"Ngành y không dành cho những người có hoàn cảnh như mình…"
Ngày xưa, cũng có một thời mình mê học y để được làm bác sĩ. Có lẽ ước mơ làm bác sĩ của mình bắt đầu từ ngày em gái mình mất vì bệnh tật, rồi sau đó đến lượt mình bị ho gà, phải chuyển viện lên tận TP.Biên Hòa (Đồng Nai) điều trị. Những ngày nằm viện, thấy các bác sĩ mặc áo blouse trắng rất oai, mình mơ ước sau này được làm bác sĩ như họ.
Lên THPT, thấy ba mẹ quá vất vả, mình đành ngậm ngùi giã từ ước mơ làm bác sĩ và chuyển hướng sang bách khoa hóa (ngành hóa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM). Sinh viên y khoa phải trải qua hơn 200 kỳ thi, còn mình thì cần phải có nhiều thời gian rảnh để đi làm thêm. Với lại thời gian học y dài quá, mà ba mẹ mình thì ngày một già yếu, ngành y không dành cho những người có hoàn cảnh như mình. Không biết mình có khả năng trở thành một bác sĩ giỏi hay không, nhưng ngày đó nếu tiền bạc không phải là gánh nặng, thì có lẽ giờ này mình đang làm việc tại một bệnh viện nào đó.
Vào đại học, mình nhận ra rằng thật ra bách khoa hóa là bến đỗ bình an cho những người thích ngành y nhưng không đủ duyên để làm bác sĩ và mình may mắn có một khoảng thời gian thật đẹp ở nơi đó. Cũng may mắn cho mình là thời đó học phí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM rất thấp, lại có cơ hội xin thêm học bổng nên cuối cùng thì mình cũng lây lất qua được gần 5 năm đại học. Nếu thời đó mà học phí tăng mạnh kiểu như hiện tại thì có khi mình cũng phải giã từ luôn cả ước mơ học bách khoa hóa.
Học bổng được trao không ít nhưng sinh viên nghèo cần hỗ trợ còn nhiều vô kể
Học phí đại học dạo này tăng mạnh quá và đó là chuyện không thể tránh né. Mức học phí hiện tại dù chẳng là gì đối với những gia đình khá giả, nhưng vẫn khá cao so với nhiều gia đình khó khăn. Hiện tại có các nguồn hỗ trợ cho sinh viên trong điều kiện học phí tăng mạnh, ví dụ các nguồn học bổng từ nhà trường, các nguồn học bổng từ doanh nghiệp, hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Số học bổng được trao đi cũng không phải là ít, tuy nhiên số sinh viên nghèo cần hỗ trợ thì còn nhiều vô số kể.
Thật ra những sinh viên nhận được học bổng là những trường hợp đặc biệt, hoặc là quá giỏi hoặc là quá nghèo và số lượng này chẳng là gì so với số đông sinh viên đang cần hỗ trợ. Ngay cả bản thân mình, hơn 20 năm nay, mình luôn đi xin tiền để giúp sinh viên quá nghèo trong khoa. Tuy nhiên, công sức của mình cũng chỉ như muối bỏ biển.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trả hết nợ chỉ khoảng 5 năm trước khi làm tổng thống
Ở các nước phát triển, từ rất lâu, chính phủ có chính sách cho sinh viên vay tiền để học đại học. Sinh viên có thể vay tiền để học đại học từ nhiều tổ chức khác nhau. Chẳng hạn, chương trình vay tiền HECS-HELP của chính phủ Úc, chương trình vay tiền Federal Student Aid của chính phủ Mỹ, chương trình vay tiền Student Finance England của chính phủ Anh Quốc... Còn nhiều nguồn tiền khác nữa, tuy nhiên, nguồn tiền chủ yếu vẫn là từ chính phủ. Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, nếu có thu nhập cao hơn một mức tối thiểu quy định, thì bắt đầu trả nợ, còn trong trường hợp thu nhập thấp hơn mức tối thiểu này thì chưa cần phải trả nợ ngay. Tiền thu hồi được trừ thẳng vào thu nhập, thời gian trả nợ có thể kéo dài 20 – 30 năm hay sớm hơn nếu có nhu cầu trả sớm. Thu nhập phần lớn là minh bạch, được tin học hóa, nên việc thu hồi tiền không khó.
