Học 1 ngành ở 2 trường

17/12/2024 06:05 GMT+7

Một xu hướng đào tạo mới được triển khai ở bậc ĐH gần đây là 2 trường cùng tham gia đào tạo 1 ngành. Sinh viên theo học chương trình đào tạo liên trường này có những trải nghiệm tuyển sinh, đào tạo và bằng cấp riêng.

LẦN ĐẦU CÓ NGÀNH ĐÀO TẠO LIÊN TRƯỜNG

Mô hình đào tạo liên trường này được triển khai thực hiện đầu tiên tại ĐH Quốc gia TP.HCM. Chiến lược phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu có 20 chương trình đào tạo mới liên ngành, liên trường đáp ứng nhu cầu xã hội. Các chương trình này do 2 đơn vị thành viên cùng cấp bằng, trong đó ưu tiên khối ngành khoa học xã hội, kinh tế - luật và công nghệ.

Học 1 ngành ở 2 trường- Ảnh 1.

Sinh viên ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc - ĐH Quốc gia TP.HCM

ẢNH: T.C

Để thực hiện chiến lược này, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở rộng số lượng ngành liên ngành, liên trường trong thời gian tới. Theo đại diện Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện 2 ngành đào tạo liên trường đã được phê duyệt trong năm 2024 gồm: kinh doanh thương mại Hàn Quốc và công nghệ giáo dục. Năm 2025, dự kiến mở thêm 2 ngành bậc ĐH theo chương trình này theo định hướng phối hợp giữa lĩnh vực nông nghiệp với công nghệ thông tin, kinh tế với công nghệ thông tin; một ngành đào tạo sau ĐH kết hợp lĩnh vực khoa học sức khỏe và công nghệ kỹ thuật…

CƠ HỘI NHẬN 2 BẰNG TỐT NGHIỆP

Ngành học theo mô hình liên trường được mở dựa trên sự kết hợp 2 ngành đào tạo từ 2 đơn vị thành viên để tạo thành 1 ngành đào tạo mới. Sau khoảng 5 năm học tập, sinh viên (SV) có cơ hội nhận 2 bằng tốt nghiệp. Không chỉ là sự kết hợp của chương trình đào tạo, ngành học còn có sự phối hợp của 2 trường trong suốt quá trình đào tạo và học kỳ cuối cùng sẽ có luận văn hoặc đồ án mang tính liên ngành.

Chia sẻ thêm về xu hướng mở ngành học liên trường, đại diện Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết định hướng này nhằm tận dụng sức mạnh của các trường trong cùng hệ thống. Cùng với cơ chế vận dụng mô hình thí điểm đào tạo, các ngành học này được mở ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành học liên ngành sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động mang tính liên ngành. "Quan trọng hơn cả là những lợi ích dành cho người học khi tham gia học tập các ngành học được mở theo xu hướng mới này", đại diện Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh.

Năm 2024, kinh doanh thương mại Hàn Quốc là ngành học liên trường đầu tiên được ĐH Quốc gia TP.HCM giao cho Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn phối hợp Trường ĐH Kinh tế - Luật triển khai.

Tiến sĩ (TS) Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trong năm đầu tiên triển khai ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc đã khá thu hút người học. Điểm trúng tuyển phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp môn các khối D đều lấy trung bình 8 - 9 điểm/môn.

Triển khai trong thực tiễn, TS Hạ cho biết ngay từ năm thứ nhất, SV ngành học này đã tham gia việc học tại 2 trường ĐH liên quan đến các học phần kiến thức từ đại cương đến cơ sở ngành và chuyên ngành. Hai trường thống nhất chương trình đào tạo, trong đó phía Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đào tạo khoảng 80 tín chỉ và Trường ĐH Kinh tế - Luật khoảng 60 tín chỉ. Sau khi hoàn tất chương trình, bằng cử nhân do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cấp. Nhưng nếu muốn, SV có thể học thêm khoảng 30 - 40 tín chỉ trong thời gian 1 - 2 học kỳ để nhận bằng thứ 2 của Trường ĐH Kinh tế-Luật.

