Học phí tăng, sinh viên mong các trường tăng cường học bổng

03/01/2024 07:10 GMT+7

Theo Nghị định 97 Chính phủ vừa mới ban hành, học phí (HP) các cơ sở giáo dục ĐH công lập bắt đầu tăng từ năm học 2023 - 2024.

Học phí đại học sắp thay đổi như thế nào?

Mức tăng học phí sẽ khác nhau tùy theo mức độ tự chủ và từng khối ngành đào tạo. Cụ thể, trường ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (chưa tự chủ), học phí tối đa trong năm học 2023-2024 từ 12-24,5 triệu đồng/năm (năm học 10 tháng). So với năm học trước đó, học phí tăng thêm 2,2-10,2 triệu đồng tùy khối ngành.

Cũng trong năm học 2023-2024, học phí trường ĐH công lập tự đảm bảo chi thường xuyên tối đa 24-49 triệu đồng/năm. Trường ĐH công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí tối đa 30-61,25 triệu đồng/năm. Như vậy, học phí các trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư cũng tăng thêm 9,5 đến 10,75 triệu đồng so với năm học 2022-2023.

Trước lộ trình tăng học phí, người học bày tỏ nhiều băn khoăn. T.D, sinh viên (SV) một trường ĐH công lập tại TP.HCM, cho rằng việc tăng học phí khá áp lực với SV có hoàn cảnh khó khăn phải sống xa nhà. T.D nói: "Các SV không chỉ lo HP mà còn lo nhiều chi phí đắt đỏ khác khi theo học tại thành phố lớn. Chỉ riêng tiền ở trọ, 1 phòng 4 người ở cách xa trung tâm số tiền phải trả khoảng 1,5 triệu đồng/người /tháng. Trong khi đó, phần lớn các trường ĐH đều không có nhiều chỗ ở cho người học trong ký túc xá".

Học phí tăng, sinh viên mong các trường tăng cường học bổng- Ảnh 1.

Phụ huynh chờ làm thủ tục nhập học, đóng học phí cho sinh viên trúng tuyển ĐH năm 2023

NHẬT THỊNH

"Các bạn thường dành thời gian ban ngày đi học và bắt đầu làm thêm từ 18 - 24 giờ. Trung bình một tuần đi làm 5 ngày với khoảng 100 giờ, theo mức lương từ 20.000 - 25.000 đồng/giờ, SV chỉ có thể kiếm 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. HP cao, lương thấp nên SV có hoàn cảnh khó khăn càng thêm vất vả", T.D chia sẻ thêm.

Hoàng Yến (SV Trường ĐH Mở TP.HCM), nhìn nhận: "HP các trường ĐH công lập ngày càng cao và ở mức ngang ngửa với các trường tư thục. Với mức HP trung bình trên dưới 30 triệu đồng/năm, người học có những lựa chọn khác nhau". Hoàng Yến phân tích: "Đó có thể là việc chọn 1 ngành học yêu thích ở trường tư thục khác với điều kiện học tập đầy đủ và điểm chuẩn dễ thở hơn. Nhưng có người buộc phải chọn 1 ngành học không yêu thích ở 1 trường hoặc bậc học khác có HP thấp hơn".

Trong khi đó, Vũ Hòa (SV Trường ĐH Mở TP.HCM) cho biết hiện đang học chương trình đặc biệt với HP mỗi năm 34,5 triệu đồng. Điều kiện học tập tốt hơn nhiều so với mức HP chương trình đại trà trường công lập chưa tự chủ. Từ sự so sánh trên, Hòa kết luận: "Việc đóng mức HP cao hơn thì người học sẽ có được điều kiện học tập tương ứng. Với gia đình có điều kiện, mức HP trên có thể chấp nhận được". Nhưng trên bình diện chung, Vũ Hòa vẫn cho rằng HP cần có nhiều mức khác nhau để người học lựa chọn theo điều kiện hoàn cảnh của mình. Đồng thời, các trường cần tăng cường học bổng cho người học tốt, hỗ trợ tài chính cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Học phí tăng, sinh viên mong các trường tăng cường học bổng- Ảnh 2.

Sinh viên mong muốn các trường cần tăng cường học bổng cho người học tốt, hỗ trợ tài chính cho người có hoàn cảnh khó khăn.

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Từ phía trường ĐH, tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, bày tỏ sự đánh giá cao với chính sách của nhà nước thông qua Nghị định 97. Theo ông Hải, việc điều chỉnh HP của cơ sở giáo dục ĐH công lập theo nghị định là phù hợp với thực tế, tạo điều kiện để các trường thực hiện các hoạt động tăng cao chất lượng đào tạo và phục vụ người học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.