Chương trình chính phủ cho sinh viên vay tiền là một chương trình nhân văn, vì đã tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần trong xã hội, và còn giúp sinh viên tự do lựa chọn trường học họ mong muốn để phát huy hết năng lực mà không phải lo lắng về tài chính. Nhờ đó, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể yên tâm để học đại học trong điều kiện mức học phí cũng như các chi phí khác khá đắt đỏ. Chẳng hạn, cả hai vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng từng vay tiền chính phủ để học đại học và họ trả hết khoản nợ này chỉ khoảng 5 năm trước khi ông Obama được bầu làm tổng thống. Nếu ngày đó, không có nguồn tiền vay này, ông bà không đủ tiền theo học Trường Luật của ĐH Havard, có thể ông bà vẫn thành đạt nhưng chưa chắc nước Mỹ đã có một tổng thống tên là Obama.
Không chỉ sinh viên quá nghèo mới vay tiền học đại học
Cũng cần lưu ý, ở các nước phát triển, không chỉ có sinh viên quá nghèo mới đi vay tiền chính phủ để học đại học. Có trường hợp không phải cha mẹ không có đủ tiền cho bạn ăn học, mà vì tại sao phải làm phiền đến ba mẹ trong khi bạn có thể tự xoay xở được. Có những người trả lời rằng bạn bè họ ai cũng đi vay tiền để học, tại sao họ lại không vay? Có bạn trả lời vui rằng vay tiền thì phải lo học để tốt nghiệp rồi đi làm mà trả nợ cho ngân hàng, nếu không vay thì biết đâu bạn sẽ bỏ học giữa chừng vì không có gì ràng buộc. Gần đây, một người bạn gốc Ấn của mình cũng cho con gái vay tiền chính phủ để học đại học, không phải vì chị không có đủ tiền, mà vì chị muốn con gái chị phải có trách nhiệm hơn với tương lai của cháu.
Mình cũng biết là xưa nay ở Việt Nam vẫn có chính sách cho sinh viên vay vốn để học đại học. Ngay cả bản thân mình, từ học kỳ 2 năm nhất cách đây 30 năm, mình đã được Vietinbank (Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam) cho vay, mỗi lần vay tiền là đến chi nhánh Vietinbank ở gần sân vận động Phú Thọ nhận 600 ngàn đồng cho mỗi học kỳ. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa, ngân hàng bắt đầu tính lãi và mình trả dần dần số nợ đã vay. Không chỉ có các ngân hàng, một số tổ chức xã hội khác vẫn cố gắng hỗ trợ vốn vay cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn như Ban đại diện Cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa (BKA) cũng đang hỗ trợ cho sinh viên 1.000 suất vay/học kỳ với lãi suất 0%. Tuy nhiên, hiện nay cả số lượng sinh viên được vay tiền cũng như số tiền mà mỗi sinh viên được vay thật sự vẫn còn quá ít so với nhu cầu.
Học phí đại học tăng mạnh sẽ có người phải từ bỏ ước mơ giống như mình ngày xưa, hay thậm chí có người phải từ bỏ cả ước mơ vào đại học. Muốn học gì đi nữa, trước hết cũng cần phải có đủ tiền, đó là thực tế mà ai cũng phải đối mặt. Tiền cho vay dĩ nhiên là từ ngân hàng, nhưng trách nhiệm cao nhất để thúc đẩy chương trình cho sinh viên vay vốn học đại học thì không phải ở ngân hàng.
Bình luận (0)