Hoạt động tình báo khiến giới ngoại giao Canada rơi vào vùng xám nguy hiểm?

22/12/2023 10:15 GMT+7

Một chương trình thu thập thông tin tình báo của Canada ở nước ngoài bị cho là thiếu biện pháp bảo vệ các nhân viên.

Hoạt động tình báo khiến giới ngoại giao Canada rơi vào vùng xám nguy hiểm?- Ảnh 1.

Ông Michael Spavor (phải) cho rằng mình "vô tình" cung cấp thông tin về CHDCND Triều Tiên cho đặc vụ GSRP Michael Kovrig (trái), khiến cả 2 bị bắt ở Trung Quốc

AFP/AP

Tờ The Guardian ngày 22.12 dẫn một báo cáo vừa công bố cho rằng một chương trình thu thập thông tin tình báo gây tranh cãi của Bộ Ngoại giao Canada hoạt động trong "vùng xám rõ ràng", khiến các nhân viên gặp nguy cơ vi phạm các hiệp ước ngoại giao toàn cầu.

Theo đó, chương trình Báo cáo An ninh toàn cầu (GSRP), một phần quan trọng của công tác an ninh và tình báo hải ngoại của Bộ Ngoại giao Canada, đưa các nhân viên đến những nước bị cho là "thành tích nhân quyền kém".

Chương trình này được sự giám sát chặt chẽ trong những tháng gần đây, sau khi vụ công dân Canada Michael Spavor bị tuyên án gần 3 năm tù giam ở Trung Quốc. Ông Spavor cho rằng mình "vô tình" cung cấp thông tin về CHDCND Triều Tiên cho đặc vụ GSRP Michael Kovrig.

Ông Kovrig sau đó đã chia sẻ thông tin đó với Canada và các đồng minh của nhóm Ngũ Nhãn. Liên minh chia sẻ tình báo Ngũ nhãn gồm 5 nước Anh, Canada, Mỹ, New Zealand và Úc. Hai công dân Canada trên đều bị tuyên án tù giam tại Trung Quốc về hoạt động gián điệp.

Tình báo Ngũ Nhãn: Đặc vụ Ấn Độ có thể liên quan tới vụ sát hại thủ lĩnh người Sikh ở Canada

Cuộc điều tra mới được tiết lộ bởi Cơ quan Đánh giá Tình báo và An ninh quốc gia Canada phát hiện ra rằng các nhân viên không được "đào tạo đầy đủ" và chương trình không đánh giá đầy đủ về rủi ro, cũng như thiếu các giao thức an ninh để bảo vệ họ.

Ngoài ra, chưa rõ liệu tất cả các nhân viên có hiểu rằng một khi họ không còn được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao nữa, quốc gia tiếp nhận có thể tìm kiếm các biện pháp trả đũa đối với họ hay không.

Báo cáo hoàn tất từ 3 năm trước nhưng bị hoãn công bố vì lo ngại các vấn đề nhạy cảm chính trị sau vụ 2 công dân Canada bị giam ở Trung Quốc.

Phía Canada cho biết chương trình này nhằm đem lại "các báo cáo ngoại giao tập trung về các vấn đề an ninh và ổn định ở các quốc gia có lợi ích chiến lược đối với Canada". Những báo cáo này không phải là bí mật và được công khai trong nội bộ bộ ngoại giao và các ban ngành liên quan.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng chương trình này không có sẵn các biện pháp bảo vệ liên quan những mối liên hệ ở nước ngoài và GSRP "dường như không xem trọng các nguy cơ liên quan" những nhân viên phát triển mạng lưới nguồn tin.

Báo cáo còn cảnh báo rằng việc lập một tổ chức tình báo nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao Canada hoặc việc cho phép nhân viên lén lút thu thập thông tin cho GSRP có thể trái với Công ước Vienna về quyền miễn trừ ngoại giao.

Ngoài ra, báo cáo cảnh báo các nhân viên GSRP dựa vào Công ước Vienna như "tấm khiên" cho những hành động của mình, trong khi không tôn trọng những giới hạn về miễn trừ ngoại giao.

Phản ứng về những thông tin trên, Bộ Ngoại giao Canada cho biết cơ quan này tiếp nhận mọi khuyến nghị trong báo cáo và "mọi thứ đều đã hoặc đang được áp dụng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.