Học cách kiểm soát cơn giận

18/05/2013 04:00 GMT+7

Gần đây, nhiều phụ huynh tìm đến những khóa dạy cách quản lý cơn giận, với mong muốn thấu hiểu con em mình hơn.

Khóa chặt hay tuôn trào…?

Chỉ trong tháng 4.2013, Nhà thiếu nhi TP.HCM đã tổ chức 4 lớp thực hành kỹ năng “Quản lý sự tức giận và căng thẳng trong việc giáo dục con cái”, với sự hướng dẫn của chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy.

Tại đây, người học có dịp nhận diện và phân tích những kiểu giận dữ của bản thân. Trong đó, 3 kiểu cảm xúc phổ biến nhất là: khóa chặt (thu mình lại, giữ im lặng hoàn toàn); tuôn trào (đe dọa, đập phá, chửi mắng, làm tổn thương người khác); quản lý (duy trì sự bình tĩnh, tập trung vào hành vi chứ không phải con người).


Cơn giận làm mất kiểm soát bản thân - Ảnh: Shutterstock 

Tham gia lớp học trên, chị Thanh Ngọc (36 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) thừa nhận chị rất dễ nổi giận những lúc gặp chuyện không vừa ý trong gia đình - dù rằng ở ngoài xã hội, chị ít biểu lộ sự tức giận hơn. Chị Ngọc kể: “Nhiều khi tức con, tui kêu nó bằng mày. Đứa con chỉnh lại khiến tui giật mình: “Nếu mẹ còn gọi bằng mày thì chú công an bắt mẹ đó!”. Qua nhiều lần, tui nhận thấy hình như phương pháp la mắng con cái không mang lại hiệu quả bằng việc dùng tình cảm trìu mến. Thế nhưng, bạn bè lại cảnh báo trìu mến với con coi chừng con hư. Thật tình, tui không biết làm sao khi con không nghe lời mình!”.

Khác với cái cách “tức là bụp liền” như chị Thanh Ngọc và một số phụ huynh khác tham gia lớp học, ông Tuấn (58 tuổi, ngụ ở Q.Gò Vấp) cho hay: “Những lúc tức giận, tôi thường giữ im lặng hoàn toàn. Bởi tôi thấy hành vi không đúng của “đối tượng” cũng có phần lỗi của tôi trong đó. Tôi im lặng để tìm ra cách giải quyết tốt hơn. Tôi nghĩ rằng, do nhiều năm trước đó tôi đã giải quyết vấn đề không tốt nên phải gánh chịu hậu quả như bây giờ”…

Thay đổi “niềm tin phi lý”

Trước câu hỏi: “Thường khi nào cha mẹ giận dữ với con cái?”, nhiều phụ huynh gần như có chung ý kiến: Đó là những khi đứa con không ngoan và không nghe lời cha mẹ. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy cho rằng, cha mẹ bắt con nhất nhất nghe theo lời mình chẳng khác gì đang “đặt cược đứa con vào sự may rủi cuộc đời”. Bởi lẽ, nếu cha mẹ “ngon lành” thì đứa con noi theo có thể phát triển tốt. Nhưng nếu cha mẹ “có vấn đề” thì nhân cách đứa trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

 

Làm sao luôn giữ đầu óc mình khỏe mạnh cũng như sự hài hước, thoải mái và cởi mở để xử lý những tình huống phát sinh

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy

Dựa vào liệu pháp ABC của nhà tâm lý học Albert Ellis, ông Ngô Minh Uy đưa ra công thức gây giận dữ, gồm: yếu tố kích hoạt (Anger trigger), niềm tin (Belief) và hậu quả (Consequence). Theo ông Uy, cảm xúc tức giận thường bùng phát từ những niềm tin phi lý. Chẳng hạn, khi đứa con bị điểm kém, thay vì tìm nguyên nhân cho hành vi cụ thể đó thì nhiều người vội vã kết luận hoặc “dán nhãn” lên đứa trẻ: “Thằng này không bao giờ nghe lời, không biết quý trọng công sức đầu tư của cha mẹ!”.

Một phụ huynh phản biện: “Con tôi cứ lặp đi lặp lại cái sai, khiến tôi không thể không tức giận. Vậy tôi phải làm sao?”. Ông Ngô Minh Uy giải thích: “Điều quan trọng là thay đổi linh hoạt phương pháp giáo dục cho phù hợp. Nếu đứa trẻ lặp đi lặp lại sai sót thì đó không phải lỗi nữa mà là vấn đề khó khăn về hành vi. Tức giận không giúp đứa trẻ thay đổi hành vi”. Là nhà tâm lý, song ông Uy cũng thừa nhận ông từng có lúc phạm sai lầm trong giáo dục con cái. Ông kể, trước đây thỉnh thoảng ông có đánh con vài roi khi đứa bé mắc lỗi lầm. Một hôm, ông định đánh con thì nghe nó la lên: “Ba đánh đau lắm! Bộ ba không biết đau hả?”. Thế là từ đó, ông Uy thề với lòng mình không bao giờ dùng đến cái roi nữa. Ông bày tỏ: “Tôi đang thử nghiệm nhiều cách giáo dục với con gái mình. Làm sao luôn giữ đầu óc mình khỏe mạnh cũng như sự hài hước, thoải mái và cởi mở để xử lý những tình huống phát sinh”.

“Cha mẹ muốn con mình không có sai sót gì nên mới tức giận, làm nghiêm trọng hóa vấn đề, thậm chí xem đứa trẻ như là một tội phạm khi nó mắc lỗi. Thực ra, sự khỏe mạnh trong tính cách của một con người tích lũy từ những cái đúng lẫn những cái sai, từ cái được lẫn cái chưa được. Nói cách khác, cái sai cũng là yếu tố góp phần tạo nên sự trưởng thành của một con người”, ông Uy nhấn mạnh.

Chuyển hóa cơn giận

Trong cuốn sách Giận, thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng: “Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận thì ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết. Không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây thêm đổ vỡ mà thôi…”. Thiền sư cũng hướng dẫn những bài tập tập trung vào hơi thở, để làm chủ bản thân, thấu suốt căn nguyên cơn giận và chuyển hóa nó theo hướng tích cực.

Nguyễn Như

>> Nóng giận, tù chung thân
>> Nóng giận chết người
>> Một phút nóng giận = 8 năm tù
>> Nóng giận thiệt thân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.