Sinh viên xin giấy xác nhận làm thủ tục vay vốn học tập tại trường ĐH |
Đ.N.T |
Vay vốn học tập từ ngân sách nhà nước tối đa 40 triệu đồng/năm
Theo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên ban hành đầu năm nay, mỗi học sinh - sinh viên được vay vốn học tập tối đa 4 triệu đồng/tháng (tối đa tương đương 40 triệu đồng/năm học 10 tháng).
Theo đó, người học được vay vốn khi là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật, hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật và hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.
Điều kiện vay vốn gồm: Học sinh, sinh viên đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay có đủ các tiêu chuẩn quy định. Người học năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường. Học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.
Cũng theo quyết định này, kể từ ngày kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, học sinh - sinh viên được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.
Cũng trong năm nay, Chính phủ có quyết định về tín dụng đối với học sinh - sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Mức vốn cho vay tối đa là 10 triệu đồng với lãi suất 1,2%/năm, được sử dụng để mua máy tính, thiết bị đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến gồm máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, webcam, microphone.
Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng, với điều kiện cụ thể: là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (có bố hoặc mẹ hoặc bố và mẹ mất do dịch Covid-19).
Học phí, chính sách hỗ trợ tài chính là một trong những thông tin quan trọng thí sinh cần biết trước khi đăng ký xét tuyển |
Đ.N.T, |
Đa dạng nguồn vay từ trường đại học
ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai chương trình vay ưu đãi lãi suất 0% cho sinh viên của ĐH này từ nguồn Quỹ phát triển. Theo đó, sinh viên được vay số tiền tối đa bằng với học phí nhưng không vượt quá 10 triệu đồng/học kỳ và chỉ áp dụng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chính quy văn bằng 1.
Đối với sinh viên lần đầu đăng ký vay, nếu là sinh viên năm nhất phải có giấy xác nhận nhập học của cơ sở đào tạo. Sinh viên từ năm thứ 2 phải có kết quả học tập đạt trung bình khá (tương đương 6.0) trở lên và đạt điểm đánh giá rèn luyện từ 70/100 điểm trở lên. Trong quá trình vay vốn, sinh viên phải cam kết tốt nghiệp trong thời gian quy định của khóa học và chưa tham gia vay ở các tổ chức tín dụng khác. Sinh viên các khóa sau phải đáp ứng các điều kiện như không bị kỷ luật, đình chỉ học tập. Đồng thời, điểm học tập học kỳ gần nhất đạt từ 6.0/10 trở lên, điểm rèn luyện học kỳ 2 hoặc cả năm học đạt từ 70/100 trở lên.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện đang áp dụng đồng thời chương trình cho vay học phí và chương trình trả góp học phí qua thẻ tín dụng. Trong đó, chương trình cho vay học phí được liên kết giữa trường và với 1 ngân hàng nhằm hỗ trợ sinh viên đại học chính quy chương trình chuẩn và chất lượng cao không có điều kiện đóng học phí. Theo đó người học được ngân hàng cho vay học phí với lãi suất hiện tại là 9,5%/năm, mức vay theo học phí thực tế, tối đa 25 triệu đồng trong thời hạn không quá 6 tháng.
Sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM trong giờ thực hành |
ĐÀo NGỌC THẠCH |
Chương trình trả góp học phí qua thẻ tín dụng được Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thực hiện với một số ngân hàng và người học được hỗ trợ trả góp học phí với lãi suất 0%. Chương trình này áp dụng cho cả người học các hệ liên thông, văn bằng 2 chính quy hoặc vừa làm vừa học, người học sau ĐH. Nhưng do tính chất của việc mở thẻ tín dụng yêu cầu chủ thẻ phải có thu nhập nên đối với sinh viên chính quy chương trình chuẩn và chất lượng cao, chương trình đòi hỏi người mở thẻ phải là phụ huynh của sinh viên.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có thêm các kênh khác nhau để cho người học vay và mượn tiền đi học. Cụ thể, trường có một quỹ cho sinh viên mượn tiền đóng học phí trong 4 học kỳ không lãi suất, ra trường trả lại tiền gốc. Một kênh khác, sinh viên làm thủ tục vay vốn với ngân hàng nhưng được cựu sinh viên bảo lãnh ra trường trả lãi và gốc.
Trường ĐH Hoa Sen hiện cũng đang áp dụng chính sách hỗ trợ phụ huynh vay ngân hàng với lãi suất 0%, trường hỗ trợ phí chuyển đổi cho lần thanh toán đầu tiên. Cụ thể, năm học 2022-2023, trường này kết hợp với một ngân hàng xây dựng chương trình trả góp học phí với ưu đãi 0% lãi suất. Theo đó, sinh viên có thể trả góp học phí qua thẻ tín dụng của ngân hàng này trong thời hạn 12 tháng với mức ưu đãi 0% lãi suất, hạn mức thẻ lên đến 1 tỉ đồng.
Như vậy, ngoài chính sách tín dụng học sinh - sinh viên của nhà nước thì mỗi trường ĐH hiện có những chính sách hỗ trợ vay vốn học tập theo các hình thức khác nhau.
Sinh viên nào được hỗ trợ tài chính?
Nghị định 116/2021 của Chính phủ quy định sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).
Trường ĐH VinUni cũng công bố các gói hỗ trợ tài chính với mức 50%, 70% và 80% chi phí đào tạo cho các sinh viên chưa đủ điều kiện tài chính. Đặc biệt, trong 5 niên khóa đầu tiên, tất cả sinh viên sẽ được hỗ trợ 35% chi phí, tương đương với khoảng 12.000 - 14.000 USD trong suốt thời gian học tập tại trường.
Bình luận (0)