Học, chơi gốm ngày hè

24/07/2014 03:00 GMT+7

Tranh thủ những ngày hè rảnh rỗi, nhiều bạn trẻ tìm đến những lớp học làm gốm, vừa để học, vừa để thư giãn.

Vừa học vừa chơi

 
Lớp học làm gốm thu hút nhiều học viên tham gia - Ảnh: Hồng Thắm

Học làm gốm cũng giống như một trò chơi với đất sét. Từ đất sét, với sự chỉ dẫn của những kỹ thuật viên, trong khoảng 45 - 60 phút là có thể tạo hình chiếc ly hoặc bình hoa xinh xắn.

Các lớp học làm gốm ở TP.HCM cũng chia thành nhiều phong cách khác nhau cho học viên lựa chọn. Nhưng trên hết, đây là một hình thức để học viên có thể giải trí và tự do sáng tạo.

Hoàng Thị Mai Quý, sinh viên năm 3 Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, luôn bị cuốn hút bởi những vòng xoay và các đồ vật nhỏ nhắn. Quý tình cờ biết đến lớp học làm gốm trên mạng xã hội. Vậy là từ đó đến nay, cứ rảnh là Quý lại đến lớp, dành thời gian và kinh nghiệm để giúp đỡ khách hàng học làm gốm. Quý bây giờ giống như những kỹ thuật viên khác, tận tình chỉ dẫn cho những học viên mới. “Ban đầu mình cũng không biết gì về làm gốm, nhưng sau thời gian gắn bó với lớp thì mình được anh chị chỉ dẫn nhiều. Đây như là một địa chỉ thư giãn quen thuộc của mình những lúc rảnh rỗi”, Quý chia sẻ.

Anh Trương Cao Trí, chủ quán Phố Hand-make (Trần Khánh Dư, Q.1, TP.HCM) - nơi có những lớp học làm gốm, cho biết khách hàng phần lớn là sinh viên và các em nhỏ. Họ tới chủ yếu vì sự hiếu kỳ với những sản phẩm gốm nhỏ lạ mắt như ly, đĩa, bình hoa… Đây cũng là những món quà lưu niệm độc đáo mà nhiều bạn làm để dành tặng bạn bè, người thân.

Không chỉ có giới trẻ, các em nhỏ cũng thường xuyên được gia đình cho tới đây học để có thêm những hiểu biết về văn hóa truyền thống và phát huy sự sáng tạo.

Rèn tính kiên nhẫn

Học làm gốm đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn. Từ khâu nhào đất, tới tạo hình, tô vẽ màu đều cần sự chăm chút mới có thể hoàn thành sản phẩm.

Phạm Thị Trang, sinh viên năm 3 Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, chăm chú đặt tay lên bàn xoay và cẩn thận làm theo hướng dẫn của một kỹ thuật viên. Tuy đã học ở lớp khá lâu nhưng Trang vẫn cảm thấy khó khăn trong việc làm sao để tạo hình những chiếc bình hoa cao, nhỏ. Đã rất nhiều lần Trang thất bại, phải làm đi làm lại mới có thể hoàn thành sản phẩm. Trang cho biết: “Lúc mới tới học, mình mất cả một ngày để hoàn thành một sản phẩm, dù không được đẹp nhưng mình cũng rất vui. Cần phải khéo léo và kiên nhẫn mới có thể làm ra được sản phẩm đẹp mắt”.

Vì muốn kích thích sự sáng tạo và rèn luyện tính kiên nhẫn, mẹ của bé Lily Huỳnh đã cho con đăng ký lớp học làm gốm. “Thấy con tập trung ngồi học, tôi rất vui. Tôi cũng muốn bé học thêm để rèn luyện tính kiên nhẫn”, mẹ của Lily chia sẻ.

Những người nước ngoài cũng bị hấp dẫn bởi các sản phẩm gốm của VN. Anh Leandro Marcelino (người Tây Ban Nha) đã học làm gốm Việt được hơn 1 năm, giờ trở thành một cộng tác viên ở lớp học làm gốm Overland, đồng thời anh còn có riêng một trang web kinh doanh những sản phẩm gốm mình làm ra. Với Leandro, để học làm gốm đòi hỏi phải thật kiên nhẫn, cẩn thận và tập trung.

Hồng Thắm

>> Triển lãm gốm cổ Chămpa - Gò Sành
>> Triển lãm gốm nghệ thuật
>> Đến làng Chăm học cách làm gốm cổ
>> Triển lãm gốm Hành trình của đất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.