Hoạt động vận tải, Nghị định 158 mới ban hành quy định thế nào?

30/12/2024 04:38 GMT+7

Nghị định 158/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1.1.2025 có những điểm đáng chú ý như hợp đồng vận tải hành khách phải được đàm phán và ký kết bằng văn bản trước khi thực hiện vận chuyển giữa doanh nghiệp vận tải hành khách và người thuê vận tải (bao gồm thuê cả người lái xe).

Ngày 18.12.2024, Chính phủ ban hành Nghị định 158/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1.1.2025 quy định về hoạt động vận tải đường bộ, hướng dẫn thi hành luật Đường bộ và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

Luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng Nghị định 158/2024/NĐ-CP ra đời có nhiều điểm mới trong công tác quản lý xe hợp đồng. 

Đáng chú ý, hợp đồng vận tải hành khách phải được đàm phán và ký kết bằng văn bản trước khi thực hiện vận chuyển giữa doanh nghiệp vận tải hành khách và người thuê vận tải (bao gồm thuê cả người lái xe). Cụ thể:

Ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải dán phù hiệu

Điểm b khoản 2 điều 7 Nghị định số 158/2024/NĐ-CP quy định phải có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG" theo mẫu và kích thước theo quy định, được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe. Trường hợp niêm yết bằng thiết bị điện tử phải bảo đảm cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" luôn được bật sáng, kích thước tối thiểu là 6 x 20 cm.

Hoạt động vận tải, Nghị định 158 mới ban hành quy định thế nào?- Ảnh 1.

Luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM

ẢNH: NVCC

Hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi vận chuyển

Xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thì hợp đồng vận tải bằng văn bản phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải, bao gồm thuê cả người lái xe.

Trường hợp xe hợp đồng trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe ngoài hợp đồng đã ký kết; không được bán vé; không được thu tiền ngoài hợp đồng đã ký kết; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.

Đối với xe hợp đồng dưới 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) không cần thực hiện ký hợp đồng vận tải thuê cả chuyến xe, được gom khách lẻ cho chuyến đi.

Lái xe đón, trả khách theo đúng địa điểm đã ký hợp đồng

Theo quy định mới tại Nghị định 158/2024/NĐ-CP, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe ngoài hợp đồng đã ký kết; không được bán vé; không được thu tiền ngoài hợp đồng đã ký kết; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.

Lái xe chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận tải đã ký kết; không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh, trên các tuyến đường.

Khi vận chuyển hành khách, lái xe phải mang theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã ký kết cùng danh sách hành khách có dấu xác nhận của doanh nghiệp kinh doanh vận tải (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử).

Xe vận tải hành khách theo hợp đồng phải mang theo danh sách hành khách

Khi vận chuyển hành khách, ngoài các giấy tờ phải mang theo theo quy định tại khoản 1 điều 56 luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, lái xe còn phải thực hiện các quy định sau:

  • Mang theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử);
  • Mang theo danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử);
  • Trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp;
  • Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm theo danh sách hành khách tối thiểu 3 năm.
Hoạt động vận tải, Nghị định 158 mới ban hành quy định thế nào?- Ảnh 2.

Xe khách chiếm hết làn xe máy trên quốc lộ 1 để đón khách dù (Q.Bình Tân, TP.HCM)

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Quy định chi tiết điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô

Nghị định 158/2024/NĐ-CP quy định, ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định pháp luật.

Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.

Ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe theo quy định.

Ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) và có niên hạn sử dụng không quá 15 năm đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 km, không quá 20 năm đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 km trở xuống.

Ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải có sức chứa từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) và có niên hạn sử dụng không quá 20 năm.

Ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có sức chứa dưới 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm. Không sử dụng ô tô chở người có thiết kế, cải tạo với số chỗ ít hơn 8 chỗ từ ô tô lớn hơn 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.

Ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) có niên hạn sử dụng không quá 15 năm đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 km và không quá 20 năm đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 km trở xuống. Đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm.

Theo luật sư Tuấn, những quy định mới tại Nghị định 158/2024/NĐ-CP đã siết chặt hoạt động vận tải đường bộ. Tuy nhiên, với quy định xe hợp đồng dưới 8 chỗ, luật sư cho rằng không cần phải ký hợp đồng cả chuyến xe mà có thể gom khách lẻ đi ghép, đi chung một chuyến. Đồng thời, cần quy định điểm đi, điểm đến, lộ trình tối đa, tối thiểu và phương thức thu tiền để phân biệt với taxi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.