Theo đó, ở câu 1 của đề thi có nội dung: “Trong tập thơ Có người sực tỉnh cơn mơ…, nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân trải lòng: Mình cậy trẻ, dễ phá đi làm lại/ Chút sai lầm, chưa sửa đã toan buông/ Rồi đến lúc chẳng còn nhiều lựa chọn/ Đành yên lòng chấp nhận chuyện sai hơn”. Và đề yêu cầu thí sinh: “Hãy viết về một bài học cuộc sống mà anh/chị rút ra được từ bài thơ trên”.
Chia sẻ về câu hỏi này, giáo viên Đỗ Đức Anh, Tổ phó Tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết nội dung câu hỏi hay, đòi hỏi thí sinh thể hiện tư duy phản biện, có cái nhìn đa chiều trước một vấn đề mang tính thực tiễn. Thầy Đức Anh phân tích, có một thực tế, hiện nay các bạn trẻ có xu hướng chấp nhận cái sai vì nghĩ rằng mình có tuổi trẻ và có thể làm lại. Để rồi có khi cái sai này chồng lên cái sai kia. Do vậy qua bài thơ, qua bài học rút ra từ câu hỏi này bằng sự suy luận của mình, các bạn trẻ có thể nhìn nhận lại bản thân, sống không vội vã, tránh nông cạn, bồng bột mà phải suy nghĩ chín chắn để không dẫn đến những hành động sai lầm.
|
Còn giáo viên T.T.T dạy ngữ văn tại Q.4, TP.HCM, cho hay đề thi đề cập đến phần lớn suy nghĩ của người trẻ hiện nay. Các em có suy nghĩ , mình còn trẻ, nếu làm sai có thể “phá đi làm lại”. Quả thật, tuổi trẻ là một lợi thế nhưng đừng vì thế mà cho rằng “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép” vì có những sai lầm không có cơ hội để sửa chữa. Do vậy, câu hỏi này không chì dừng lại là một bài thơ, một yêu cầu về nghị luận mà đó còn là cơ hội để người trẻ nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo.
Nói về yêu cầu của đề thi, thành viên hội đồng biên soạn đề thi học sinh giỏi của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay câu hỏi 1 đòi hỏi thí sinh thể hiện kỹ năng đọc hiểu và qua hình thức câu hỏi mở, các em có quyền phản biện. Những phản biện của thí sinh phải thể hiện năng lực bảo vệ quan điểm của mình sao cho thuyết phục người khác về suy nghĩ của mình về thời gian, về tuổi trẻ…
Bình luận (0)