Học phí và quyền lợi của người học

24/06/2020 04:18 GMT+7

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, giáo dục đại học Việt Nam muốn cạnh tranh với các nước và cạnh tranh ngay trong nội bộ thì cần phải đầu tư kinh phí thỏa đáng, trong đó tăng học phí là một giải pháp.

Khi thực hiện điều này, có 2 vấn đề cần phải quan tâm: Học phí tăng liệu có đi kèm cùng cam kết tăng chất lượng? Làm sao để học phí không là rào cản để người học theo đuổi việc học.
Khi Việt Nam đã hội nhập, ngày càng nhiều sinh viên (SV) ra nước ngoài học tập, các trường quốc tế mở rộng hoạt động ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng chuẩn chương trình đào tạo với mong muốn SV Việt Nam ra trường có thể đạt chuẩn cùng khu vực và tiến xa hơn là thế giới thì các trường đại học buộc phải thay đổi mạnh mẽ. Sẽ khó thực hiện được điều này nếu học phí thấp, nhất là khi hiện nay chi phí đầu tư trung bình cho một SV ở Việt Nam rất thấp so với khu vực.
GS Phạm Phụ, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhiều lần đề nghị tăng suất đầu tư cho SV mỗi năm. Theo ông, mức đầu tư này ở Việt Nam quá thấp, chỉ khoảng 1.000 USD/năm, và nên tăng lên khoảng 2.100 USD/SV/năm. Theo các chuyên gia, suất đầu tư cho SV và học phí thấp không đủ để đảm bảo chất lượng, nhất là yêu cầu chất lượng cao.
Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam thì nâng suất đầu tư cho SV không dễ thực hiện nên tăng học phí cũng như tìm nguồn hỗ trợ khác bên ngoài như tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, dịch vụ là giải pháp. Chưa kể, đối với các trường đại học tự chủ, các khoản chi thường xuyên từ nhà nước sẽ bị cắt nên các trường phải bù bằng việc tăng học phí.
Vì vậy, tăng học phí đại học là điều tất yếu nhưng phải đảm bảo 2 yêu cầu được nhắc ở trên.
Về yêu cầu tăng chất lượng đào tạo, trên nguyên tắc, các trường phải có trách nhiệm giải trình, công khai thông tin về chất lượng đào tạo đến người học. Tuy nhiên, trong thực tế không dễ kiểm soát được điều này. Vấn đề là làm sao để ngay từ những điều có thể nhìn thấy được, người học phải biết chất lượng đào tạo đang được cải thiện ứng với học phí đã đóng. Chẳng hạn đó là cơ sở vật chất, là chất lượng giảng viên, điều kiện học tập, thực tập, chương trình đào tạo… Vì thế, với yêu cầu này, cần phải có cơ chế thanh, kiểm tra rõ ràng, chế tài thích đáng để các trường thực hiện đúng cam kết.
Không để bất cứ ai ở lại phía sau. Quan điểm này cần phải được thực thi nhất quán trong giáo dục. Vì thế, tăng học phí mà không cản trở SV nghèo tiếp tục học tập, đảm bảo công bằng xã hội là bài toán mà nhà nước và bất cứ nhà trường nào cũng phải đặt lên hàng đầu. Giải pháp là chính sách miễn giảm học phí, học bổng, quỹ cho SV vay vốn. Sau khi ra trường, SV tìm việc làm sẽ trả tương ứng với mức lương có được. Nói cách khác, SV chuyển chi trả cho việc học từ hiện tại sang tương lai. Điều này, các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện.
Cho nên quan trọng hơn vấn đề tăng học phí là các trường đại học phải đảm bảo được quyền lợi của người học, có lộ trình hợp lý, có chính sách rõ ràng, tránh tình trạng “té nước theo mưa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.