Phần tiếp theo của chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học tương lai: kinh tế-ngân hàng-luật" diễn ra vào 15 giờ 20 (ngày 14.1), đại diện các trường ĐH sẽ tiếp tục thông tin với phụ huynh và học sinh về xu hướng phát triển, chương trình đào tạo, học phí, học bổng, cơ hội việc làm... của các ngành học đang có sức hút mạnh với thí sinh các năm gần đây.
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.
Tại chương trình, đại diện các trường ĐH sẽ thông tin năm 2025 đào tạo ngành nào liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân hàng, luật? Thực tế tuyển sinh các năm trước, mức độ quan tâm của thí sinh tới các ngành này cụ thể ra sao? Hiện nay nhiều thí sinh có xu hướng ưu tiên học ngành kinh tế hơn so với các lĩnh vực khác, thí sinh cần tính toán nguyện vọng dựa trên yếu tố nào?
Học sinh cũng sẽ được đại diện các trường đưa ra những lưu ý và lời khuyên về việc lựa chọn ngành học trong khối ngành kinh doanh quản lý – một lĩnh vực đào tạo dẫn đầu số thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều năm liền.
Tham gia chương trình tư vấn có các khách mời:
- PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM;
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó phòng Tuyển sinh, Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing;
- Thạc sĩ Phạm Quang Trường, Phó khoa Kinh doanh và luật Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn;
- Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó giám đốc Gloucestershire VietNam.
Những điểm cần lưu ý xét tuyển ĐH năm 2025
PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, thông tin năm 2025 dự kiến trường giữ ổn định 3 phương thức: tổng hợp điểm học tập và chứng chỉ ngoại ngữ; kết quả kỳ thi đầu vào trên máy tính V-SAT, năm 2025 có 18 trường ĐH ký kết sử dụng kết quả thi này; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó có xét tuyển thẳng và xét điểm tổng hợp và phỏng vấn với chương trình quốc tế. Năm 2025 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có 4 ngành mới: luật học, trí tuệ nhân tạo, kiểm toán và thương mại điện tử.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó phòng Tuyển sinh, Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho hay trường cũng giữ ổn định các phương thức như năm 2024: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng; xét học bạ; kết quả kỳ thi V-SAT; kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Theo thạc sĩ Phạm Quang Trường, Phó khoa Kinh doanh & Luật Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, năm 2025, trường có 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển bằng học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Về điểm chuẩn, theo mức điểm chuẩn của trường năm ngoái, về xét học bạ, điểm trung bình lớp 12 phải đạt tối thiểu 6,0 và tổ hợp môn là 18 điểm trở lên; điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 600/1.200 điểm trở lên; nếu thí sinh dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thì phải đạt 17 điểm trở lên.
Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó giám đốc Gloucestershire VietNam, cho biết Trường ĐH Gloucestershire ký kết chiến lược với Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM (UEF), có các ngành như kinh doanh quốc tế, truyền thông đa phương tiện, quản trị logistics, kế toán tài chính, quản trị khách sạn và du lịch quốc tế... Các chương trình này tuyển sinh 3 phương thức: học bạ lớp 12, điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Từ ngày mai (15.1), chương trình bắt đầu xét học bổng cho thí sinh đăng ký vào các chương trình đào tạo này.
Chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, tích hợp
PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng những năm qua, tỷ lệ sinh viên học kinh doanh thương mại rất lớn trong nhiều năm nay vì đây là nhóm ngành ''hot''. Tất cả doanh nghiệp tổ chức đều có nhu cầu tuyển dụng người học những ngành này. Xu hướng hiện nay, các trường xây dựng chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, tích hợp giữa kinh tế với công nghệ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay Trường ĐH Tài chính-Marketing đào tạo 18 ngành đều liên quan đến kinh tế, kinh doanh, quản trị. TP.HCM sắp tới trở thành trung tâm tài chính nên sẽ có những ngành chiến lược, tiềm năng và bổ trợ. Nhiều ngành mới xuất hiện ứng dụng công nghệ vào từng lĩnh vực cụ thể.
Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó giám đốc Gloucestershire VietNam, cho rằng sự tăng trưởng của doanh nghiệp, đặc biệt sự phát triển của kinh tế số và thương mại điện tử khiến nhu cầu nhân lực tăng cao, thí sinh cũng có tâm lý chọn học những ngành kinh tế. Tuy nhiên các em cần căn cứ vào tố chất, năng lực bản thân, điều kiện tài chính gia đình, sở thích đam mê, xu hướng tuyển dụng... Gloucestershire có thế mạnh về đào tạo kinh tế. Ưu điểm là chương trình nhập khẩu, bằng cấp quốc tế, có cơ hội giao lưu học tập với giảng viên quốc tế nhưng chi phí học tập lại thấp.
Giải đáp băn khoăn của một thí sinh quan tâm đến ngành luật kinh tế quốc tế, thạc sĩ Phạm Quang Trường cho biết, hiện nay, tại Việt Nam cần hơn 30.000 luật sư, đặc biệt là các luật sư có khả năng tranh biện trên thương trường quốc tế. Khi học tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, bên cạnh học các môn liên quan đến chuyên ngành, trường còn đào tạo kỹ năng thực hành (đàm phán, giải quyết tranh chấp thương mại, nghiên cứu pháp lý và tư duy phản biện). Bên cạnh đó, còn có thể kết hợp sử dụng AI trong phân tích pháp lý và đưa ra định hướng tốt hơn trong tương lai.
