Người muốn có thân hình gọn gàng và ăn uống ngon miệng thường được khuyến khích chỉ nên lần lượt thay đổi thói quen, chẳng hạn như nếu chọn tập thể dục thì hãy từ từ thay đổi chế độ ăn và ngược lại. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã khẳng định người áp dụng cùng lúc cả hai cách tiếp cận trên đạt được thành công nhất trong nỗ lực thay đổi chính mình, từ trong ra ngoài.
|
Trưởng nhóm nghiên cứu Abby King, giáo sư của Đại học Stanford (Mỹ), và đồng sự đã làm việc với khoảng 200 người ít khi nào vận động, do vậy hầu hết đều bị chứng béo phì. Nhóm người này từ 45 tuổi trở lên và có thói quen ăn uống không lành mạnh, tức không ăn đủ trái cây và rau quả, cũng như thích ăn thực phẩm chứa quá nhiều chất béo động vật đã bão hòa. Theo báo cáo đăng trên chuyên san Annals of Behavioral Medicine, các chuyên gia đã chia những người tham gia thành 4 nhóm. Theo đó, một nhóm được học cách cùng lúc áp dụng những thay đổi về chế độ ăn và tập; nhóm kế thay đổi chế độ ăn trước và sau đó vài tháng bắt đầu chuyển sang điều chỉnh thói quen vận động. Nhóm thứ 3 thì ngược lại, vận động trước và điều chỉnh ăn uống sau. Nhóm cuối cùng được dạy những phương pháp giảm stress, nhưng các chuyên gia không đả động gì đến những chỉ dẫn về chế độ ăn lẫn tập luyện.
Mục đích ban đầu của những người tham gia không phải cố gắng giảm cân, mà chỉ theo đuổi lối sống lành mạnh hơn. Các chuyên gia gặp họ vào đầu năm, sau đó lên lịch hẹn mỗi tháng một lần, nhằm tư vấn và hỗ trợ. Mục tiêu được xác định là làm sao dành ít nhất 150 phút/tuần cho các hoạt động thể dục có cường độ nhẹ, như đi bộ, khoảng 5 phần trái cây/rau quả mỗi ngày và giữ lượng chất béo bão hòa hấp thu qua đường ăn uống ở mức từ 10% trong tổng số calorie hằng ngày hoặc ít hơn.
Kết quả sau 1 năm thật đáng khích lệ. Nhóm thay đổi ngay lập tức thói quen vận động và chế độ ăn đạt được mọi mốc mục tiêu với kết quả tốt nhất, như ăn đủ trái cây và rau quả, giới hạn lượng chất béo bão hòa, và tập thể dục đủ theo chuẩn mà các chuyên gia đặt ra. Trong khi đó, những người chọn tập thể dục trước cũng đạt những mục tiêu về chế độ ăn và tập thể dục, nhưng không tốt bằng nhóm đầu. Còn nhóm chú tâm về chế độ ăn thì lại chẳng đạt được mục tiêu về hoạt động thể chất.
Giáo sư King cho hay diễn biến trên quả thật gây ngạc nhiên, vì các bác sĩ và giới chuyên gia dinh dưỡng thường khuyến khích mọi người chỉ nên thay đổi từ từ, mỗi lần một cách tiếp cận. Bên cạnh đó, dù chẳng theo đuổi mục tiêu giảm cân, một số người vẫn trút bỏ được trọng lượng thừa, và các chuyên gia vẫn tiếp tục phân tích hiệu quả của mặt này. Chuyên gia dinh dưỡng Felicia Stoler tại bang New Jersey thì nhận xét rằng khi bà giới thiệu các phương pháp dinh dưỡng và hoạt động thể chất, các bệnh nhân thường muốn theo đuổi chế độ ăn trước hơn là muốn vận động. Tuy nhiên, khi con người vận động tích cực hơn, họ trân trọng cơ thể của mình hơn và không còn muốn ăn những loại thực phẩm làm xấu vóc dáng nữa.
Tụ Yên
>> Sống lành mạnh ngừa ung thư
>> Sống lành mạnh giúp thọ thêm ít nhất 5 năm
>> Sống lành mạnh giảm 30% nguy cơ ung thư
>> Sống lành mạnh sẽ giảm các nguy cơ suy tim
>> Sống lành mạnh, phương thuốc chống ung thư và bệnh tim
Bình luận (0)