Học nhà Nguyễn cải cách hành chính, chống tham nhũng

13/10/2018 08:43 GMT+7

Theo các nhà nghiên cứu, cải cách hành chính, chống tham nhũng thời Nguyễn cho thấy nhiều bài học đến giờ vẫn có thể áp dụng.

Có 20 báo cáo khoa học tại hội thảo Dấu ấn cải cách hành chính thời Nguyễn - giá trị lịch sử và đương đại ngày 12.10 tại Hà Nội, do Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 tổ chức. “Hầu hết các tham luận đều thừa nhận, đánh giá cao thành tựu cải cách của triều Nguyễn… Tham luận cũng đi sâu phân tích về luật Hồi tỵ - một chính sách ưu việt dưới thời phong kiến và triều Nguyễn trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước, hạn chế tham nhũng, tránh việc lợi dụng mối quan hệ cá nhân để tư lợi”, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), đánh giá.
Chống “cả họ làm quan” và tham nhũng là tội nặng nhất
Hiện nay, luật Cán bộ, công chức và luật Phòng chống tham nhũng quy định lĩnh vực và đối tượng phải thực hiện chế độ hồi tỵ còn rất hẹp. Xây dựng chế tài phải thực hiện theo quy định, phạt nghiêm những cán bộ công chức vi phạm
GS-TS Đặng Xuân Hoan, Học viện Hành chính quốc gia
Luật Hồi tỵ là nội dung được nhắc tới rất nhiều trong hội thảo. Đó là việc nhà Nguyễn quy định rất rõ về việc không cho phép họ hàng, thân thích, người cùng quê, thầy trò, bạn học có thể cùng làm quan ở một nơi. Họ cũng không được làm quan ở quê mình. Nếu ai gặp trường hợp này phải tâu báo lên triều đình để bố trí chuyển đi chỗ khác.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, quy định Hồi tỵ đã có từ thời vua Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, tới thời Nguyễn, vua Minh Mạng đã ban hành những quy định mang tính luật hóa vào chính sách Hồi tỵ vào năm 1822 và liên tục bổ sung vào các năm tiếp theo với phạm vi, đối tượng áp dụng mở rộng hơn, các quy định nghiêm ngặt hơn. Các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình đều áp dụng luật này. Thậm chí, vua còn ban quy định, nếu các quan viên về kinh đô chầu được dự họp, song khi trong họp có bàn việc liên quan địa phương mình nhậm trị thì không được vào dự. Thời vua Thiệu Trị vẫn kế tục thực hành nghiêm luật Hồi tỵ của vua cha.
Ông Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cho biết bài học này hiện chúng ta đang thí điểm và triển khai, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Họ kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài”.
Ông Thống cho biết để kiểm soát quyền lực, nhất là lạm quyền, triều Nguyễn coi tội tham nhũng là tội phạm nghiêm trọng, gây tác hại nhiều mặt cho xã hội cần nghiêm trị. Ông nhắc tới vụ án năm 1826 trong Đại Nam Thực lục ghi về việc Trần Công Trung đòi ăn tiền, làm khó dễ, việc bị phát giác. Nhà vua khi đó nói: “Tang vật của vụ án Trần Công Trung tuy không quá 10 lạng, nhưng luật quý ở chỗ làm cho lòng người sợ hãi, nếu nhu nhơ để sống một mạng ấy thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được”. Vua sai chém Trung ở chợ Đông.
GS-TS Đặng Xuân Hoan, Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng cải cách hành chính hiện nay đang đối mặt với tình trạng bè phái, gia đình, cánh hẩu. “Để giải quyết vấn đề này, cần mở rộng diện và đối tượng áp dụng chế độ hồi tỵ. Hiện nay, luật Cán bộ, công chức và luật Phòng chống tham nhũng quy định lĩnh vực và đối tượng phải thực hiện chế độ hồi tỵ còn rất hẹp. Xây dựng chế tài phải thực hiện theo quy định, phạt nghiêm những cán bộ công chức vi phạm”, ông Hoan nói.
Tuyển chọn người tài
Theo thạc sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Trung tâm lưu trữ quốc gia 4, thì việc tuyển chọn quan lại thời Nguyễn công khai, minh bạch. Ngoài hình thức khoa cử, vua còn tuyển chọn bằng hình thức tiến cử công khai nhằm tìm ra những khả năng tiềm tàng. Chưa kể, người được tuyển chọn cũng phải trải qua một thời gian làm “thí quan”. “Nếu làm tốt họ sẽ được bổ nhiệm làm chính quan, ngược lại nếu làm không tốt họ sẽ bị bãi miễn. Để tránh việc tiến cử bừa tham nhũng và tạo lập phe cánh, vua quy định, nếu quan nào lại tiến cử đúng người tài giỏi thì được triều đình khen thưởng, ngược lại chịu tội rất nặng”, ông Hùng cho biết.
Ông Cao Văn Thống cũng đánh giá cao việc khảo thí cán bộ này. “Có lẽ nên áp dụng bài học “khảo thí” và “khảo khóa” dưới triều Nguyễn, nếu không xứng với chức vụ được giao thì nên cho thôi chức hoặc giáng chức là chuyện bình thường, nhất là trong việc bổ nhiệm lại cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, sẽ khắc phục được cứ bổ nhiệm, cứ ứng cử và sau 5 năm lại bổ nhiệm lại, được giới thiệu ứng cử và lại tái cử như hiện nay”, ông nêu ý kiến.
Ông Thống cho rằng, từ cải cách hành chính triều Nguyễn có thể thấy nguyên tắc “trên dưới liên kết hiệp đồng, trong ngoài kiềm chế lẫn nhau. Chúng ta có thể tiếp thu từ đó việc xây dựng bộ máy kiểm tra, giám sát tinh gọn, có tính độc lập không trùng chéo. Chúng ta cũng có thể tiếp tục việc đối tượng kiểm tra giám sát là toàn bộ cơ quan hành chính và tất cả quan lại, không loại trừ một đối tượng nào. Đó chính là quan điểm đang vận dụng trong công tác giám sát của Đảng và Nhà nước “không có vùng cấm, vùng trắng, không có ngoại lệ”.
Một số cải cách của vua Bảo Đại
Theo bà Nguyễn Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, vua Bảo Đại cũng có những cải cách hành chính có thể kể đến. Cải tổ lớn nhất của vua Bảo Đại là sử dụng chữ Quốc ngữ làm văn tự chính thức trong hệ thống văn bản hành chính nhà nước. Vua Bảo Đại cũng là người cho phép lấy tên danh nhân người Việt đặt tên cho các đường phố vào năm 1945, thay vì trước đó chỉ toàn dùng tên người Pháp. Ông cũng cho phép người lao động An Nam được nghỉ ngày Quốc tế Lao động 1.5 từ năm 1942; cấm sử dụng trẻ em dưới 18 tuổi và phụ nữ làm việc tại các ngành nghề độc hại nguy hiểm…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.