Học phí tăng vọt, tốt nghiệp đi làm lương 4 - 5 triệu đồng/tháng

18/08/2022 06:00 GMT+7

Học phí đại học ngày càng tăng nhưng nhiều sinh viên “vỡ mộng” khi ra trường không kiếm được việc hoặc làm với mức lương thấp.

Bác sĩ, luật sư mới ra trường 4 - 5 triệu đồng/tháng ?

Nguyễn Hải Âu, cựu sinh viên (SV) ngành bác sĩ đa khoa của một trường ĐH tại TP.HCM tốt nghiệp năm 2018. Sau khi ra trường, Âu xin về làm việc tại bệnh viện công của tỉnh Bến Tre với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng.

Hải Âu chia sẻ: “Bà con họ hàng ai cũng nghĩ tôi làm ngành y chắc nhiều tiền lắm, nhưng thực tế nếu làm ở các bệnh viện công thì mức lương cho SV mới ra trường rất thấp, không đủ trang trải sinh hoạt hằng tháng. Làm bệnh viện tư nhân lương cao hơn nhưng phải có kinh nghiệm mới được tuyển dụng. Trong khi đó, ngành y là một trong những ngành có mức học phí cao nhất”.

Âu kể thêm: “Hiện tôi có một người em họ cũng đang theo học bác sĩ đa khoa, mỗi tháng phải đóng gần 7 triệu đồng học phí, chưa kể các chi phí sinh hoạt khác. Hằng tháng gia đình phải đầu tư cho con hàng chục triệu đồng, kéo dài suốt 6 năm thì số tiền là hơn 400 triệu đồng”.

Ngành y là một trong những ngành có mức học phí cao nhất

NGỌC DƯƠNG

Trong khi đó, Nguyễn Thanh Hải (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM), tốt nghiệp ngành luật năm 2020, cảm thấy buồn chán vì mức lương nhận được không như mình nghĩ. “Tôi thử việc tại một văn phòng công chứng gần nhà, mức lương ban đầu là gần 4 triệu đồng. Bạn tôi có người học một số ngành luật, quản trị kinh doanh... cũng vì không xin việc được hoặc lương thấp mà bỏ nghề đi làm shipper và xe ôm công nghệ, mỗi tháng cũng được trên dưới chục triệu đồng, khiến tôi cảm thấy có chút nản”, Hải tâm tư.

Theo thông tin từ Công đoàn y tế VN mới đây, sau khi học 6 năm và tiếp tục 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, tổng thu nhập của một bác sĩ ở cơ sở y tế công là 4.881.240 đồng/tháng, bao gồm lương 3.486.000 đồng cộng thêm phụ cấp ưu đãi nghề 40%. Mức lương này chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế! Một luật sư làm việc tại một văn phòng luật sư ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cũng cho biết mức lương trung bình của SV ngành luật mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm, làm việc tại các văn phòng luật sư, hoặc các công ty tư nhân là 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, năm nay một trường ĐH đào tạo về luật có mức học phí lần đầu tiên áp dụng, theo đó chương trình đại trà từ 31 - 39 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao từ 62,5 - 74 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh lên tới 165 triệu đồng/năm. Một trường ĐH chuyên đào tạo về y dược cũng có học phí 68 triệu đồng/năm. Nhiều trường ĐH đào tạo về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ... khác cũng đều tăng học phí.

Học phí cao, lương thấp, nhiều người bỏ nghề

PGS-TS kinh tế Đỗ Phú Trần Tình, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nhìn nhận: “Hiện nay học phí các trường ĐH đều cao, cộng thêm chi phí sinh hoạt, ăn ở tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội đều cao, do vậy, đầu tư cho con đi học ĐH đòi hỏi chi phí lớn. Tính trung bình đầu tư cho một SV 4 năm chi phí tài chính dao động từ 350 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng tùy vào trường và ngành nghề đào tạo. Trong khi đó, nhiều SV tốt nghiệp ra không tìm được việc làm, hoặc tìm được việc nhưng lương khá thấp, đặc biệt nếu làm việc khu vực hành chính nhà nước, hưởng hệ số lương 2,34 thì lương chưa đến 5 triệu đồng”.

Một cử nhân do tốt nghiệp đi làm lương thấp nên đã bỏ việc để chạy xe ôm công nghệ

M.Q

Theo PGS-TS Tình, ai muốn lương cao thì hoặc phải thực sự giỏi nhưng số này ít, hoặc phải tiếp tục học, rèn luyện để không ngừng nâng cao năng lực. “Có không ít SV ra trường lương thấp, quyết định chạy xe ôm công nghệ. Thấy kiếm được nhiều tiền hơn, lúc đó sẽ không còn quyết tâm đi tìm việc đúng chuyên môn mà mình theo học suốt 4 năm. Đây là một sự lãng phí vô cùng lớn của xã hội”, ông Tình đánh giá.

Nói về SV tốt nghiệp ngành luật, luật sư Lưu Thị Quỳnh Trang, Công ty luật Lưu Trang, cho rằng thường không phải ai mới ra trường cũng chọn được công ty, văn phòng làm đúng công việc yêu thích. Để tồn tại trong môi trường cạnh tranh mang tính nghề nghiệp, các bạn thường chấp nhận làm việc tại các công ty hoặc văn phòng luật để học việc với mức lương thấp hơn kỳ vọng.

“Việc đi làm với mức lương chỉ đủ trang trải tiền chi phí xăng xe, nhà trọ nhưng đổi lại các bạn sẽ được trao dồi thêm nhiều kỹ năng và kinh nghiệm làm việc nếu được làm tại một nơi có tính chuyên nghiệp. Hầu như những bạn làm được là nhờ gia đình có điều kiện hỗ trợ thêm chi phí ăn uống sinh hoạt. Mặt khác, những SV này cũng thật sự yêu nghề và quyết tâm cao. Thường thì các bạn sẽ mất 2 năm cho giai đoạn này để vượt qua và tồn tại với công việc. Khi có 3 năm kinh nghiệm là các bạn có thể có bằng luật sư nên sẽ có thu nhập theo năng lực. Nếu có 5 năm kinh nghiệm thì mức lương rất cao”, luật sư Trang cho hay.

Đầu tư đi học thế nào cho hợp lý ?

Phạm Nhật Bản là cựu SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đang làm việc tại Công ty xuất nhập khẩu Uy Vận, TP.HCM, cho biết: “Để thích nghi với việc các trường ĐH tăng học phí, SV cần sớm cân đối giữa việc học và làm thêm để có thêm thu nhập. Làm thêm sẽ giúp SV trau dồi các kỹ năng, cọ xát với môi trường thực tế để có nhiều kinh nghiệm hơn. Nhờ thế khi ra trường đi tìm việc, các bạn sẽ dễ thỏa thuận mức lương cao hơn với các nhà tuyển dụng”, Nhật Bản nhận định.

Nhật Bản còn đưa ra lời khuyên về “bài toán đầu tư” khi học ĐH, đó là thay vì đổ dồn về các thành phố lớn, SV cũng có thể cân nhắc việc lựa chọn các trường ĐH ở địa phương hoặc các tỉnh lân cận để tiết kiệm chi phí.

Với chi phí đầu tư học ĐH khá cao, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình khuyên: “Tùy vào năng lực cá nhân, sở thích, điều kiện gia đình để lựa chọn đầu tư tài chính vào việc học ĐH, CĐ hay trung cấp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.