Chú trọng phát triển kỹ năng
Với chuyên môn là giáo viên môn địa lý, khi xây dựng tiết dạy chuyên đề về văn hóa ứng xử với môi trường thì thầy Hoàng Phát đã đặt ra tính ứng dụng của môn học mà mình phụ trách. Đòi hỏi học sinh học không chỉ để nhớ, để làm bài kiểm tra mà cần học để biết, biết để làm.
Thầy giáo trẻ của Trường Bùi Thị Xuân đã thiết kế giờ học với mục tiêu không đặt nặng kiến thức, học để lấy điểm. Bằng sự khéo léo của mình, thầy Phát khuyến khích học sinh thực hiện các kỹ năng làm việc nhóm, bày tỏ quan điểm, lập luận, thuyết trình, sử dụng nền tảng công nghệ hiện đại để định hướng cho học sinh biết phải làm gì sau khi tiếp thu kiến thức. Thông qua đó rèn cho học sinh một số thói quen sinh hoạt có ích cho môi trường như hạn chế sử dụng chai nhựa, hộp xốp, ống hút nhựa…
|
Trong tiết dạy của mình, thầy Lê Bá Hoàng Phát đưa ra quan điểm không khuyến khích học trò đưa ra các giải pháp có tính lý thuyết, xa rời với thực tế học sinh TP.HCM mà muốn các em có ý thức bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hằng ngày. Có thể chưa có điều kiện tham gia trồng rừng thì giáo viên đã đưa ra câu hỏi: “Hàng ngày các em có dùng hộp xốp, những vật dụng sử dụng chất liệu nhựa hay không?”. Và từ câu trả lời của học sinh: “Trung bình mỗi tuần em sử dụng hơn 10 hộp xốp khi mua đồ ăn sáng, trưa, có khi tối trước khi đi học thêm…”, thầy Phát đưa ra thông điệp hạn chế sử dụng hộp xốp, nhựa tái chế để bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ sức khỏe của bản thân. Và khuyến khích học sinh kêu gọi bạn bè mình hưởng ứng. Đó là việc làm thiết thực với lứa tuổi học trò trong môi trường hiện tại.
|
Thấy được mối liên hệ giữa kiến thức và thực tiễn cuộc sống
Một học sinh của lớp 10A1 chia sẻ khá thích thú với hình thức học theo chủ đề văn hóa vì giúp học sinh có thể liên hệ kiến thức ở nhiều môn học. Đặc biệt là mối liên hệ giữa kiến thức và thực tiễn cuộc sống. Các hoạt động nhóm không chỉ giúp học sinh trao đổi, chia sẻ kiến thức với nhau mà còn giúp bản thân trưởng thành hơn trong cách nhìn nhận, phân tích và tìm ra biện pháp giải quyết một vấn đề.
Ông Nguyễn Duy Tâm, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết nhà trường đưa chương trình giáo dục văn hóa Việt Nam vào giảng dạy cho học sinh khối 10 và 11 với thời lượng một tiết/tuần.
Tùy theo khối lớp, các giáo viên sẽ xây dựng chủ đề mang tính định hướng tích hợp giáo dục văn hóa, kỹ năng sống như kỹ năng phòng chống xâm hại, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng tránh xa bạn xấu, văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục… Sau khi kết thúc bậc THPT tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, ít nhất mỗi học sinh sẽ được trang bị hơn 30 nội dung về kỹ năng.
Bình luận (0)