Hơn một tuần sau khi lén lút chơi với nhau qua hàng rào, 2 đứa con trai tôi đã trốn ngủ trưa để đi chơi cùng những đứa trẻ trong làng. Nhìn các con lấm lem bùn đất, tôi chỉ nghĩ đến chuyện cái nhà tắm gạch bông bóng loáng của mình sẽ bẩn thỉu và 1 chậu nước lớn mới có thể tắm giặt sạch cho con mà ức chế.
Những đứa trẻ kia như biết được cái nhíu mày khó chịu của tôi từ đâu, chúng ra dấu cho 2 con của tôi chạy theo xuống phía ruộng lúa dưới nhà. Mặc dầu ở đây gần cả tháng nhưng tôi vẫn chưa dám đi nhiều, nên khi xuống gần tới nơi tôi bất ngờ vì ruộng lúa xanh mát. Đám trẻ dắt 2 con tôi lại một giọt nước ở ngay đầu ruộng, nơi có 5 vòi nước chảy ra.
Nhìn lũ trẻ nhảy nhót dưới dòng nước mát để tắm rửa tôi bỗng thở phào, lúc này hàng xóm xung quanh cũng đi làm ruộng về tập trung tại đây để rửa tay chân. Họ vui vẻ gật đầu chào tôi, chỉ về phía nhà tỏ ý có biết đến hàng xóm mới, do nhà tôi cứ đóng cửa nên mọi người đi ngang qua ngại không dám ghé vào. Nay gặp ở đây, nhìn 2 con tôi đang tắm mát với đám trẻ họ mới dám bắt chuyện, vài mớ rau, một mớ tép và 1 xâu cá rô đồng coi như là quà làm quen.
Từ đó, tôi và người trong làng mới dần dần quen thuộc. Làng nhỏ, nhưng rất ngăn nắp sạch đẹp, nhà nào cũng có hệ thống năng lượng mặt trời, già làng luôn đi kiểm tra nhắc nhở các gia đình phải giữ vệ sinh chung cho làng. Người làng hầu hết là làm nông, nên rất tiết kiệm, mặc dầu nhà ai cũng đã có giếng nước, nhưng đi làm về đều ghé lại giọt nước đầu làng để rửa tay chân và giặt giũ trước khi về nhà.
Nước ở giếng chỉ để nấu nướng, tắm rửa sẽ tiết kiệm được một khoản nhỏ, nhà tôi là nhà công chức, một nhà xay xát gạo ở giữa làng và một nhà buôn bán nhỏ ở cuối làng là có wifi. Người làng đều thuộc pass (mật khẩu) của 3 nhà để mỗi khi chiều tối sẽ tập trung vừa trò chuyện, vừa tranh thủ dùng mạng.
Hàng xóm thân thiện, lại an ninh, nên nhà tôi không còn cảnh cửa đóng then cài như ngày đầu tới ở, 1 bộ bàn ghế đá đặt ngoài sân để bà con ghé sân ngồi chơi. Những đứa trẻ học bạn cách nấu bếp củi, cũng về nhà hăm hở nhờ bố kê gạch làm bếp nhỏ, sẵn tiện nấu thêm ấm nước, hoặc khi cần hầm đồ ăn thì bếp củi rất tiện, hàng xóm thấy có bếp củi nên mỗi lần đi rẫy về lại cho nhà tôi 1 bó củi nhỏ.
Lũ trẻ học bạn mắc võng ngoài sân để ngủ cho mát chứ không chịu vào phòng bật quạt, nước nấu bếp củi, nghịch bẩn thì tự chạy xuống giọt để tắm rửa rồi mới về để tắm tráng ngoài sân. Dường như các con tôi học rất nhanh thói quen tiết kiệm điện của những người hàng xóm, không chỉ vậy, nhờ có bạn chơi cùng nên hai đứa con nhà tôi vừa dạn dĩ lại cai được thói quen nằm cả ngày trong nhà xem ti vi hay dùng điện thoại.
Giữa làng mỗi chiều sẽ họp chợ, cá tép, ốc, rau… những người hàng xóm vẫn nhớ để phần nhà tôi khi thì 1 xâu cá rô vừa 1 dĩa chiên, 1 tép gói lá môn, hay mớ cua, ốc… đáp lại tấm chân tình của người hàng xóm, tôi hay xin thêm bạn bè và lấy quần áo cũ của con để cho lại họ.
Học cách sống tiết kiệm, chan hòa và thân thiện từ người làng như vậy khiến hóa đơn tiền điện nhà tôi bất ngờ giảm xuống gần cả trăm ngàn, không những vậy việc dự định lắp camera trước nhà vì sợ trộm của tôi cũng chẳng còn thiết nghĩ đến nữa.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected] hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)