Ai cũng có thể viết đẹp
Tham dự buổi học Từ tốn viết tay, nhiều người bất ngờ vì chỉ luyện tập 8 nét cơ bản, dùng một cây bút nhỏ là có thể viết được chữ đẹp. Đến giờ, Tăng Ngọc Vy (28 tuổi, làm nhân viên kỹ thuật tại TP.HCM) vẫn chưa hết ngạc nhiên khi nhìn vào tờ giấy do mình viết.
Vy chia sẻ: “Là nhân viên kỹ thuật, mình luôn mặc định chữ mình xấu. Cho đến ngày thấy trên mạng truyền tai nhau lớp học về Brush lettering nên mình đến thử. Là người chưa biết gì về thư pháp, chữ xấu thế nhưng sau 2 tiếng luyện các nét cơ bản, mình có thể ngồi trang trí một bức tranh chữ đẹp như in từ máy tính”.
Là nhân viên truyền thông của tập đoàn nước ngoài có chi nhánh tại TP.HCM, Trần Mỹ Liên (31 tuổi, ở TP.HCM) đã tìm đến lớp học Brush lettering như cách thư giãn, giảm stress. “Không có quá nhiều quy tắc, chỉ cần nghiêng bút vẽ 45 độ, rồi thả lỏng cơ tay, cứ theo tốc độ của cây bút, tập tin tưởng vào cây bút của mình, không gò bó. Vậy mà được”, Mỹ Liên chia sẻ.
Theo chị Phạm Hữu Bạch Tùng (25 tuổi, ở TP.HCM), người giảng dạy về Brush lettering, kiểu vẽ chữ thư pháp hiện đại thì: “Ai cũng có thể viết chữ đẹp, chỉ là do người đó chưa dành đủ sự chú ý cho chữ của mình. Có lẽ vì thế mà chữ ngoằn ngoèo, rối rắm. Brush lettering là dung hòa giữa viết tay (hand lettering) và thư pháp (calligraphy). Tuy nhiên, Brush lettering tự do, phóng khoáng hơn thú chơi viết tay vì có thể dùng bất kỳ loại cọ vẽ nào để tạo nên nét chữ đẹp. Chỉ một cây cọ vẽ đơn giản, dùng bất kỳ loại giấy nào cũng được, hơn nữa, tính ứng dụng cao hơn, bạn có thể trang trí cho sách, vở, bưu thiếp, thư tay, thậm chí vẽ tranh chữ tặng bạn bè…. nên nhiều bạn trẻ tìm học”.
Nét chữ, nết người
Qua cách cầm bút, xem chữ, chị Phạm Hữu Bạch Tùng có thể nhận ra tính cách của từng người. “Người hay phân vân, suy nghĩ, khi viết chữ thường không dứt khoát. Những người rộng rãi thì khi viết chữ có nhiều khoảng trống giữa các chữ. Người kỹ tính thì các nét sẽ chỉn chu, hơi cứng nhắc, nghiêm cẩn. Brush lettering thể hiện thế giới, góc nhìn của mỗi người, nên nhiều người dùng nó để 'bói' tính cách”, Bạch Tùng chia sẻ.
Từ tính cách, thông qua việc luyện chữ, mỗi người sẽ thả lỏng mình, cũng hiểu rõ ưu, khuyết của bản thân mà dần dần hoàn thiện. “Nét chữ cứng của người muốn kiểm soát mọi thứ, khi viết sẽ nhanh mỏi tay. Bạn thử viết chậm lại, học cách tin tưởng vào cây bút, để cây bút đi theo tốc độ của nó. Cũng là cách bạn tin tưởng những người xung quanh, những thứ mình tưởng là áp lực, hóa ra do bản thân mình tự tạo ra”, Ngọc Vy chia sẻ.
Kết thúc buổi học viết chữ, nhiều người rời khỏi lớp với khuôn mặt rạng rỡ. “Tôi cảm thấy tự tin hơn về chính mình. Tôi chỉ là kế toán bình thường, suốt ngày làm việc con số cứng nhắc và nghĩ mình thật bình thường. Tôi chẳng có tài năng gì cả. Tôi không biết nói chuyện trước đám đông, không biết kể các chuyện hài làm vui lòng mọi người, tôi không có năng khiếu âm nhạc, chẳng biết đàn hát… nhưng giờ tôi phát hiện ra mình cũng biết vẽ tranh chữ. Tôi có thể vẽ được bức tranh chữ thật đẹp để khoe với mọi người”, chị Nguyễn Ngọc Cầm (26 tuổi, ở TP.HCM) tâm sự.
Chị Phạm Hữu Bạch Tùng chia sẻ thêm về bí quyết viết chữ đẹp: “Viết chữ là dựa vào trí nhớ của cơ tay, nên mình không cần phải suy nghĩ nhiều trước khi viết, cứ đi theo tốc độ của cây bút, vậy là chữ sẽ đẹp. Nhưng muốn luyện được trí nhớ của cơ tay, bạn cần phải luyện tập nhiều lần, lâu dần thành quán tính. Kỹ thuật này ứng dụng cho nhiều loại viết chữ thư pháp khác nhau”.
Bình luận (0)