho hay giới chức Namibia thừa nhận với các nhà điều tra LHQ rằng nhiều công ty Triều Tiên tham gia không ít dự án ở Namibia, kể cả công trình xây dựng một nhà máy sản xuất đạn dược ở thủ đô Windhoek.
Giới chức Namibia còn xác nhận công ty Triều Tiên Mansudae Overseas Project Group đã tham gia nhiều dự án quân sự, trong đó có một học viện quân sự và công trình xây dựng trụ sở của Bộ Quốc phòng Namibia.
Cũng theo PoE, hồi tháng 8.2105, lao động Triều Tiên có mặt trong các hoạt động xây dựng tại một căn cứ quân sự ở TP.Suider Hof gần Windhoek. PoE nhấn mạnh việc xây dựng bất kỳ nhà máy đạn dược hoặc cơ sở quân sự đều bị cấm theo những nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, theo trang tin VICE News (Mỹ).
Ngoài Namibia, Triều Tiên còn tham gia khâu xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất đạn dược ở TP.Likasi của CHDC Congo, theo cổng thông tin IOL.
Chưa hết, Ethiopia hiện nay vẫn đang mong được Triều Tiên hỗ trợ kéo dài thời gian hoạt động của các hệ thống vũ khí cũ và cung cấp các bộ phận xe tăng và đạn dược. Còn Tanzania cũng từng nhờ kỹ thuật viên quân sự Triều Tiên nâng cấp chiến đấu cơ, nhưng giờ đây đã kết thúc quan hệ này do bị chỉ trích nặng nề và được cho là đã trục xuất những kỹ thuật viên Triều Tiên, theo IOL.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng từng bán các bộ phận tên lửa cho Ai Cập. Báo cáo của PoE chỉ ra rằng sau khi kiểm tra lô hàng gửi từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đến thủ đô Cairo của Ai Cập hồi năm 2013, họ phát hiện có những bộ phận hoặc linh kiện được dùng trong hệ thống tên lửa Scub-B, vốn do Liên Xô phát triển trong thời Chiến tranh lạnh. Các bộ phận này được sản xuất tại Triều Tiên và được chuyển từ Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh theo đường hàng không.
Huấn luyện an ninh
Ngoài các dịch vụ trên, Triều Tiên còn cung cấp dịch vụ huấn luyện cho cảnh sát, quân đội của nhiều quốc gia châu Phi.
Hồi năm 2014, Triều Tiên đã huấn luyện 700 cảnh sát Uganda. Trong báo cáo năm 2015, PoE khẳng định việc huấn luyện này của Triều Tiên là bất hợp pháp, nhưng nó vẫn diễn ra ở Uganda, theo IOL. Còn trong báo cáo năm 2016, PoE cũng chỉ ra rằng giới chức Uganda đã xác nhận 45 công dân Triều Tiên đến nước này tham gia huấn luyện lực lượng bán quân sự hồi tháng 12.2015.
Đáp lại chất vấn của PoE, giới chức Uganda khẳng định việc huấn luyện không vi phạm những nghị quyết nhằm vào Triều Tiên. Trong một bức thư gửi cho PoE, Uganda nói rõ người Triều Tiên tham gia huấn luyện võ thuật, cứu hộ trên biển, hỗ trợ y tế và kỹ thuật xây dựng, theo VICE News.
Không chỉ có Uganda, Zimbabwe cũng nhờ Triều Tiêu huấn luyện cho Bộ Nội vụ, các đơn vị tình báo, do thám. Hồi đầu thập niên 1980, chính Triều Tiên đã huấn luyện đơn vị tác chiến tinh nhuệ của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Trong khi đó, Nigeria vẫn trả tiền cho quân nhân tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng bảo vệ lãnh đạo ở Triều Tiên, còn các lực lượng vũ trang CHDC Congo từ lâu cũng đã nhận huấn luyện từ Triều Tiên.
Từ những hoạt động nói trên, một số chuyên gia nhận định Triều Tiên trên thực tế đang cung cấp cho các nước châu Phi năng lực thiết lập những khả năng về công nghiệp quốc phòng nội địa. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là yếu tố khiến Triều Tiên không còn nhiều khách hàng sau này vì một khi tự lo được về khả năng quốc phòng thì những nước châu Phi như Namibia hay Uganda sẽ không còn cần tới Bình Nhưỡng nữa.
LHQ gia tăng trừng phạt Triều Tiên
Khuya 2.3 (giờ Việt Nam), HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết về gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đẩy vừa qua của nước này.
Theo AFP, các biện pháp vừa được thông qua gồm: kiểm soát tất cả hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên; cấm quá cảnh đối với các tàu bị nghi chuyển hàng trái phép đến nước này; cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là vàng, titan, đất hiếm; bổ sung danh sách trừng phạt các cá nhân và công ty có liên quan đến kế hoạch phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng...
Lan Chi
|
Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất
Ngoài lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Triều Tiên còn được cho là rất thành công trong lĩnh vực xuất khẩu nghệ thuật sang châu Phi.
Theo BBC, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Triều Tiên sang châu Phi chính là những bức tượng đồng khổng lồ. Đơn vị chịu trách nhiệm cho sứ mệnh xuất khẩu này là xưởng mỹ nghệ Mansudae ở Bình Nhưỡng, được xem là một trong những trung tâm sản xuất mỹ nghệ lớn nhất thế giới, với nhân sự lên tới 4.000 người.
Trong mấy năm qua, nhiều nghệ nhân và nghệ sĩ của Mansudae đã đến làm việc ở nhiều nước châu Phi như Angola, Benin, Botswana, Chad, CHDC Congo, Guinea Xích đạo, Ethiopia, Senegal, Togo, Zimbabwe, Mozambique... BBC đưa ra dẫn chứng các nghệ nhân Triều Tiên đã xây xong “Đài kỷ niệm phục hưng châu Phi” bằng đồng cao 49 m ở Senegal năm 2010 (ảnh), giúp Mansudae thu về hàng chục triệu USD.
Mansudae cũng đã xây đài tưởng niệm chiến tranh với bức tượng về một chiến sĩ vô danh bằng đồng cao 11 m ở Namibia và điêu khắc một tượng đồng cao 9 m mô tả vị tổng thống đầu tiên của Mozambique Samora Machel (1933 - 1986). Chưa hết, truyền thông ở Zimbabwe còn loan tin Mansudae đã xây xong 2 bức tượng khổng lồ của đương kim Tổng thống nước này Robert Mugabe (sinh năm 1924) để dành tưởng niệm ông khi ông qua đời.
|
Bình luận (0)