Hội nghị nhi khoa với các chuyên đề về hô hấp, hồi sức, tiêu hóa, nhiễm... do Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tổ chức diễn ra ngày 24.8 dành cho các bác sĩ đầu ngành khu vực phía nam.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, trong số 51 bệnh nhi bị hóc dị vật đường thở được nội soi phế quản tại bệnh viện này từ 2016 - 2019 chiếm 75% là trẻ dưới 3 tuổi; nam - nữ tỷ lệ 2,2: 1.
Trong số bệnh nhi nói trên, gần 50% là do trẻ bị hóc các loại hạt (nhiều nhất là hạt đậu phộng, hạt dưa, hạt bí) - là những loại hay dùng; kế đến là hóc xương (chiếm trên 29%) và hóc các vật dụng đồ chơi của trẻ.
Theo các bác sĩ, trẻ dễ bị hóc hạt là do vừa ăn vừa cười, đùa giỡn và hạt có tính chất trơn; còn hóc xương là do người lớn chế biến món ăn không kỹ còn sót xương, trong khi trẻ chưa nhai kỹ và chưa biết kiểm tra trước khi ăn.
Trẻ nhập viện với những biểu hiện: sốt, ho, khò khè, khó thở, ho ra máu, tím tái... Phần lớn bệnh nhi được nội soi lấy dị vật trong 24 giờ sau khi nhập viện. Dị vật được tìm thấy chủ yếu ở phế quản.
Trong số 51 bệnh nhi hóc dị vật đó có 1 bé tử vong là do tuyến trước chưa xác định là do hóc dị vật mà chẩn đoán ho khò khè kéo dài, điều trị thuốc kháng sinh không đám ứng.
Bác sĩ khuyến cáo, dị vật đường thở là trường hợp cấp cứu hay gặp ở trẻ em, đe dọa tính mạng trẻ do gây tắc nghẽn đường thở, làm giảm thông khí và thiếu ô xy. Người lớn trông coi, chăm sóc trẻ (nhất là trẻ dưới 3 tuổi) cần cẩn thận.
Bình luận (0)