Tỉnh Quảng Ngãi đang phải trả “học phí” cho việc cấp phép để xây dựng Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất đóng tại xã Bình Đông huyện Bình Sơn. Số “học phí” này lên đến 156 tỉ đồng để di dời 427 hộ dân thuộc hai thôn Tân Hy và Sơn Trà thuộc xã Bình Đông ra khỏi vùng bị ô nhiễm do khói bụi và tiếng ồn từ nhà máy này.
Trước đó, tỉnh cũng đã chi 36 tỉ để chuyển 107 gia đình cách nhà máy 50 mét, đến nơi ở mới.
Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất có tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng, công suất 500 ngàn tấn/năm, tọa lạc ngay giữa khu dân cư của xã Bình Đông - nơi mà mật độ dân số ken dày không thua gì ở các đô thị lớn. Khi khởi công xây dựng nhà máy này, không ít người đã tỏ ra lo ngại cho việc gây ô nhiễm môi trường ra khu dân cư.
Tuy nhiên, những “luận chứng kinh tế kỹ thuật” về sự “an toàn” không gây ô nhiễm của một nhà máy sản xuất xi măng hiện đại, cộng với số tiền đầu tư tương đối lớn có thể đã làm khuất lấp những mối lo ngại đó. Trong vòng 3 năm qua, nhà máy đã hai lần xảy ra sự cố. Mỗi lần có “sự cố”, mức độ ô nhiễm càng nặng hơn, dù họ đã bỏ ra 20 tỉ đồng để khắc phục - như lời trần tình của ban lãnh đạo nhà máy.
Kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân quanh khu vực đã phải đóng cửa suốt ngày đêm vì khói bụi và tiếng ồn. Khi sự chịu đựng đã vượt qua giới hạn, người dân đã phải làm cái việc chẳng đặng đừng: kéo đến cổng nhà máy để phản đối. Họ đã ra điều kiện, hoặc là đóng cửa nhà máy, hoặc là họ được hỗ trợ kinh phí để chuyển chỗ ở.
Một cuộc đối thoại thẳng thắn giữa người đứng đầu chính quyền tỉnh với hàng trăm hộ dân tại đây. Giải pháp mang tính “hạ nhiệt” được đưa ra: 236/427 hộ nằm trong phạm vi cách nhà máy 100 - 150 mét sẽ được di dời, số còn lại sẽ tính sau.
Để 236 hộ này được di dời, ngân sách sẽ phải chi 82,7 tỉ đồng. 191 hộ nằm ngoài phạm vi nói trên, sẽ phải tiếp tục sống chung với bụi khói và tiếng ồn, dù có ít hơn. Sở dĩ không di dời “trọn gói” 427 hộ dân nói trên là vì ngân sách không thể trả “học phí” cho bụi khói và tiếng ồn hàng trăm tỷ cùng lúc như thế.
Có thể nói, cấp giấy phép cho một nhà máy có tính “nhạy cảm” về môi trường như Nhà máy xi măng Đại Việt-Dung Quất là một việc làm đáng tiếc. Lãnh đạo tỉnh cũng đã nhận lãnh một phần trách nhiệm trước dân về sự cố này.
Tỉnh Quảng Ngãi đã từng phải trả “học phí” về ô nhiễm môi trường cho Nhà máy xi măng Vạn Tường thuộc Khu công nghiệp Tịnh Phong, rồi Nhà máy tinh bột sắn cũng tại khu công nghiệp này, giờ tiếp tục trả giá cho Nhà máy xi măng Đại Việt-Dung Quất.
Bất cứ một đồng vốn nào của nhà đầu tư đổ vào các khu công nghiệp trong tỉnh đều đáng quý, song khi cấp giấy phép cho các dự án sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì sự thận trọng là điều cần thiết đối với các nhà quản lý.
Bình luận (0)