Để đào tạo sinh viên luật có khả năng tranh biện trên trường quốc tế, 30% các môn học sẽ được dạy bằng tiếng Anh. Sau khi ra trường, sinh viên có khả năng làm việc tại các phòng pháp chế doanh nghiệp; tại các bộ, ban, ngành liên quan đến kinh tế, thương mại; tại các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức thương mại quốc tế; hoặc học lên thạc sĩ, tiến sĩ…
“Với các hiệp định thương mại tự do, cơ hội hội nhập quốc tế, đây sẽ là ngành học có nhiều cơ hội làm việc trong tương lai”, thạc sĩ Trường chia sẻ.
Lựa chọn ngành học phù hợp trong khối ngành kinh tế-ngân hàng-luật
Bạn đọc đặt câu hỏi: '' Bố mẹ em muốn em theo học ngành tài chính ngân hàng tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Tuy nhiên, điểm chuẩn ngành này tại trường các năm trước ở mức khá cao với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu dự thi kỳ thi V-SAT, cơ hội trúng tuyển có cao hơn không?''.
PGS-TS Nguyễn Văn Thụy giải đáp: ''Tài chính ngân hàng là một trong những ngành mũi nhọn cốt lõi của trường. Năm 2024 điểm chuẩn chương trình tiếng Anh bán phần là 24,1 điểm, chương trình chuẩn là 25,47 và song bằng là 24,5 điểm. Ngoài tài chính ngân hàng trường còn có ngành công nghệ tài chính tích hợp 2 lĩnh vực tài chính và công nghệ.
Với kỳ thi V-SAT các em có 8 để thi, tuy nhiên một số trường chỉ thi 7 môn (không có môn văn). Em có thể đăng ký thi các tổ hợp ở các đợt thi khác nhau, khi xét tuyển trường lấy điểm cao nhất. Năm 2024 có 8.000 thí sinh xét tuyển bằng điểm V-SAT''.
Gửi câu hỏi đến chương trình, một thí sinh băn khoăn: '' Em đọc thông tin thấy Trường ĐH Tài chính-Marketing có tuyển sinh mới ngành quản lý kinh tế. Ngành này có gì khác so với các ngành kinh tế khác hiện nay của trường, xét tuyển bằng tổ hợp nào?''.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay năm 2025 trường tuyển 3 ngành mới: Khoa học dữ liệu, kiểm toán và quản lý kinh tế. Ngoài kiến thức về kinh tế, kinh doanh, quản lý thì ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý cũng được trang bị cho sinh viên ngành quản lý kinh tế. Khi tốt nghiệp, các em có thể trở thành nhà quản trị tài chính, quản lý kinh tế hoặc chuyên viên phân tích thị trường, phân tích kinh tế... giúp doanh nghiệp định hình, xây dựng chiến lược phát triển theo từng giai đoạn. Năm 2025 trường xét tổ hợp 3 môn, tuy nhiên lưu ý toán là môn bắt buộc trong mỗi tổ hợp. Hai môn còn lại các em nên chọn các môn có điểm số tốt nhất.
Thí sinh muốn biết thông tin về chính sách học bổng, học phí năm 2025 của Gloucestershire VietNam. Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh cho hay Gloucestershire VietNam luôn cam kết ổn định học phí trong toàn khóa học. Trước khi vào học, các em được tư vấn cụ thể về học phí, học bổng để các em có lộ trình học tập, chuẩn bị nguồn tài chính.
Trường có nhiều chính sách học bổng cũng như ưu đãi các cấp độ 25%, 50%, 100% học phí. Các em có thể dùng kết quả học tập học kỳ 1 lớp 12, hoặc điểm thi tốt nghiệp, điểm đánh giá năng lực, điểm V-SAT để xét học bổng. Đặc biệt điểm IELTS 5.0 trở lên được hỗ trợ tối thiểu 30 triệu đồng và gần như được miễn phí hoàn toàn các trình độ tiếng Anh trong năm đầu tiên.
Phân biệt các chương trình đào tạo
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng giúp các thí sinh phân biệt các chương trình đào tạo của Trường ĐH tài chính-Marketing: Chương trình chuẩn xây dựng trên nền tảng khung của Bộ GD-ĐT và có ý kiến xây dựng của doanh nghiệp. Chương trình định hướng đặc thù có khối ngành du lịch và công nghệ thông tin, đào tạo kiến thức nền tảng ứng dụng. Chương trình đào tạo tích hợp là tổng hợp chương trình đào tạo của quốc tế và học bằng tiếng Anh 20%, sinh viên được đến doanh nghiệp nhiều hơn. Chương trình đào tạo tiếng Anh toàn phần theo định hướng quốc tế đào tạo 100% bằng tiếng Anh, có trao đổi sinh viên quốc tế.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Bá Anh giải thích về các chương trình quốc tế, chương trình du học tại chỗ. Theo thạc sĩ Bá Anh, Gloucestershire VietNam có nhiều ngành nghề về truyền thông, kinh tế, marketing cấp bằng quốc tế có giá trị toàn cầu. Chương trình đào tạo nhập khẩu, giảng viên đến từ Anh quốc và các quốc gia khác nói tiếng Anh. Sinh viên có cơ hội giao lưu quốc tế, tham gia học kỳ quốc tế tại các trường đối tác ở Anh, Hàn quốc, Nhật Bản...
Học khối ngành liên quan đến kinh tế, ngân hàng có cần phải giỏi toán?
Theo thạc sĩ Phạm Quang Trường, trong cuộc sống rõ ràng không thể thiếu môn toán. Thực tế sinh viên rất “sợ” các môn: toán cao cấp, kinh tế - luật và xác suất thống kê. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Trường, sinh viên không nhất thiết phải quá giỏi môn toán khi học các ngành liên quan kinh tế vì đây chỉ là một phần để tư duy. Có những môn học khác cần thiết như: ngoại ngữ, tin học... Bên cạnh đó, những bạn học luật thì cần trang bị kiến thức về lịch sử, văn, xã hội học.
Bình luận (0)