Ngày 12.7, Tòa trọng tài thường trực LHQ (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý đường lưỡi bò và khẳng định nhiều hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Ngay lập tức, chính quyền, báo giới và đa phần dư luận nước này có những phản ứng hết sức hung hăng, phớt lờ phán quyết và tiếp tục hành động bất chấp luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn có những tiếng nói khách quan, tỉnh táo tại Trung Quốc về Biển Đông mà điển hình là học giả Lý Lệnh Hoa, người lâu nay thường xuyên có bài viết phản bác đường lưỡi bò và kêu gọi tôn trọng UNCLOS.
Mới đây, ông Lý tiếp tục đưa lên mạng xã hội Weibo bài viết khẳng định: “Trung Quốc nên nghiêm túc đối diện trước kết quả phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế”.
Vi phạm luật quốc tế
Trong bài viết, học giả Lý Lệnh Hoa cho rằng ở Biển Đông đang tồn tại hiện trạng mâu thuẫn bấy lâu, khác với những tuyên bố của giới chuyên gia diều hâu ở Trung Quốc rằng “không tồn tại tranh chấp mà chỉ do những nước khác gây chuyện”.
“Tòa trọng tài quốc tế vừa đưa ra phán quyết về Nam Hải (tên gọi Biển Đông ở Trung Quốc, từ đây Thanh Niên sẽ sử dụng từ Biển Đông trong các đoạn trích - NV), các bên đã có phản ứng trái chiều. Mấy chục năm qua, mâu thuẫn giữa các nước tranh chấp về chủ quyền trên khu vực bãi cạn Scarborough và chủ quyền về biên giới biển vẫn luôn tồn tại rõ rệt. Các quốc gia ở khu vực đều là những nước tiếp giáp biển, mâu thuẫn tranh chấp nếu kéo dài, đấu tranh không ngưng nghỉ sẽ gây bất lợi cho phát triển kinh tế và mối quan hệ hữu hảo lẫn nhau của bất kỳ quốc gia nào ở Biển Đông”.
|
Từ đó, ông thẳng thắn phê bình: “Trung Quốc cần phải nghiêm túc và lý tính đối mặt với kết quả mà Tòa trọng tài quốc tế đã tuyên. Ngay từ ngày 15.5.1996, khi chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố đường lãnh hải bao gồm quần đảo Tây Sa (cách Trung Quốc gọi Hoàng Sa - NV) là đã vi phạm quy định của luật quốc tế, và đường cơ sở thẳng để tính lãnh hải Trung Quốc đã được vẽ quá dài. Diện tích quần đảo nhỏ, phạm vi hải vực lại lớn, không đáp ứng được điều kiện để xác định đường cơ sở lãnh hải. Trung Quốc làm như vậy chỉ có làm tổn hại tới uy tín quốc tế của chính mình, làm cản trở hoạt động bình thường của việc phân định biển. Trung Quốc là một nước lớn, lẽ ra cần phải nghiêm túc trong hành động”.
Ông Lý cũng khẳng định: “Phán quyết của tòa đã giúp thúc đẩy luật pháp quốc tế, nhất là luật quốc tế về đường biển, được phát triển và hoàn thiện hơn. Trong đó bao gồm cả việc phân định rõ pháp lý về cả độ cao thấp của mực nước, hải đảo và rạn san hô dưới nước; về điều kiện phân định đường cơ sở lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và ranh giới thềm lục địa... chứ không phải là một “đường lịch sử” chiếm phần lớn Biển Đông”.
Theo cựu thành viên Trung tâm tin tức hải dương Trung Quốc này, UNCLOS là văn kiện có tính toàn diện nhất, hoàn chỉnh nhất về biển trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay. Các nước xung quanh Biển Đông đều đã ký công ước này và vì vậy việc giải quyết tranh chấp liên quan tới Biển Đông tất yếu phải căn cứ vào các quy định và điều khoản luật quốc tế của công ước, chứ không phải căn cứ vào bất kỳ tư liệu gì khác.
Giải thích về chuyện “quay lưng” lại với quan điểm của chính phủ nước mình, ông Lý viết: “Cùng với nhịp đập chung của số phận nhân loại và nhất thể hóa kinh tế toàn cầu, các nước đều cần ổn định chính trị ở Biển Đông và cần tích cực nỗ lực hơn trong việc phân định hàng hải thông qua đàm phán hòa bình, tích cực giải quyết mọi tranh chấp xung đột các loại, cần nhanh chóng biến Biển Đông thực sự trở thành vùng biển của hòa bình, hợp tác và hữu nghị”.
Kiên nhẫn giải thích cho dư luận
Trong bối cảnh phần lớn dư luận Trung Quốc, đặc biệt là cộng đồng mạng, thể hiện tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thậm chí hung hăng về Biển Đông, những bài viết của học giả Lý Lệnh Hoa đều hứng chịu phản ứng dữ dội. Tuy nhiên, trên trang cá nhân của mình, ông vẫn rất kiên nhẫn trả lời từng bình luận của người đọc, hướng dẫn cho độc giả Hoa ngữ thêm nhiều hiểu biết về UNCLOS.
Theo ông, giới chuyên gia Trung Quốc hiện lý luận khá hỗn loạn về vấn đề biển. “Họ thường suy nghĩ vấn đề xuất phát từ tư duy dân tộc chủ nghĩa” và “Công ước biển có tới 320 điều khoản, cần phải tìm hiểu đầy đủ, toàn diện về tinh thần và các điều khoản”, ông viết.
Ông Lý Lệnh Hoa, 70 tuổi, tốt nghiệp Đại học Hàng hải và từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm tin tức hải dương Trung Quốc. Lâu nay, ông viết nhiều bài trên mạng xã hội, khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định đường lưỡi bò là biên giới quốc gia. Trong bài trả lời phỏng vấn Thanh Niên trước đây, ông Lý từng khẳng định: “Trung Quốc là một trong các nước ký kết Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 thì nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh”.
Bình luận (0)