"Như vậy, trong khoảng 5 năm, SV có cơ hội nhận 2 bằng ĐH từ ngành học liên trường này. Khác với chương trình đào tạo song bằng, SV ngành học liên trường sẽ không vất vả trong việc sắp xếp lịch học cá nhân khi học cùng lúc 2 ngành ở 2 trường khác nhau. Trong khi đó, ngay bằng thứ nhất với sự tích hợp kiến thức 2 lĩnh vực, SV sau tốt nghiệp có thể nhanh chóng thích nghi với thị trường lao động", Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phân tích thêm.

Theo TS Hạ, cần triển khai nhiều hơn các chương trình đào tạo liên trường trong tương lai. Điều này cần thiết để tạo cơ hội việc làm tốt hơn trong bối cảnh hiện nay yêu cầu công việc vừa đòi hỏi kiến thức chuyên sâu vừa kiến thức rộng.

Học 1 ngành ở 2 trường- Ảnh 2.

ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở rộng số lượng ngành liên ngành trong năm 2025

ảnh: Hà ánh

NGÀNH HỌC LIÊN TRƯỜNG ĐÁP ỨNG ĐÒI HỎI THỰC TIỄN

PGS-TS Nguyễn Tuyết Phương, Trưởng khoa Khoa học liên ngành Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết năm 2025 trường bắt đầu tuyển sinh ngành công nghệ giáo dục với chỉ tiêu 80 SV/khóa. Thực hiện chương trình đào tạo này, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đào tạo khối kiến thức về công nghệ thông tin, toán và khoa học tự nhiên. Phía còn lại, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đào tạo kiến thức chuyên sâu về giáo dục. Ngoài ra, hai trường cùng phối hợp đào tạo đối với các học phần cần sự kết hợp của cả hai khối kiến thức giáo dục và công nghệ thông tin.

Theo PGS-TS Tuyết Phương, bằng cử nhân công nghệ giáo dục sẽ do Trường ĐH Khoa học tự nhiên cấp. Người học có thể được cấp văn bằng thứ 2 khi đạt đủ điều kiện tham gia chương trình đào tạo song bằng và tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định trong chương trình đào tạo. Một số ngành học khác, SV có thể tham gia học tại một trong 2 trường để hoàn thành văn bằng thứ 2 như: giáo dục học, kỹ thuật phần mềm…

PGS-TS Phương cho biết ngành công nghệ giáo dục được triển khai trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, nhu cầu về nguồn nhân lực có khả năng tích hợp giáo dục và công nghệ ngày càng gia tăng. Thị trường toàn cầu dự kiến bùng nổ về quy mô và giá trị, trong đó công nghệ giáo dục đóng vai trò chủ chốt. Những xu hướng như học tập trực tuyến, MOOC (khóa học trực tuyến đại chúng mở), trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, thực tế ảo, thực tế tăng cường, và phân tích dữ liệu giáo dục sẽ tạo ra nhu cầu lớn về những chuyên gia hiểu sâu về giáo dục lẫn công nghệ.

Đáng chú ý, theo dự báo từ nền tảng HolonIQ's Global Market Intelligence, thị trường giáo dục toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị 7.300 tỉ USD vào năm 2025, với ngành công nghệ giáo dục chiếm khoảng 404 tỉ USD, gần gấp đôi so với 227 tỉ USD năm 2020. Tại thị trường VN cũng đã và đang chứng kiến sự đầu tư mạnh vào giáo dục công nghệ (EdTech), cho thấy tiềm năng lâu dài và sự cần thiết cao về nhân lực được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này.

"Do đó, ngành học công nghệ giáo dục giúp đáp ứng nhu cầu đó, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục hiện tại của VN trong bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ không những ở VN mà còn trên quy mô toàn cầu", Trưởng khoa Khoa học liên ngành Trường ĐH Khoa học tự nhiên nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.