Bài viết Mù chữ vẫn lên lớp 7 đăng trên Báo Thanh Niên ngày 5.12 làm tăng thêm nỗi buồn và sự hụt hẫng về giáo dục nước nhà. Nhưng đau lòng là điều này lại không gây bất ngờ.
Cũng giống như nhiều trường hợp khác mà Báo Thanh Niên đã nêu trong thời gian qua, đây chẳng qua chỉ là do bị phát hiện.
Trên thực tế, với cách dạy và học, kiểm tra như hiện nay và căn bệnh thành tích thì những trường hợp như thế này không phải cá biệt.
Chương trình phổ cập giáo dục tiểu học và THCS lâu nay vẫn chưa đạt hiệu quả vì vẫn còn quá hình thức. Vì sợ ảnh hưởng đến thi đua nên có nhiều địa phương từ ngành giáo dục đến chính quyền tìm mọi cách có được chỉ tiêu đẹp phổ cập. Chính vì thế đã xảy ra tình trạng có những người tuy học phổ cập nhưng không một ngày đến lớp, khi thi thì vắng mặt nên giáo viên phải giải sẵn bài và đem đến tận nhà cho chép!
Cũng trên Báo Thanh Niên trong tháng 10 vừa qua có nêu trường hợp nhiều học sinh (HS) ở xã Trà Tân, H.Bắc Trà My (Quảng Nam) chưa kịp học chương trình lớp 5 đã cho vào học lớp 6. Đây là hệ quả của chủ trương vận động HS lớp 4 ra học hè, xem như là học xong chương trình lớp 5 để năm học sẽ vào thẳng lớp 6. Thực tế, có nhiều HS không học hè nhưng vẫn được xem hoàn thành chương trình lớp 5. Khi những em này không theo kịp chương trình lớp 6, mới vỡ lẽ.
Tôi từng nghe một giáo viên kể lại câu chuyện rất buồn. Rằng anh buộc phải từ chối lời đề nghị dạy thêm với mức lương khá cao cho con gia đình của một dược sĩ sống tại TP.HCM. Bởi khi kiểm tra, anh phát hiện rằng cậu học trò cuối năm lớp 9 ấy đã mất kiến thức căn bản trầm trọng. Thậm chí có những kiến thức ở bậc tiểu học, cậu cũng không biết. Vậy mà HS này vẫn lên lớp đều đặn.
Không ít những giáo viên có lương tâm từng chán nản cho rằng đừng tin vào điểm số của HS trong các kỳ kiểm tra. Họ là những người hoặc nhiều lần chứng kiến hoặc buộc phải thực hiện điều trái tai gai mắt trong các kỳ thi học kỳ. Đó là ép các HS khá giỏi cho những HS yếu xem bài kiểm tra để bạn đạt điểm cao. Hoặc là giáo viên giải bài ngay tại lớp để HS chép vào. Hay tế nhị hơn, khi thấy em nào làm sai thì nhắc nhở, gợi ý HS sửa lại. Vì lẽ đó, điểm 9, 10, đặc biệt ở bậc tiểu học, ngày càng phổ biến.
Tất cả những điều này xuất phát từ lối suy nghĩ làm cho có. Điều gì cũng làm nhưng không làm đến nơi đến chốn. Đó là tư duy xem trọng hình thức. Và còn là do thiếu tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng.
Với những HS này thì dù mang tiếng là có học nhưng xem ra còn tệ hơn thất học. Đó là chưa nói đến việc rồi các em sẽ trở thành những con người như thế nào khi được giáo dục trong một môi trường thiếu những yếu tố căn bản để trở thành người tử tế?
Thuỳ Ngân
Bình luận (0)