“Em ước được học nghề sớm hơn”
Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là nơi có trên 1.300 học sinh - sinh viên đang theo học các chuyên ngành, trong đó chiềm một tỷ lệ lớn học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề. Là một trường đặc thù, đòi hỏi người học phải có năng khiếu nghệ thuật, rồi từ đó mới bồi dưỡng, trau dồi kỹ năng cho các em, nên người học được đào tạo nghề càng sớm càng tốt. Do đó, hầu hết học sinh hệ trung cấp của trường đều vừa học nghề, vừa học văn hóa. Các em có thể học văn hóa ở trường phổ thông bình thường, vừa học các môn chuyên môn tại trường nghề. Hoặc có thể vừa học nghề, vừa học văn hóa tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Em Nguyễn Hà Trang, học sinh năm thứ nhất hệ trung cấp 3 năm, khoa Thanh nhạc cho biết, 2 năm trước em là học sinh trường THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội). Năm nay, khi chuẩn bị lên lớp 12 thì mẹ đồng ý cho Trang thi vào Trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội và em đã trúng tuyển. Vì muốn thuận tiện cho việc đi học nên Trang đã xin chuyển việc học văn hóa từ Trường THPT Tạ Quang Bửu sang học ngay trong Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Trang nói: “Sau khi vào đây học, em ước được học nghề sớm hơn. Nếu mẹ cho em đi học sớm hơn, từ năm lớp 10, thì em sẽ được tiếp cận với nghề sớm hơn. Giống như các bạn bằng tuổi của em hiện tại, năm sau các bạn ấy sẽ lên cao đẳng được luôn, còn em thì vẫn phải học thêm 2 năm trung cấp nữa”.
Một học sinh khác, Trương Hà Ly, cũng học cùng Trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THCS xong thì con được học múa luôn. Như vậy con được tiếp xúc với múa sớm hơn, tiết kiệm được thời gian hơn so với việc đi học THPT xong mới đi học múa. 3 năm nữa, khi 18 tuổi, nếu muốn, em có thể gia nhập một vũ đoàn nào đó, trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp luôn; hoặc em có thể học thêm 3 năm nữa ở bậc cao đẳng”. Được biết, hiện Ly học K20 hệ trung cấp 3 năm, khoa Sân khấu điện ảnh và múa, Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
|
Sau 4 năm, tuyển sinh tăng gấp hàng chục lần
9+ là một mô hình đào tạo hiệu quả, tiết kiệm thời gian và tiền bạc, mở ra nhiều con đường lập thân lập nghiệp cho giới trẻ, đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, và hiện tại đang được triển khai hiệu quả tại nhiều trường đào tạo nghề. Mô hình này không chỉ mở ra cho các bạn trẻ con đường lập nghiệp sớm mà còn đáp ứng tốt nhu cầu lao động kỹ năng nghề cao của các doanh nghiệp. Các em học sinh chỉ cần tốt nghiệp THCS là đủ điều kiện để tham gia học hệ 9+ tại nhiều trường cao đẳng.
Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Long Biên cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THCS, các em có thể đăng ký ngay chương trình cao đẳng nghề, theo chương trình 9+. Với chương trình này, sau 3 năm, khi tốt nghiệp, các em sẽ nhận bằng cao đẳng. Trong quá trình học cao đẳng, các em sẽ hoàn thiện 4 môn văn hóa. Như vậy, khi được cấp bằng cao đẳng cũng là lúc các em được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa. Như thế, dù mới chỉ 18 tuổi, nhưng với tấm bằng cao đẳng, các em có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. Hoặc nếu muốn nâng cao trình độ, các em có thể học liên thông lên chương trình đại học với 2 năm rưỡi”.
Ông Bùi Hồng Huế, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Xây dựng công trình đô thị cho biết, năm 2017 là năm đầu tiên trường ông bắt đầu tuyển sinh để đào tạo theo mô hình 9+, thì nhiều phụ huynh và học sinh chưa hiểu mô hình này nên trường chỉ tuyển được 20 em. Năm sau, 2018, tuyển được 285 em. Năm 2019 lên đến gần 500 em. Năm nay, con số học sinh học 9+ trường tuyển được rất đông, riêng cơ sở 1 ở Hà Nội tuyển được 527 em trong tổng số hơn 600 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.
Theo NSƯT Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, vừa dạy văn hóa vừa đào tạo nghề là mô hình trường đã thực hiện từ lâu. Khi trường được chuyển sang hệ thống giáo dục nghề nghiệp, do Bộ LĐ-TB-XH quản lý, trường vẫn tiếp tục áp dụng mô hình này. Tuy nhiên, sau mô hình 9+ được chính thức đưa vào luật Giáo dục (ban hành năm 2019) này, học sinh học xong trung cấp nghề không phải thi lên cao đẳng nữa mà được học liền mạch. “Tôi cho rằng mô hình này có lợi thế cho người học, đỡ tốn thời gian. Các trường được chủ động bỏ bớt những kiến thức trùng lặp ở trung cấp với cao đẳng mà vẫn đảm bảo cho học sinh - sinh viên học kiến thức và kỹ năng, đảm bảo ra làm nghề tốt”.
Bình luận (0)