Không bó hẹp trong lớp học với kiến thức của sách giáo khoa, hiện nhiều trường tiểu học tại TP.HCM chú trọng trang bị những kiến thức về kỹ năng sống cho học sinh (HS).
Từ nhà ra phố
"Xuống đường học luật giao thông" là một trong những tiết học về kỹ năng sống của Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3). Buổi học bắt đầu khi tất cả HS được chia thành nhiều cụm, ngồi ngay ngắn tại vỉa hè Công viên 30 Tháng 4 nghe các chú cảnh sát giao thông giảng bài. Những bảng hiệu đưa lên, HS không những tìm hiểu quy định mà còn được áp dụng vào thực tế với tình hình giao thông trên đường. Vì thế HS không chỉ trả lời đúng ý nghĩa của từng biển báo mà còn phát hiện ra người đi đường không tuân thủ luật lệ giao thông.
HS của trường này còn được thực tập kỹ năng thoát hiểm phòng sự cố cháy nổ tại trường. Ông Nguyễn Đạt Sử - Hiệu phó nhà trường, cho biết: "Trước ngày tổ chức diễn tập, HS mỗi lớp đều được hướng dẫn sơ đồ thoát hiểm và cùng nhau thảo luận tại sao phải rèn kỹ năng này, khi có tiếng kẻng báo động sự cố thì phải làm gì… Từ đó, HS sẽ nhận thức được khi đến nơi công cộng nếu sự cố xảy ra thì xử trí như thế nào để bảo vệ mình và có thể giúp đỡ người xung quanh…".
|
Để tập cho học sinh kỹ năng tự phục vụ, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) tổ chức tiết học “Thử tài nội trợ”. Lần đầu tiên, HS được sắm vai đầu bếp trổ tài làm món trứng chiên, trứng ốp la, các pha nước chanh, nước cam… nên ai nấy đều háo hức. Nguyễn Hồng Nhung - HS lớp 5 khoe: "Vậy là thích ăn trứng chiên con có thể tự làm mà không phải nhờ mẹ nữa". Cùng học kỹ năng này, HS Trường tiểu học Lương Định Của tập nấu xôi đậu xanh, chiên cơm… Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: "Những ngày sau đó, khi đưa con đến trường, phụ huynh vui mừng phản hồi rằng bé tự biết nấu xôi đậu xanh cho cả nhà cùng ăn, tôi vui vô cùng bởi thấy việc làm của nhà trường thật sự có ý nghĩa".
Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) lại chú trọng đến kỹ năng rèn luyện sức khỏe cho HS bằng cách tạo nhiều trò chơi vận động. Ngoài ra, mỗi năm trường tổ chức một đến hai buổi ngoại khóa để HS có điều kiện đi chơi, quan sát… Còn Ban Giám hiệu Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp) tổ chức những hoạt động giáo dục học sinh bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện, nước, xử lý rác…
Tiếp cận càng sớm càng tốt
Nói về tầm quan trọng của hoạt động giáo dục này, bà Vũ Thị Mỹ Hạnh khẳng định: "Giáo dục kỹ năng sống cho HS không chỉ vì mục đích bảo vệ sức khỏe mà còn nhằm giáo dục hình thành nhân cách, tình cảm, đạo đức của các em... Vì vậy, các trường nên tổ chức giáo dục cho HS tiếp cận ngay từ lớp 1 hoặc nếu có thể thì sớm hơn nữa để các em năng động, biết xử trí trong mọi tình huống…".
Bà Nguyễn Thanh Kỳ Trang - phụ huynh HS Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), phấn khởi: "Qua những tiết học về kỹ năng sống, cháu năng động hơn, biết tự mình làm nhiều việc chứ không còn là đứa trẻ chỉ biết mỗi việc học".
Đề cập đến thực tế hoạt động này, ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD - ĐT TP.HCM, khuyến khích: "Sở ủng hộ và tạo điều kiện để các trường thực hiện. Với thời gian năm học như vậy, hiệu trưởng chủ động sắp xếp thời khóa biểu để tăng cường trang bị kỹ năng sống cho các em. Đừng nên suy nghĩ nhà trường đơn giản chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn phải là nơi giúp các em phát triển nhận thức, trở thành công dân năng động, phù hợp với xã hội hiện nay".
Giáo dục bảo vệ động vật hoang dã cho học sinh
Ngày 22.11, hơn 300 HS Trường tiểu học Phan Như Thạch (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) tham gia buổi ngoại khóa với chủ đề “Chung tay bảo vệ động vật hoang dã” (ảnh). Chương trình do nhà trường phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên - Chương trình Việt Nam tổ chức tại khu du lịch hồ Than Thở. Các HS được tham quan, tìm hiểu về các loài động vật hoang dã cũng như nguy cơ đe dọa tuyệt chủng của các loài này thông qua những mô hình, hình ảnh được trưng bày rất sinh động tại đây. Tin, ảnh: Gia Bình |
Bích Thanh
Bình luận (0)